Phát hiện bộ kinh Gia Hưng tạng quý hiếm đang lưu giữ tại Chùa Thập Tháp
Đây là bộ kinh Gia Hưng tạng do Tổng trấn Hà Tiên Mạc Thiên Tứ (danh thần đời chúa Nguyễn) mua vào năm 1734 và tặng chùa Thập Tháp vào năm 1735 (cách đây gần 300 năm). Ngoài bộ kinh Gia Hưng tạng, tại chùa Thập Tháp còn lưu giữ nhiều mộc bản có giá trị. "Bộ Gia Hưng tạng này được xem như pháp bảo của Bình Định, Việt Nam và trên thế giới. Chúng tôi sẽ tiếp tục nghiên cứu và có những đề xuất để tỉnh Bình Định có giải pháp bảo tồn và phát huy những thư tịch cổ quý hiếm này" - TS Lan cho biết thêm.
Trước đó, nhóm chuyên gia về nghiên cứu Gia Hưng tạng, gồm: TS Nguyễn Tô Lan, PGS.TS Trần Trọng Dương (Viện Nghiên cứu Hán Nôm) và GS Lý Quý Dân, ĐH Thành Công - Giảng sư ĐH Phật Quang (Đài Loan, Trung Quốc) đã đến chùa Thập Tháp tiếp cận, nghiên cứu bộ kinh thư này.
Theo Thích Viên Quả, người đang làm công việc quản lý tại Chùa Thập Tháp, bộ kinh Gia Hưng tạng đang lưu giữ tại chùa có hàng trăm mộc bản (chất liệu gỗ cây mít) - là những bản gỗ có kích thước khác nhau khắc chữ Hán tinh xảo, đậm nét, cùng nhiều cuốn kinh còn nguyên vẹn, chữ viết rất rõ ràng, maket đẹp.
Theo định nghĩa của bách khoa toàn thư mở Wikipedia, Gia Hưng tạng (chữ Hán), tên đầy đủ là Minh Gia Hưng Lăng Nghiêm tự Phương sách bản Đại tạng kinh, còn được gọi là Lăng Nghiêm tự tạng, Minh bản, Vạn Lịch tạng, Cảnh Sơn tạng, là một phiên bản Đại tạng kinh mộc bản, được thực hiện từ thời nhà Minh sang đến thời nhà Thanh. Gia Hưng tạng bổ sung nhiều kinh văn không chính thức so với các phiên bản Đại tạng kinh trước đó, được xem là bộ tổng tập đầy đủ đầu tiên của Đại tạng kinh.
Chùa Thập Tháp (Thập Tháp Di Đà Tự) được lập vào thế kỷ XVII, là một trong những ngôi chùa cổ danh tiếng của tỉnh Bình Định nói riêng, miền Trung nói chung. Qua hơn 3 thế kỷ, ngôi chùa đã nhiều lần được tu sửa, tôn tạo nhưng vẫn giữ được nét cổ kính, tôn nghiêm một tổng thể kiến trúc hài hòa. Nơi đây lưu giữ nhiều di vật, cổ vật (hai tượng Hộ Pháp và 36 tượng La Hán bằng gỗ chạm khắc tinh vi) có giá trị gắn với quá trình phát triển của Phật giáo ở Đàng Trong. Chùa Thập Tháp đã được Bộ Văn hóa (nay là Bộ VH-TT&DL) công nhận là Di tích lịch sử - văn hóa quốc gia vào ngày 9-1-1990.
Được biết, sáng 24-8, lãnh đạo Sở Văn hóa & Thể thao, Bảo tàng tỉnh, UBND TX An Nhơn và UBND phường Nhơn Thành đã về chùa Thập Tháp (Thập Tháp Di Đà Tự, ở phường Nhơn Thành, TX An Nhơn) để khảo sát, tìm hiểu để lên phương án phối hợp cùng nhà chùa gìn giữ bộ kinh Gia Hưng tạng này.
Theo B.Đ.O