Phát hiện ớt bột chứa độc tố có thể gây ung thư
Qua công tác kiểm tra, Ban Quản lý An toàn thực phẩm (ATTP) TP Đà Nẵng phát hiện phần lớn các mẫu ớt bột được lấy từ các chợ bị nhiễm độc tố nấm và vi sinh vật vượt quá giới hạn cho phép. Trong đó một số mẫu được lấy từ chợ đầu mối Hòa Cường và chợ Cồn nhiễm Aflatoxin, là độc tố có nguy cơ gây ung thư.
Thanh tra Ban ATTP thành phố Đà Nẵng kiểm tra các quầy hàng tiểu thương kinh doanh ớt bột tại chợ Cồn. |
TIỂU THƯƠNG KHÔNG BIẾT ỚT CHỨA CHẤT ĐỘC
Sau khi Bộ NN&PTNT công bố thông tin 95 mẫu ớt bột được lấy tại các địa phương (trong đó có Đà Nẵng) có dư lượng Aflatoxin vượt ngưỡng cho phép, BQL ATTP thành phố tổ chức thanh, kiểm tra trên diện rộng đồng thời tiến hành phân tích các mẫu ớt bột được lấy tại các chợ lớn trên địa bàn. Trong tổng số 17 mẫu được lấy từ chợ Hàn, chợ Cồn, chợ Đống Đa và chợ Đầu mối Hòa Cường để phân tích thì có tới 14 mẫu nhiễm vi sinh vật và độc tố nấm vượt quá giới hạn cho phép, không phù hợp với quy chuẩn và quy định về ATTP, 3 mẫu nhiễm Aflatoxin. Bà Nguyễn Thị M., một trong 2 tiểu thương ở chợ Cồn kinh doanh ớt bột có mẫu được lấy kiểm nghiệm vừa nhiễm nấm men, nấm mốc và Aflatoxin ngạc nhiên cho biết: “Tôi lấy ớt bột từ Đại Lộc, Quảng Nam về bán cả chục năm nay nhưng không hề biết là nó nhiễm vi sinh, là chất có thể gây ung thư. Tôi hoàn toàn bất ngờ vì ớt được bảo quản rất kỹ, khách hàng vẫn mua đều đặn mà không có phản ánh gì”. Tương tự, bà Lê Thùy C., tiểu thương kinh doanh thực phẩm, gia vị tại chợ Đầu mối Hòa Cường cho hay, một hộ gia đình tại Huế vẫn cung cấp đều đặn ớt bột cho bà lâu nay, hàng tháng ớt được vận chuyển theo xe vào Đà Nẵng, nhận hàng thì trả tiền. “Họ cam đoan với tôi là sản xuất đảm bảo an toàn, không hề sử dụng phụ gia gì cả. Tôi cũng bảo quản rất kỹ, ớt luôn khô và có màu tươi. Gia đình tôi cũng ăn hàng ngày. Không biết chất độc đó từ đâu ra”, bà C. cho hay.
Không những tiểu thương, các hộ kinh doanh thức ăn đường phố, nhà hàng, quán ăn cũng không khỏi lo âu trước thông tin ớt bột mà họ luôn để sẵn trên bàn để phục vụ khách. Hầu hết các quán bún, phở, mỳ Quảng, bánh canh…, bên cạnh ớt tươi, chanh, nước mắm đều có thêm một hũ ớt bột, ớt tương. Chị Nguyễn Thị Bi, chủ một quán bánh canh trên đường Hà Huy Tập cho biết, do đọc được thông tin trên báo chí nên thời gian gần đây, một số người có tâm lý e ngại sử dụng ớt bột. Tuy nhiên nhiều người vẫn ăn như thường vì không nắm bắt được thông tin về ớt nhiễm Aflatoxin hoặc họ nghĩ nhiều mẫu mới có một mẫu nhiễm. “Tôi cũng không hiểu vì người ta nói ớt được phơi, xay thủ công, không dùng hóa chất, hương liệu, phụ gia, mình bảo quản kỹ thì làm sao lại có chất gây ung thư được”, chị Bi cho biết.
KIỂM SOÁT ĐẦU VÀO CỦA ỚT BỘT
Ông Nguyễn Tấn Hải–Trưởng ban Quản lý ATTP TP Đà Nẵng cho biết, thông tin về việc ớt bột nhiễm Aflatoxin được thông báo sau đợt kiểm tra của Thanh tra Bộ NN&PTNT, Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (Bộ NN&PTNT), Cục An ninh, kinh tế nông, lâm, ngư nghiệp của Bộ CA. Ngoài Đà Nẵng thì các địa phương khác trong diện kiểm tra gồm Hà Nội, TT-Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, TPHCM, Đồng Tháp, Đồng Nai, Bà Rịa- Vũng Tàu, Bình Phước cũng đều có mẫu ớt bột nhiễm Aflatoxin. Theo khảo sát của Ban Quản lý ATTP TP Đà Nẵng, hiện trên địa bàn không có cơ sở sản xuất, chế biến ớt bột quy mô lớn mà chủ yếu các hộ mua ớt tươi về phơi khô hoặc mua sẵn ớt khô từ các địa phương khác về phân phối ra các chợ. Thị trường cung cấp ớt cho các chợ ở Đà Nẵng chủ yếu là TT–Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi.
Ông Hải cho biết, ngoài việc xử lý theo quy định đồng thời tuyên truyền, nâng cao nhận thức trong việc kinh doanh thực phẩm có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, bảo quản đúng cách, Ban Quản lý ATTP TP Đà Nẵng đã có công văn gửi cơ quan chức năng các tỉnh TT- Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi về việc phát hiện các mẫu ớt bột xuất xứ từ đây có nhiễm độc tố, nấm vượt ngưỡng cho phép. Việc này nhằm liên kết với các địa phương để kiểm soát, cung ứng thực phẩm an toàn. “Chúng tôi đã yêu cầu Ban Quản lý các chợ kiểm tra và xử lý triệt để các tiểu thương kinh doanh sản phẩm thực phẩm không bao gói sẵn, không có nhãn mác thể hiện nguồn gốc, xuất xứ, giấy tờ mua bán chứng minh nguồn gốc. Đây là một trong những yêu cầu trong quá trình xây dựng chợ ATTP theo chủ trương của thành phố. Riêng đối với ớt bột, lực lượng chức năng sẽ tăng cường công tác kiểm tra nguồn gốc và quá trình bảo quản, yêu cầu các hộ kinh doanh phải đảm bảo điều kiện. Nếu vi phạm sẽ xử lý nghiêm”, ông Hải cho biết.
ĐÔNG A
Theo Bộ NN&PTNT, nguyên nhân chủ yếu khiến ớt bột nhiễm chất có nguy cơ gây ung thư là hầu hết các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh ớt bột khô có quy mô hộ gia đình, điều kiện chế biến, bảo quản không đảm bảo dẫn tới có độc tố vi nấm Aflatoxin trong sản phẩm. Nhiều địa phương có độ ẩm cao, mưa nhiều, không có thiết bị sấy, chủ yếu phơi tự nhiên, bao gói sơ sài dẫn đến ớt bột thường bị nhiễm nấm mốc Aspergillus flavus, Aspergillus parasiticus... là nguyên nhân chính sinh ra độc tố Aflatoxin. Nếu chế biến và bảo quản không tốt sẽ gây ra vi sinh nấm men, nấm mốc, trong đó có độc tố nấm Aflatoxin gây ung thư. |