Phát huy các giá trị văn hóa, di tích lịch sử dân tộc

Thứ hai, 25/02/2019 09:00

Ngày 23-2 (ngày 19 tháng Giêng), tại chùa Hoằng Phúc, UBND H. Lệ Thủy (tỉnh Quảng Bình) phối hợp với Ban Trụ trì chùa Hoằng Phúc tổ chức Lễ Khai hội Di tích lịch sử quốc gia chùa Hoằng Phúc lần thứ IV, năm 2019. Chùa Hoằng Phúc (ở thôn Thuận Trạch, xã Mỹ Thủy, H. Lệ Thủy) có lịch sử hơn 700 năm hình thành và được xem là một trong những ngôi chùa cổ nhất khu vực miền Trung nước ta hiện nay. Lịch sử ghi nhận chùa Hoằng Phúc đã từng đón nhiều vị vua đến thăm và cầu quốc thái, dân an như: Phật hoàng Trần Nhân Tông (năm 1301); chúa Nguyễn Phúc Chu (năm 1716); vua Minh Mạng (năm 1821). Năm 2014, chùa được phục dựng theo lối giữ nguyên trạng chùa cũ. Năm 2015, chùa Hoằng Phúc được Bộ VH-TT&DL xếp hạng là Di tích quốc gia. Yếu tố linh thiêng và cảnh sắc đẹp mắt sau khi phục dựng của chùa Hoằng Phúc đã thu hút đông đảo phật tử và du khách thập phương đến vãng cảnh, lễ phật, cầu an.

Hai chum nước thiêng rước về chùa Hoằng Phúc.

Lễ hội Di tích lịch sử quốc gia chùa Hoằng Phúc năm 2019 với mong muốn tiếp tục lan tỏa những giá trị văn hóa, đáp ứng nhu cầu văn hóa, tinh thần của nhân dân địa phương và đông đảo tăng ni, phật tử, du khách thập phương. Lễ hội năm nay được tổ chức với nhiều hoạt động văn hóa, tâm linh như: lễ rước nước từ vực An Sinh lên chùa, lễ tắm tượng Phật, lễ phóng sinh, Thuyết pháp và lễ quy y Tam Bảo, lễ cầu Quốc thái dân an, Quảng Bình thịnh vượng, lễ phát lộc, thả hoa đăng, các hoạt động về nguồn, cho chữ Thư pháp và các hoạt động thể thao, trò chơi dân gian, truyền thống. Đặc biệt, Lễ hội Di tích lịch sử quốc gia chùa Hoằng Phúc năm 2019 sẽ có thêm các hoạt động mới, mang đậm nét tâm linh, ái quốc như: Cúng Quốc tổ, Khai ấn Hoằng Phúc cổ tự. Các nghi lễ Phật pháp gắn với giáo dục truyền thống cách mạng, nâng cao nhận thức của mỗi người dân trong việc lưu giữ, bảo vệ và phát huy các giá trị văn hóa, di tích lịch sử của dân tộc Việt Nam. Cùng với đó, những giá trị khuyến thiện, hướng thiện lan tỏa trong đời sống nhân dân, góp phần hình thành nên những quan niệm sống giàu tính nhân văn sâu sắc.

Đại Đức Thích Khải Đạo, Giám tự chùa Hoằng Phúc cho biết: Lễ hội Di tích lịch sử chùa Hoằng Phúc sẽ diễn ra trong hai ngày 23 và 24 tháng 2 (tức 19 và 20 tháng Giêng năm Kỷ Hợi). Trong khuôn khổ chương trình của lễ hội năm nay, lễ Khai ấn Hoằng Phúc cổ tự lần đầu tiên sẽ được tổ chức tại chùa (vào 21 giờ ngày 23-2 tức ngày 19 tháng Giêng). Lễ Khai ấn Hoằng Phúc cổ tự được tổ chức dựa vào tính lịch sử năm 1301 Phật hoàng Trần Nhân Tông đã ghé thăm chùa và cầu phúc đức cho dân tại đây. Theo đó, lễ Khai ấn được tổ chức vừa tăng giá trị tâm linh vừa ghi lại hình ảnh của Phật Hoàng Trần Nhân Tông đã ghé chùa–là niềm vinh dự cho Hoằng Phúc cổ tự. Những ai giữ được ấn sẽ biết thay đổi bản thân để sống tốt hơn, làm nhiều điều phước đức, biết cống hiến và giúp đỡ cho gia đình, xã hội và đất nước ngày càng phát triển, phồn vinh.

Ngay từ sáng sớm, đông đảo tăng ni, phật tử, người dân và du khách thập phương đã có mặt tại chùa Hoằng Phúc để tham gia các hoạt động của lễ hội. Dự kiến, Lễ hội Di tích lịch sử chùa Hoằng Phúc năm 2019 sẽ đón khoảng hơn 10.000 lượt phật tử, du khách đến chiêm bái, vãng cảnh và cầu tự. Ông Đặng Đại Tình, Chủ tịch UBND H. Lệ Thủy nhấn mạnh: Với những hoạt động vừa mang đậm nét văn hóa truyền thống, tâm linh Phật giáo, Lễ hội đã thu hút đông đảo nhân dân, phật tử tham gia, tạo nên nét đặc sắc riêng của Lễ  hội Di tích lịch sử chùa Hoằng Phúc. Lễ hội Di tích lịch sử chùa Hoằng Phúc cùng với Lễ hội bơi đua thuyền truyền thống trên sông Kiến Giang vào dịp Quốc khánh 2-9 hàng năm sẽ là những điểm nhấn sinh hoạt văn hóa tinh thần của nhân dân địa phương, tạo không gian văn hóa đặc sắc, góp phần thúc đẩy du lịch ngày càng phát triển.

Võ Dung