Phát huy dân chủ trong giải quyết khiếu nại, tố cáo

Thứ sáu, 20/11/2015 10:01

(Cadn.com.vn) - Với vai trò nòng cốt trong công tác đấu tranh, phòng ngừa, xử lý tiêu cực, tham nhũng, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân, trong suốt 70 năm xây dựng, trưởng thành, hoạt động của ngành Thanh tra luôn gắn liền với sự nghiệp cách mạng của dân tộc. Nhân kỷ niệm 70 năm ngày truyền thống ngành Thanh tra Việt Nam (23-11-1945 - 23-11-2015), ông Nguyễn Đức Cam- Thanh tra viên cao cấp, Phó chánh Thanh tra TP Đà Nẵng, dành cho Báo Công an TP Đà Nẵng cuộc phỏng vấn về kết quả công tác của Thanh tra TP Đà Nẵng những năm qua và những định hướng trong thời gian đến.

Ông Nguyễn Đức Cam, Phó chánh Thanh tra TP Đà Nẵng

P.V: Xin ông cho biết khái quát tình hình khiếu nại, tố cáo (KNTC) và việc giải quyết KNTC tại thành phố Đà Nẵng thời gian qua?

Ông Nguyễn Đức Cam: Từ khi trở thành đơn vị hành chính trực thuộc Trung ương, thành phố Đà Nẵng đã tích cực huy động mọi nguồn lực cho đầu tư phát triển, thực hiện các dự án, xây dựng cơ sở hạ tầng và chỉnh trang đô thị. Trong 18 năm qua, thành phố đã tổ chức di dời, giải tỏa đền bù trên 95.000 hộ dân để thực hiện các dự án, đã làm ảnh hưởng nhất định đến đời sống của một bộ phận nhân dân và đây cũng là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến phát sinh phần lớn đơn KNTC, kiến nghị, phản ánh. Chỉ tính từ năm 2010 đến nay, các cơ quan quản lý hành chính nhà nước các cấp, các ngành và các cơ quan thanh tra đã tiếp 55.659 lượt công dân; tiếp nhận 2.843 đơn KNTC; đã giải quyết 966/1.004 vụ việc thuộc thẩm quyền, đạt tỉ lệ 96%. Hầu hết các đơn KNTC của công dân đã được các cấp, các ngành xem xét giải quyết đúng trình tự, thủ tục quy định. Trường hợp người khiếu nại không đồng ý với các quyết định giải quyết khiếu nại, cán bộ tiếp công dân và các cơ quan đã hướng dẫn cho người dân thực hiện quyền khiếu nại tiếp theo hoặc khởi kiện vụ án hành chính tại Tòa án. UBND thành phố và các cơ quan nhà nước có thẩm quyền đã tập trung chỉ đạo và phối hợp giải quyết dứt điểm một số vụ khiếu nại tồn đọng, phức tạp, kéo dài. Trong đó có một số vụ khiếu nại tồn đọng hơn 10 năm.

P.V: Theo ông để giải quyết đúng chính sách, pháp luật và có hiệu quả đơn KNTC, các cơ quan có thẩm quyền phải làm tốt những nội dung gì?

Ông Nguyễn Đức Cam: Để giải quyết tốt các KNTC của công dân ngoài việc căn cứ vào các quy định của pháp luật, các cơ quan có thẩm quyền giải quyết KNTC phải thực hiện tốt nhiều nội dung nhưng trước hết phải phát huy quyền dân chủ của người dân.

Việc phát huy dân chủ trong công tác tiếp công dân, giải quyết KNTC như một phương pháp kết hợp giữa biện pháp hành chính với phương pháp vận động, tuyên truyền, giáo dục và thuyết phục, vừa căn cứ các quy định của pháp luật. Đó cũng là một hình thức giám sát có hiệu quả chống lại các hành vi làm trái pháp luật, nhằm bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, công dân.

Luật Khiếu nại năm 2011 đã mở rộng quyền của người khiếu nại, do đó, để phát huy quyền dân chủ của người KNTC, các cơ quan cần phải làm tốt công tác tiếp công dân, tạo điều kiện thuận lợi để người dân trực tiếp trình bày những ý kiến, nguyện vọng của mình. Đối với những kiến nghị, phản ánh hoặc KNTC thuộc thẩm quyền mà vụ việc rõ ràng, cụ thể thì người tiếp công dân phải trả lời ngay cho công dân biết, tránh gây khó khăn, phiền hà cho người dân. Điều quan trọng là phải gắn công tác tiếp công dân với việc trả lời, giải quyết các KNTC của người dân.

Tổ chức đối thoại cũng là một nội dung rất quan trọng trong quá trình giải quyết khiếu nại. Tổ chức đối thoại vừa là quy định của pháp luật về khiếu nại, vừa đề cao và thể hiện tính công khai, dân chủ trong giải quyết khiếu nại. Qua đối thoại sẽ khắc phục tình trạng chủ quan, kết luận và quyết định thiếu chính xác, làm phức tạp thêm vấn đề và có thể dẫn đến vụ việc khiếu nại kéo dài. Cũng qua đối thoại nếu phát hiện có sai phạm từ phía cơ quan nhà nước hoặc CBCC gây thiệt hại đến lợi ích hợp pháp của công dân thì phải nhanh chóng có biện pháp chỉ đạo sửa chữa, khắc phục, bồi thường thiệt hại cho người khiếu nại và xử lý nghiêm minh các đối tượng vi phạm. Việc tổ chức đối thoại với người khiếu nại vừa phát huy bản chất dân chủ, vừa thể hiện sự nghiêm chỉnh chấp hành quy định của pháp luật về khiếu nại.

Một vấn đề khác không kém phần quan trọng là thực hiện việc bình đẳng giữa các bên KNTC và bị KNTC. Để đảm bảo tính đúng đắn, chính xác, khách quan của việc giải quyết KNTC thì giữa người KNTC và người bị KNTC phải có sự công bằng, bình đẳng, đảm bảo về quyền và nghĩa vụ của mỗi bên. Các cơ quan phải công khai quyết định giải quyết khiếu nại và kết luận nội dung tố cáo, quyết định xử lý hành vi vi phạm bị tố cáo. Sự công khai trong giải quyết KNTC là để tạo điều kiện cho người dân và CBCC giám sát, theo dõi việc giải quyết và việc thực hiện các quyết định giải quyết KNTC đã có hiệu lực pháp luật. Việc công khai các quyết định giải quyết khiếu nại (lần 2) và công khai kết luận nội dung tố cáo, quyết định xử lý hành vi vi phạm bị tố cáo là quy định của pháp luật về KNTC.

P.V: Theo ông trong thời gian đến các cơ quan, tổ chức cần có những biện pháp gì để giải quyết tốt hơn nữa các KNTC của người dân?

Ông Nguyễn Đức Cam: Phải tiếp tục có sự chỉ đạo và phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan Đảng, cơ quan nhà nước, cơ quan bảo vệ pháp luật, UBMTTQ, Hội nông dân các cấp... trong việc tổ chức tiếp công dân và giải quyết KNTC. Người đứng đầu cơ quan phải thực hiện đầy đủ trách nhiệm của mình trong việc tiếp công dân, giải quyết KNTC đúng theo quy định; thực hiện đúng nguyên tắc công khai, dân chủ, công bằng trong giải quyết KNTC. Khi có KNTC thì phải nhanh chóng chỉ đạo giải quyết, kết luận rõ đúng sai và xử lý nghiêm minh những cá nhân vi phạm, làm trái các chính sách, pháp luật.

Giải quyết KNTC phải xuất phát từ thực tiễn, làm rõ nguyên nhân dẫn đến KNTC và đề ra chủ trương, giải pháp đúng đắn, tập trung giải quyết kịp thời những yêu cầu chính đáng của nhân dân; khắc phục tình trạng quan liêu, xa rời quần chúng. Khi giải quyết các KNTC phải lắng nghe ý kiến của người dân, thu thập nhiều nguồn thông tin để xem xét, phân tích, đánh giá nội dung, yêu cầu của người KNTC thật khách quan và đưa ra quyết định chính xác.

Thường xuyên làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về KNTC, các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; làm tốt công tác chính trị, tư tưởng nhằm tạo sự đồng thuận trong việc thực hiện các chủ trương của thành phố; giáo dục, vận động, thuyết phục nhân dân, phát huy dân chủ, dựa vào dân để hòa giải, giải quyết các mâu thuẫn, tranh chấp trong nội bộ nhân dân; kiên quyết xử lý những người lợi dụng quyền KNTC, lợi dụng quyền dân chủ để gây rối, vi phạm pháp luật.

Các cơ quan có thẩm quyền phải tăng cường thanh tra trách nhiệm của người đứng đầu trong việc thực hiện pháp luật về tiếp công dân, giải quyết KNTC và việc chấp hành các quyết định giải quyết khiếu nại, quyết định xử lý tố cáo đã có hiệu lực pháp luật. HĐND các cấp, UBMTTQVN và các cơ quan chức năng khác cần tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật, việc tổ chức tiếp công dân, giải quyết KNTC và việc thực hiện pháp luật về dân chủ ở cơ sở nhằm phát huy dân chủ của nhân dân và tạo sự thống nhất chung trong việc giải quyết các KNTC.

P.V: Xin cảm ơn ông!