Phát huy nét đẹp văn hóa làng quê
Ra quân trồng cây "Xanh hóa đình làng" tại khuôn viên ngôi đình La Bông (xã Hòa Tiến, H. Hòa Vang). |
Thực hiện Đề án "Ra quân trồng cây xanh hóa đình làng", sáng 2-3, UBMTTQ H. Hòa Vang (TP Đà Nẵng) phối hợp với Hiệp hội Nữ doanh nhân TP tổ chức trồng 20 cây hoa Hoàng hậu trong khuôn viên ngôi đình La Bông (xã Hòa Tiến). Theo đó, Đề án này sẽ trồng tổng cộng 413 cây cùng loại (mỗi cây cao từ 2,5m, đường kính từ 5cm trở lên) tại 44 ngôi đình trên địa bàn huyện và khu tái định cư đồng bào Cơ Tu các thôn Tà Lang, Giàn Bí (xã Hòa Bắc).
Được biết, có bề dày lịch sử hơn 500 năm, đình làng La Bông cũng đã trải qua bao biến cố lịch sử, ghi đậm dấu ấn văn hóa, cách mạng xuyên suốt tiến trình hình thành và phát triển của vùng quê yêu nước và hiếu học này. Qua nhiều thế kỷ tồn tại rồi phục dựng sau kháng chiến chống Pháp, nhưng cũng chỉ được một thời gian ngắn thì giặc Mỹ xâm lược, trưng dụng ngôi đình làm nơi đóng quân để càn quét các cơ sở cách mạng khiến ngôi đình xuống cấp, hư hỏng; cho nên dân làng chỉ còn biết hoài niệm, chớ không có nơi thờ tự, cúng bái trang nghiêm. Mãi đến năm 2019, từ nguồn kinh phí xã hội hóa gần 2 tỷ đồng do dân làng và con em làm ăn xa quê đóng góp, đình làng La Bông được xây mới trên thửa ruộng ven đường liên xã Hòa Tiến- Hòa Phong... Lão nông Nguyễn Đức Ngãi trải lòng: "Những năm gần đây, kinh tế phát triển, đời sống người dân được cải thiện nâng cao. Ngoài việc hiến đất mở đường, người dân còn quan tâm tu sửa, nâng cấp một số di tích cổ xưa của làng để có không gian phục vụ sinh hoạt cộng đồng "tối lửa, tắt đèn có nhau". Cho nên, dù có đô thị hóa, công nghiệp hóa làng quê như thế nào đi nữa thì vẫn phải lưu giữ được nét cổ xưa, không chỉ trong không gian, cảnh vật mà trong cả tình cảm của con người đã gìn giữ từ bao đời nay".
Với người dân Hòa Vang, mỗi di tích cổ xưa đều gắn với rất nhiều thăng trầm lịch sử của dân làng, để rồi trong tâm thức của người đi xa mỗi lần nghĩ về nơi "chôn nhau, cắt rốn" lại thấy đau đáu, còn người ở lại thấy mình cần có trách nhiệm hơn trong việc gìn giữ và tiếp tục phát huy. Vì thế, trong quá trình xây dựng nông thôn mới, các cấp chính quyền chủ trương nghiên cứu cụ thể từng vùng, miền có những đặc điểm khác nhau để làm thế nào vừa giữ được dáng dấp của làng quê, vừa đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Có thể nói, việc "Trồng cây xanh hóa đình làng" sẽ góp phần nâng cao nhận thức và phát huy hơn nữa vai trò, trách nhiệm của mỗi người dân trong việc trồng, chăm sóc cây xanh tạo không gian xanh - sạch - đẹp, nhất là tại các khu di tích lịch sử văn hóa nhằm cải thiện cảnh quan, môi trường nông thôn mới, hưởng ứng phong trào "Toàn dân trồng cây xanh" theo lời Bác dạy nhằm lưu giữ nét đẹp văn hóa làng quê, bảo vệ bản sắc văn hóa dân tộc, tăng cường tình làng nghĩa xóm để cùng nhau xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc; đồng thời kết nối những khoảng đứt gãy từ truyền thống tới hiện tại cho người dân nông thôn theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) về "Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc".
VY HẬU