Phát huy sức mạnh đại đoàn kết, nâng cao chất lượng cuộc sống cho đồng bào vùng cao
Ngày 27-9, UBND tỉnh Quảng Nam tổ chức Đại hội Đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh Quảng Nam lần thứ 3, năm 2019. Ông Đinh Văn Thu - Chủ tịch UBND tỉnh và ông Lê Trí Thanh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì đại hội. Dự đại hội có bà Hoàng Thị Hạnh -Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc và gần 400 đại biểu khách mời.
Ủy ban Dân tộc tặng Bằng khen cho các cá nhân, tập thể. |
Theo báo cáo tại đại hội, hiện tỉnh Quảng Nam có 15 huyện, 1 thị xã và 2 thành phố; trong đó có 9 huyện miền núi. Dân số toàn tỉnh đạt gần 1,5 triệu người, trong đó đồng bào các dân tộc thiểu số (DTTS) có gần 140 ngàn người (chiếm 9,3% dân số toàn tỉnh). Địa bàn tỉnh Quảng Nam có 37 DTTS đang sinh sống. Giai đoạn 2014 - 2019, T.Ư đã đầu tư, hỗ trợ vùng DTTS và miền núi của tỉnh Quảng Nam thông qua các Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và Chương trình xây dựng nông thôn mới với tổng kinh phí là 8.252 tỷ đồng; trong đó Chương trình 135 của Chính phủ là 583 tỷ đồng. Bên cạnh đó, UBND tỉnh cũng đã chú trọng đầu tư, phát triển vùng đồng bào DTTS đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, phát triển các làng nghề... với tổng kinh phí là 3.941 tỷ đồng.
Về phát triển kinh tế - xã hội, các địa phương đã sử dụng các nguồn vốn đầu tư, hỗ trợ của T.Ư, tỉnh tập trung xây dựng hàng ngàn công trình hạ tầng; trong đó tập trung làm đường giao thông, thủy lợi, điện, trường học, trạm y tế, trung tâm văn hóa - thể thao, trụ sở làm việc... đảm bảo phục vụ cho người dân sản xuất và sinh hoạt. Đến nay, có 100% xã có đường ô-tô đến trung tâm, 100% xã được tiếp cận điện lưới quốc gia, tỷ lệ hộ sử dụng điện 98%; 100% xã có trường tiểu học và trung học cơ sở, 100% xã có trạm y tế, 85,4% hộ sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh. Hiện có 13 xã miền núi được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, bình quân chung tiêu chí đạt chuẩn của 96 xã miền núi là 11,09 tiêu chí xã, tăng 5,89 tiêu chí so với năm 2013.
Trong 3 năm (2017-2019) ngân sách tỉnh bố trí 285,865 tỷ đồng để thực hiện sắp xếp, ổn định dân cư cho 4.371 hộ (hộ DTTS khu vực III 2.064 hộ; so với kế hoạch đến 2020, đến nay đạt 73% (4.371/6000 hộ). Công tác giảm nghèo được toàn xã hội quan tâm, nhất là hệ thống chính trị các cấp. Tỷ lệ hộ nghèo miền núi của tỉnh bình quân giảm 5,16%/năm; thu nhập năm 2018 bình quân đầu người khu vực đồng bào DTTS và miền núi 16 triệu đồng, tăng 6 triệu đồng so với năm 2014.
Giáo dục và đào tạo cũng đã có những bước phát triển đáng kể. Mạng lưới trường lớp được củng cố và tiếp tục đầu tư phát triển từ mầm non đến trung học phổ thông. Ngoài ra, chương trình phủ sóng phát thanh, truyền hình được phát triển rộng khắp và có trên 98% người dân được nghe, nhìn. Nhất là phát thanh, truyền hình bằng tiếng Cơ Tu, Ca Dong... được thường xuyên và phong phú. Qua đó, đời sống văn hóa tinh thần của đồng bào DTTS ngày càng được nâng lên. Mạng lưới y tế vùng đồng bào DTTS và miền núi được mở rộng và hoàn thiện. Cơ sở vật chất và trình độ đội ngũ y, bác sỹ từng bước được nâng lên và hoạt động có hiệu quả... Tại đại hội, các đại biểu đã thống nhất bầu 12 đại biểu chính thức và 2 đại biểu dự khuyết tham dự Đại hội Đại biểu các DTTS toàn quốc lần thứ 2 năm 2020.
Bà Hoàng Thị Hạnh biểu dương những kết quả mà tỉnh Quảng Nam đã đạt được trong thực hiện theo các Chương trình mục tiêu quốc gia. Theo Thứ trưởng Hoàng Thị Hạnh, các dân tộc nước Việt Nam luôn kề vai sát cánh, chung thủy sắc son với Bác Hồ, một lòng trung thành với đường lối cách mạng của Đảng. Tinh thần đó thể hiện đậm nét xuyên suốt quá trình đấu tranh giải phóng dân tộc thống nhất đất nước. Đại hội Đại biểu các DTTS là biểu tượng cho sự đoàn kết toàn dân tộc, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ văn minh. Quảng Nam là vùng "địa linh nhân kiệt" sản sinh ra nhiều người con ưu tú cho đất nước. Đồng bào các DTTS ở tỉnh đã đạt nhiều thành tựu trong phát triển kinh tế, văn hóa xã hội, quốc phòng an ninh. Quan trọng nhất là UBND tỉnh Quảng Nam đã triển khai nhiều chính sách phát triển vùng đồng bào DTTS góp phần nâng cao được đời sống vật chất và tinh thần cho người dân. "Tỉnh cần tiếp tục kết hợp với Uỷ ban Dân tộc và các bộ, ngành T.Ư chú trọng công tác đào tạo sinh kế, giải quyết việc làm nhằm nâng cao thu nhập cho người dân, đặc biệt phải quan tâm đến vấn đề giáo dục..." - Thứ trưởng Hoàng Thị Hạnh định hướng.
Tổng kết đại hội, ông Đinh Văn Thu thẳng thắn nhìn nhận, vùng miền núi của tỉnh vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức. Tốc độ tăng trưởng kinh tế còn thấp, phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của vùng, cơ cấu kinh tế chuyển dịch chậm và chưa vững chắc. Tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào DTTS tuy có giảm mạnh qua từng năm nhưng so với mặt bằng chung của tỉnh và cả nước vẫn còn ở mức cao và chưa thật sự vững chắc, tình trạng tái nghèo vẫn thường xảy ra. "Tôi đề nghị Đại hội và bà con DTTS trên địa bàn tỉnh tiếp tục phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, hướng đến mục tiêu cải thiện và nâng cao hơn nữa đời sống vật chất và tinh thần cho đồng bào các dân tộc vùng núi..." - ông Thu nhấn mạnh.
Dịp này, Ủy ban Dân tộc đã tặng Bằng khen cho 5 tập thể, 18 cá nhân; UBND tỉnh tặng Bằng khen cho 3 tập thể và 26 cá nhân đã có đóng góp trong sự nghiệp xây dựng Chương trình mục tiêu quốc gia ở vùng đồng bào DTTS.
LÊ VƯƠNG