Phát triển bền vững- kinh doanh bền vững với công nghệ sạch
(Cadn.com.vn) - Tăng cường năng lực cạnh tranh và kinh doanh bền vững trong tiến trình phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường - đó là chủ đề cuộc hội thảo do Trung tâm Công nghệ môi trường Việt Nam - Thụy Điển (CENTEC), Đại sứ quán Thụy Điển và UBND TP Hội An (Quảng Nam) tổ chức hôm qua, 17-9.
Công nghệ sạch đang là vấn đề cả thế giới đều quan tâm. Vậy công nghệ sạch là gì? Công nghệ sạch là giải pháp tương lai cho vấn đề biến đổi khí hậu trên toàn cầu. Công nghệ sạch sẽ giúp con người giảm bớt việc tiêu thụ các nguồn tài nguyên thiên nhiên. Công nghệ sạch có thể được áp dụng trong các lĩnh vực như năng lượng, vận tải, nông nghiệp, công nghiệp, không khí và tài nguyên nước. Các Cty công nghệ sạch thường tập trung vào vấn đề năng lượng, xử lý rác thải, xử lý nguồn nước và tái chế...
Thụy Điển là quốc gia tiên tiến hàng đầu trên thế giới về công nghệ sạch và thân thiện với môi trường. Điều đáng chú ý, một trong những người đi đầu cổ vũ cho phong trào áp dụng công nghệ sạch lại chính là nhà vua Thụy Điển Carl-Gustav. Thụy Điển là một trong 5 quốc gia phát triển công nghệ sạch hàng đầu thế giới bao gồm Thụy Điển, Đan Mạch, Đức, Anh và Israel. Hiện tại, Thụy Điển có hơn 6.000 Cty công nghệ sạch hoạt động trong nhiều lĩnh vực, nhằm đáp ứng nhu cầu và các giải pháp phát triển bền vững cho một hành tinh dự kiến có khoảng 9 tỷ người vào năm 2050. Thụy Điển tự hào về 2 dự án “thành phố phát triển bền vững”, đó là Tomorrow tại Malmo và Hammarby Waterfront tại Stockholm. 2 thành phố này, 39,9% mức tiêu thụ năng lượng là năng lượng tái tạo-biogas.
Hội An đang phấn đấu trở thành thành phố thân thiện với môi trường đầu tiên ở Việt Nam. |
Tại Việt Nam, thời gian qua, CENTEC đã giới thiệu và hỗ trợ xây dựng một số công nghệ môi trường nổi bật như: Công nghệ xử lý nước uống từ các nguồn nước khác nhau thành nước 99,99% tinh khiết của BLAB/JOSAB. Công nghệ xử lý nước không sử dụng hóa chất, loại bỏ vi khuẩn, ký sinh trùng và mầm bệnh có trong nước, giảm kim loại nặng bằng cách trao đổi ion, hấp thụ amoniac, nito, nitorat...
Công nghệ thu gom và xử lý bùn của KONSEB thông minh và hiệu quả với thiết bị ROBOT 90 có thể thu gom bùn trong bất kỳ bể chứa, hồ chứa nào. Thiết bị DAB tách nước từ bùn một cách đơn giản, ngoài ra còn có công nghệ sấy khô nông sản bằng hệ thống năng lượng mặt trời. Bể phản ứng biogas MR120 của ED BIOGAS AB là một thiết bị phản ứng biogas, nguyên liệu đầu vào là rác thải hữu cơ, chuyển hóa ra metan giúp chạy phát điện, sinh ra nhiệt, đun nước nóng... chất thải còn lại không gây hại sức khỏe. Sản phẩm giúp giảm thiểu, loại bỏ yêu cầu vận chuyển rác thải, cung cấp phế phẩm sau phản ứng như phân bón và tiết kiệm đất để chôn lấp rác thải...
Bà Camilla Mellander - Đại sứ Thụy Điển tại Việt Nam khẳng định: “Thụy Điển và Việt Nam có quan hệ hợp tác chặt chẽ, chân thành và tin cậy lẫn nhau suốt 44 năm qua. Thụy Điển đã góp phần giúp Việt Nam trong công tác xóa đói, giảm nghèo và cải thiện việc sử dụng bền vững nguồn tài nguyên thiên nhiên. Tuy nhiên, khi Việt Nam trở thành quốc gia có mức thu nhập trung bình, Chính phủ Thụy Điển thay đổi cơ chế hỗ trợ thông qua hình thức đối tác thương mại với Việt Nam...”.
Ông Tomas Hertzman - Giám đốc CENTEC cũng cho biết: “Tại Thụy Điển, nhưng vấn đề liên quan đến rác thải và ô nhiễm môi trường được giải quyết triệt để là nhờ có hành lang pháp lý vững chắc và những chính sách khích lệ DN đầu tư cải thiện môi trường. Do vậy, nhiều công nghệ tiên tiến ra đời góp phần giảm áp lực lên môi trường, tài nguyên và thiên nhiên. Với mong muốn chia sẻ những kinh nghiệm về quản lý và bảo vệ môi trường với Việt Nam, CENTEC đã mời một nhóm DN Thụy Điển tiêu biểu trong lĩnh vực xử lý nước cấp, nước thải, năng lượng tái tạo và sản xuất khí sinh học trình bày các công nghệ có liên quan tại các buổi hội thảo tổ chức tại TPHCM, Hà Nội và Hội An. Đồng thời giới thiệu một số cơ chế tài chính của Thụy Điển nhằm trợ giúp kinh phí cho thử nghiệm và bàn giao công nghệ cho đối tác Việt Nam...”.
Sau hội thảo này, nhiều DN của Thụy Điển và DN trên địa bàn TP Hội An, Quảng Nam, Đà Nẵng, Quảng Ngãi... sẽ kết nối, hợp tác nghiên cứu ứng dụng mô hình phát triển bền vững, kinh doanh bền vững với công nghệ sạch của Thụy Điển.
Hồng Thanh