Đà Nẵng hướng đến tăng trưởng xanh:

Phát triển bền vững

Thứ tư, 11/09/2013 10:08

(Cadn.com.vn) - Ngày 10-9, Viện Nghiên cứu phát triển KT-XH TP Đà Nẵng phối hợp với Tổ chức Định cư con người Liên Hợp Quốc (UN-Habitat) và Viện Tăng trưởng xanh Toàn cầu (GGGI) tổ chức Hội thảo “Chiến lược phát triển TP Đà Nẵng hướng đến tăng trưởng xanh”. Tham dự Hội thảo có ông Bùi Văn Tiếng - Trưởng Ban Tổ chức Thành ủy; TS Hồ Kỳ Minh - Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển KT-XH TP; TS Joosueb Lee - Giám đốc Cấp cao GGGI; TS Nguyễn Quang - Giám đốc UN-Habitat tại Việt Nam cùng đại diện các sở, ban, ngành, các chuyên gia trong nước và quốc tế.

Hội thảo đã nhận được nhiều ý kiến đóng góp cũng như các tham luận quan trọng của các đại biểu. Trong đó, tập trung chủ yếu vào định hướng: xây dựng khung kế hoạch chiến lược và nâng cao năng lực cho chính quyền địa phương thông qua lồng ghép tăng trưởng xanh vào chiến lược phát triển chung của TP. Xem xét các định hướng phát triển hiện tại, xác định các cơ hội và thách thức đối với sự phát triển của Đà Nẵng từ góc độ tăng trưởng xanh. Qua đó, nhằm củng cố hoạt động quản lý đô thị và cơ cấu thể chế về phát triển và quản lý hạ tầng, tài nguyên thiên nhiên và dịch vụ, hỗ trợ quá trình CNH-HĐH thành phố một cách bền vững và có lợi thế cạnh tranh, sử dụng bền vững nguồn tài nguyên thiên nhiên, kết nối chặt chẽ nông thôn - thành thị và đảm bảo công bằng xã hội.

Hội thảo cũng đã xác định cơ hội và thách thức tăng trưởng xanh để thực hiện các chiến lược đô thị hóa bền vững trên cơ sở lồng ghép các tiêu chí tăng trưởng xanh vào các chương trình, DA chính của Quy hoạch tổng thể phát triển KT-XH và Kế hoạch phát triển thành phố sinh thái. Đồng thời, thảo luận về các nội dung kết cấu hạ tầng, dịch vụ đô thị và phát triển công nghiệp bền vững (giao thông, năng lượng, công nghiệp xanh, quản lý chất thải); quản lý tài nguyên thiên nhiên (quản lý tổng hợp tài nguyên nước, bảo tồn hệ sinh thái và bảo vệ tài nguyên môi trường, phát triển nông nghiệp, liên kết đô thị - nông thôn); liên kết xã hội (phát triển công bằng, y tế và sức khỏe, phát triển cộng đồng)...

Theo TS Hồ Kỳ Minh, Đà Nẵng là trung tâm đô thị lớn nhất miền Trung, đóng vai trò chiến lược, tạo liên kết trong phát triển KT-XH của khu vực và toàn quốc. Định hướng phát triển KT-XH của Đà Nẵng đến năm 2025 là xây dựng và phát triển Đà Nẵng trở thành một trong những đô thị lớn của cả nước, là trung tâm KT-XH của miền Trung với vai trò là trung tâm dịch vụ, cảng biển, đầu mối giao thông quan trọng về vận tải và trung chuyển hàng hóa trong nước và quốc tế; trung tâm bưu chính viễn thông và tài chính - ngân hàng; một trong những trung tâm y tế, văn hóa - thể thao, giáo dục và đào tạo, khoa học công nghệ cao của miền Trung.

Vì vậy, Đà Nẵng sẽ tập trung đầu tư khai thác lợi thế về vị trí địa lý và tiếp tục phát triển với vai trò là động lực cho phát triển kinh tế khu vực miền Trung. Để đạt được mục tiêu đó, Đà Nẵng cần phải có sự phát triển về công nghiệp và dịch vụ để tạo ra động lực tăng trưởng mới. Trong bối cảnh này đòi hỏi TP phải có những nỗ lực để phát triển một cách bền vững và có tính cạnh tranh, với những giải pháp có tính chất đồng bộ, tổng thể. Vấn đề quan trọng là làm thế nào để nâng cao năng lực lãnh đạo nhằm thể chế hóa các sáng kiến chiến lược cũng như cải thiện điều kiện và cơ chế hợp tác với khu vực tư nhân.

Các chuyên gia thảo luận tại Hội thảo.

Đồng quan điểm, TS Joosueb Lee cho rằng: Gần đây, Chính phủ Việt Nam yêu cầu các TP lớn lồng ghép các sáng kiến quan trọng trong Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh vào định hướng phát triển của địa phương. Và Chiến lược tăng trưởng xanh là một phần quan trọng trong phát triển bền vững, nhằm đảm bảo tăng trưởng nhanh, hiệu quả và bền vững, đồng thời góp phần thực hiện chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu. Điều này được kỳ vọng sẽ giúp gia tăng đầu tư trong lĩnh vực bảo tồn, phát triển và sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên, cải thiện chất lượng môi trường đồng thời thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và tạo việc làm...

Theo ông Bùi Thọ Ninh - Trưởng phòng Kế hoạch và xây dựng cơ bản Cty Cấp nước Đà Nẵng, 3 lĩnh vực mà TP có thể tập trung là phát triển hạ tầng dịch vụ đô thị bền vững, phát triển tài nguyên thiên nhiên và phát triển xã hội để hướng tới tăng trưởng xanh. Muốn làm được điều này, trước tiên phải quản lý nguồn lực và vật liệu, trong đó bao gồm quản lý chất thải rắn, quản lý khả năng tiếp cận và giao thông; thứ ba là xây dựng và quản lý không gian xanh và cuối cùng là xây dựng và phát triển ngành công nghiệp xanh.

Cũng tại Hội thảo, các chuyên gia cho rằng, so với nhiều địa phương, Đà Nẵng là điểm sáng về phát triển đô thị, có nhiều lợi thế cạnh tranh, phát triển bền vững trong tương lai, nhất là về du lịch và môi trường. Tuy nhiên, trong quá trình đô thị hóa, TP cũng phải đối mặt với nhiều thách thức; có thể kể đến như sự suy giảm về nguồn tài nguyên và năng lực cạnh tranh, chuyển dịch cơ cấu kinh tế còn chậm. Bên cạnh đó còn có hàng loạt vấn đề khác, như việc làm cho người lao động, ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu, thiên tai, bão lũ ...

Xuân Đương