Phát triển cây măng cụt trở thành đặc sản của Quảng Nam
Ông Hồ Quang Bửu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho hay, qua khảo sát cho thấy nhiều địa phương trung du, miền núi ở Quảng Nam có khí hậu, thổ nhưỡng rất phù hợp để phát triển cây măng cụt- loại quả được mệnh danh là “nữ hoàng” của các loại trái cây. “Nếu người dân biết chuyển đổi mô hình từ các loại cây khác sang cây măng cụt thì hiệu quả kinh tế rất cao, không chỉ giúp người dân vùng cao thoát nghèo mà vươn lên làm giàu trong tương lai”- ông Bửu khẳng định.
Một vườn măng cụt cho hiệu quả kinh tế tao tại H. Tiên Phước. |
Chiều 4-2, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Hồ Quang Bửu cùng lãnh đạo sở ngành, đơn vị liên quan đi khảo sát một số mô hình trồng cây măng cụt trên địa bàn H. Tiên Phước. Đoàn đến tham quan mô hình trồng măng cụt của gia đình ông Ngô Minh Hòa (thôn Trà Lai, xã Tiên Mỹ, H. Tiên Phước). Với diện tích hơn 1ha, ông Hòa trồng gần 100 cây măng cụt, trong đó khoảng 40% cây hiện cho quả, năm nay sản lượng ước đạt hơn 350kg, giá bán trung bình 80 -100 nghìn đồng/kg. Đây là một trong những vườn măng cụt được đánh giá có sản lượng khá cao của xã.
Báo cáo với đoàn công tác, ông Võ Kim Chung - Chủ tịch UBND xã Tiên Mỹ cho biết, nhận thấy cây măng cụt mang lại thu nhập cao, những năm gần đây nhiều hộ nông dân đầu tư trồng loại cây này. Mỗi năm bình quân mỗi cây măng cụt tạo nguồn thu hơn 1 triệu đồng. Tổng diện tích trên địa bàn xã hơn 45ha. Địa phương đã xây dựng dự án phát triển cây măng cụt giai đoạn 2020 -2025, phấn đấu đến năm 2025 đạt diện tích 150ha, trở thành xã trọng điểm phát triển cây măng cụt của huyện…
Còn ông Nguyễn Hùng Anh - Phó Chủ tịch UBND huyện Tiên Phước thông tin, Đề án 548 của UBND tỉnh Quảng Nam về phát triển kinh tế vườn, kinh tế trang trại, du lịch sinh thái mang đặc trưng trung du xứ Quảng giai đoạn 2017-2025 đến nay đã qua 3 năm. 3 năm qua, các cơ quan, ban ngành, địa phương và nhân dân trong huyện đã triển khai có hiệu quả các cơ chế, chính sách khuyến khích hỗ trợ phát triển kinh tế vườn, kinh tế trang trại đạt kết quả khá. Tập trung chỉ đạo, tuyên truyền, vận động, hướng dẫn hỗ trợ người dân chỉnh trang vườn nhà, cải tạo mở mới vườn đồi, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, xây dựng mô hình, góp phần tăng đáng kể về diện tích cũng như sản lượng và mô hình các loại cây ăn quả và cây đặc sản chủ lực trên địa bàn huyện.
Giống cây măng cụt đang được đầu tư cung ứng cho các hộ dân ở Tiên Phước. |
Riêng đối với cây măng cụt, hiện toàn huyện trồng được 150ha. Năm 2020, sản lượng ước đạt 200 tấn, doanh thu 30 tỷ đồng. Loại cây này thích nghi tốt với khí hậu, thổ nhưỡng ở nhiều địa phương trong huyện; đặc biệt ít bị gãy đổ khi gió bão, tuổi thọ cao, có khả năng sống hơn 100 năm. “Măng cụt đang được trồng tập trung, phát triển mạnh tại các xã Tiên Mỹ, Tiên Châu, Tiên Cảnh, Tiên Sơn, TT Tiên Kỳ... Nhiều mô hình trồng cây măng cụt ở các hộ gia đình cho thu nhập cao như: hộ ông Phạm Ngọc Lương, Ngô Minh Hòa, Tăng Ngọc Chánh, Đồng Thanh Cường, Phạm Mưu, Đồng Thanh Hương… Mới đây, Hiệp hội Thương mại và công nghiệp Hàn Quốc tài trợ người dân 4 xã của huyện bị ảnh hưởng bão lụt hơn 9.250 cây giống măng cụt, bưởi da xanh, cam trị giá hơn 1,1 tỷ đồng. Sắp đến huyện sẽ tăng diện tích cây măng cụt từ 150ha tăng lên 300ha, vì đây là loại cây có giá trị kinh tế rất cao”- đại diện lãnh đạo H. Tiên Phước thông tin thêm.
Qua khảo sát, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Hồ Quang Bửu đánh giá cao các mô hình trồng măng cụt trên địa bàn H. Tiên Phước. Đồng thời đề nghị huyện tiếp tục triển khai Đề án 548 về phát triển kinh tế vườn, kinh tế trang trại; trong đó tuyên truyền, hướng dẫn người dân phát triển cây măng cụt. Từ đó tạo tiền đề mở rộng, kích thích sự hình thành các vùng trồng chuyên canh măng cụt trên địa bàn huyện. “Qua khảo sát tôi nhận thấy cây măng cụt đem lại hiệu quả kinh tế rất cao. Ngoài Tiên Phước thì nhiều địa phương khác trong tỉnh có khí hậu và thổ nhưỡng cũng rất phù hợp để trồng loại cây đặc sản này. Nếu người dân biết chuyển đổi mô hình từ các loại cây kém hiệu quả khác sang cây măng cụt thì không chỉ giúp người dân thoát nghèo mà vươn lên làm giàu trong tương lai”- ông Bửu khẳng định.
Theo đó, ông Hồ Quang Bửu yêu cầu các sở, ban ngành tiếp tục nghiên cứu, xem xét tạo điều kiện đưa H. Tiên Phước thành trung tâm vùng trồng cây ăn quả, trong đó cây măng cụt là trọng điểm của tỉnh. Nghiên cứu xây dựng các cơ chế chính sách phù hợp, hỗ trợ phát triển vùng trồng cây ăn quả, cây măng cụt trên địa bàn Tiên Phước nói riêng và các huyện trung du, miền núi của tỉnh Quảng Nam nói chung. Phấn đấu đưa cây măng cụt phát triển thành cây đặc sản của Quảng Nam.
B.B