Phát triển du lịch bền vững: Bảo vệ cua đá Cù Lao Chàm

Thứ hai, 18/07/2016 09:52

(Cadn.com.vn) - Vào mỗi buổi sáng, tại nhà ông Trần Công ở thôn Cấm, xã đảo Tân Hiệp, TP Hội An, Quảng Nam lại đông vui khi các thành viên của Tổ cộng đồng khai thác và bảo vệ cua đá mang những con cua vừa bắt được tối hôm trước đến để dán tem chống hàng giả trước khi bán ra ngoài thị trường.

Một góc Cù lao Chàm.

Tổ cộng đồng khai thác và bảo vệ cua đá trên đảo Cù lao Chàm hiện có 36 thành viên, hoạt động theo một quy ước chung có sự giám sát của các cơ quan chức năng. Mỗi tháng, các thành viên của tổ chỉ được khai thác khoảng 50 con cua đá, với kích thước một con cua từ 7 cm trở lên (chiều ngang thân). Việc khai thác cua trên đảo diễn ra từ tháng Giêng đến cuối tháng 7 âm lịch, những tháng còn lại việc khai thác bị cấm vì là mùa sinh sản của cua. Nếu các thành viên bắt cua không đạt kích thước sẽ không được dán tem tiêu thụ và phải thả cua trở lại tự nhiên. Đối với những nhà hàng tiêu thụ cua đá mà không có tem dán của tổ khai thác sẽ bị các cơ quan chức năng tịch thu cua và xử phạt tiền.

Loài cua đá có tên khoa học là Gecarcoidea Lalandii sống ở nhiều cánh rừng trên đảo Cù lao Chàm thuộc xã đảo Tân Hiệp, TP Hội An (Quảng Nam). Mặc dù được xếp vào động vật biển nhưng loài cua đá sống chủ yếu trên rừng dưới những khe đá, gốc cây ven suối, đến mùa sinh sản chúng mới xuống các bãi đá ven biển để đẻ trứng. Loài cua đá Cù lao Chàm từng đứng trước nguy cơ tuyệt chủng do sự khai thác quá mức của người dân trên đảo để phục vụ nhu cầu của khách du lịch. Từ năm 2013 đến nay, Tổ cộng đồng khai thác và bảo vệ cua đá đi vào hoạt động đã góp phần bảo vệ và khai thác bền vững giống cua quý này trên đảo.

Theo ông Trần Công, Tổ trưởng Tổ cộng đồng khai thác và bảo vệ cua đá, trước đây, cua đá có rất nhiều ở trên đảo Cù lao Chàm. Vào buổi tối, người đi bắt có thể bắt tới vài chục ki-lô-gram, tuy nhiên giá cua hồi đó rất rẻ chỉ có vài nghìn đồng một kg. Với sự phát triển của du lịch trên đảo, nhu cầu tiêu thụ cua ngày càng lớn nên giá cua đá hiện nay rất cao. Một kg cua đá khoảng 8 con có giá bán tại chỗ là 1 triệu đồng, nếu qua khâu chế biến tại các nhà hàng, giá cua lên đến 1,8 triệu đồng/ kg. Chính vì thu nhập cao từ nghề bắt cua đá nên có thời điểm, người dân trên đảo đổ xô đi bắt cua, bất kể kích thước lớn nhỏ dẫn tới sự sụt giảm nghiêm trọng của loài này ở trên đảo. Từ khi Tổ cộng đồng khai thác và bảo vệ cua đá đi vào hoạt động với những quy ước chặt chẽ cùng với chế tài xử phạt vi phạm đã góp phần vào việc bảo vệ và khai thác bền vững loài cua này.

Loài cua đá hiện sống ở 6 khu vực trên đảo Cù lao Chàm, trong đó ở khu vực hòn Lao có số lượng cua đá nhiều nhất. Cua đá thường sống ở độ cao 400m so với mực nước biển, dưới những gốc cây lớn hoặc những kẽ đá ven suối. Ý thức được việc khai thác hợp lý loài cua này sẽ vừa bảo vệ sự đa dạng sinh học, vừa bảo vệ nguồn sinh kế bền vững nên các thành viên trong tổ khai thác thực hiện rất nghiêm quy ước của tổ. Ông Ngô Tấn Tư, thành viên của Tổ cộng đồng khai thác và bảo vệ cua đá cho biết, loài cua đá thường đi ăn đêm, trong thời điểm khai thác như hiện nay, trung bình mỗi tối, các thành viên trong tổ bắt được gần 1 kg cua đá. Tính từ đầu năm đến nay, các thành viên trong tổ khai thác đã bán ra ngoài thị trường gần 3.000 con cua đá được dán tem đúng kích thước quy định.

Theo ông Lê Vĩnh Thuận, Phó Giám đốc Ban quản lý Khu bảo tồn biển Cù lao Chàm, hoạt động của Tổ cộng đồng khai thác và bảo vệ cua đá là một mô hình thành công trong việc kết hợp hài hòa giữa bảo vệ và khai thác hợp lý nguồn tài nguyên ở Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù lao Chàm. Qua khảo sát thực tế, thời gian gần đây, số lượng cua đá trong tự nhiên đã bắt đầu tăng dần về số lượng, góp phần giữ vững sự đa dạng hệ sinh thái trên đảo.

 Đo kích thước của cua đá Cù lao Chàm, chỉ con nào có kích thước đủ 7cm (chiều ngang thân) trở lên mới được khai thác và tiêu thụ.

 Đ.T