Phát triển ngành logistics Đà Nẵng: Không phải muốn là làm được ngay

Thứ bảy, 22/08/2015 07:20

(Cadn.com.vn) - Ngày 21-8, khoảng 120 đại biểu và chuyên gia logistics trong và ngoài nước đã tham gia “hiến kế” nhằm thúc đẩy ngành logistics của Đà Nẵng phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới. Tuy nhiên, để phát triển ngành logistics, Đà Nẵng phải đối mặt với nhiều thách thức không dễ giải quyết...

Yoshitaka Kurihara nói rằng để phát triển ngành logistics Đà Nẵng thì đòi hỏi hạ tầng giao thông của cả khu vực phải phát triển. 

Muốn lắm, nhưng phải... chờ

Ngành logistics (vận tải, kho bãi, thủ tục xuất nhập cảng, phân phối, lưu thông hàng hóa) chiếm 20% GDP quốc gia và đóng vai trò quan trọng trong hội nhập kinh tế quốc tế. Tuy nhiên, logistics ở Đà Nẵng lại phát triển khá khiêm tốn, mặc dù Đà Nẵng được đánh giá có hạ tầng cơ sở phát triển, gần đường biển quốc tế hơn bất cứ địa phương nào của cả nước.

* Trong lĩnh vực logistics Đà Nẵng hiện có 180 đơn vị vận tải với 1.200 xe đầu kéo, 6 hãng bay quốc tế với hơn 14 chuyến/ngày, tổng diện tích kho hơn 84 ngàn m2, tổng diện tích bãi hơn 212 ngàn m2... Đà Nẵng đặt mục tiêu tới năm 2020 là trung tâm logistics của miền Trung, trong đó các nhà giao nhận vận tải sử dụng Cảng Đà Nẵng như cảng cửa ngõ của chuỗi cung ứng dịch vụ logistics vào các nước ASEAN, Châu Á - Thái Bình Dương. 

Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu- Bộ Công Thương, ông Trần Thanh Hải nói, trước đây hàng hóa từ cảng Lào chuyển về Đà Nẵng nhưng giờ thì qua hết cảng Bangkok (Thái Lan). Vấn đề ở chỗ hạ tầng người ta quá tốt, có kho bãi lớn đủ tiêu chuẩn lưu hàng, thủ tục nhanh gọn. Điều này là thực trạng đáng buồn vì nếu xét về lợi thế vị trí thì Đà Nẵng có vị trí chiến lược không chỉ của cả nước mà cả khu vực châu Á.

Cùng quan điểm, ông Trần Huy Hiền, Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA) nói, đối thủ cạnh tranh trực tiếp của Đà Nẵng là Thái Lan. Ở bên đó, hàng hóa của Lào cập cảng thủ tục pháp lý đơn giản, chỉ cần bản photo còn mình cần hồ sơ gốc; ở đó thời gian, chi phí, tần suất tàu cập cảng lớn, họ làm rất chuyên nghiệp nên thu hút hết hàng hóa về. Ông Hiền cũng cho biết, cả nước có 1.300 DN logistics, trong đó Đà Nẵng hơn 100 DN, tuy nhiên điểm yếu của các DN chính là thiếu hợp tác, tính chuyên nghiệp chưa cao. Trong 1.300 DN thì chỉ có một vài DN có văn phòng đại diện ở nước ngoài, còn lại hầu hết thông qua đại lý, khi hàng chuyển qua biên giới, tới các đại lý, họ làm tốt xấu thế nào DN cũng không tự chủ được.

Bản thân logistics là chuỗi hoạt động đưa hàng hóa từ nhà sản xuất tới người dùng vì thế yếu tố hạ tầng giao thông, kho bãi, thủ tục đóng vai trò cơ bản. Ông Yoshitaka Kurihara, cố vấn đầu tư cao cấp của Jetro tại TPHCM nhìn nhận hạ tầng giao thông của Việt Nam còn nhiều bất cập, vì vậy muốn thúc đẩy phát triển nhanh logistics cũng khó. Ông Yoshitaka nói, hầu hết các khu vực ngoại ô xe tải lớn chạy cùng làn với xe đạp, xe máy nên thường xuyên ùn tắc, tai nạn.

Trong khi tốc độ vận chuyển trung bình bằng đường sắt từ Hà Nội vào TPHCM mất 5 ngày (xe tải 3 ngày). Về đường biển, lượng hàng qua cảng Đà Nẵng quá khiêm tốn so với Hải Phòng, Cát Lái. Kho đông lạnh và mát để giữ nhiệt độ cho các hàng hóa như thiết bị điện tử, thực phẩm tươi sống ở cảng Đà Nẵng cũng chưa đáp ứng đủ. Một lý do nữa là lượng hàng vận chuyển chủ yếu từ Nam ra Bắc còn chiều ngược lại thường chạy xe không dẫn đến chi phí vận tải lớn.

Từ thực tiễn đó, đụng đến phát triển logistics sẽ phải cải thiện từ hạ tầng giao thông, thủ tục hải quan, nguồn nhân lực... đều là các vấn đề nan giải, dù rất muốn cũng phải... chờ.

Cảng Đà Nẵng được định hướng là cửa ngõ hàng hóa của miền Trung ra ASEAN và Châu Á.

Cần có ủy ban logistics

Ông Trần Duy Hiền nói, bản thân logistics có tính hệ thống, đa phương thức vì thế phải có một nhạc trưởng trong quản lý logistics. Ông Hiền cho rằng, nhất thiết phải tiếp thu bài học của Thái Lan thành lập ủy ban logistics. Ông Nguyễn Hữu Sia, Tổng giám đốc Cảng Đà Nẵng cũng cho rằng TP nên thành lập ủy ban logistics để hỗ trợ thủ tục pháp lý cho DN, quy hoạch hạ tầng logistics, định hướng nguồn nhân lực... Ông Sia nói: Kế hoạch năm 2016 khởi công cảng Tiên Sa giai đoạn 2, nhưng xin giấy phép đánh giá tác động môi trường rất khó khăn, rào cản luật pháp vẫn rất cứng. DN nôn nóng muốn đầu tư, phát triển cảng bằng vốn tự có, nhưng cũng không thể chủ động.

Cũng theo ông Sia, hiện đường Ngô Quyền 7 phút có 1 xe container qua, tương lai 3 phút 1 xe container, nếu muốn phát triển logistics TP phải tính toán xây cầu vượt để tránh “đụng độ” với mũi nhọn phát triển khác là du lịch. Tới năm 2025 cảng Tiên Sa sẽ đầy hàng, vì thế TP phải tính toán xây cảng nước sâu Liên Chiểu đi liền với đó là khu vực hậu cần rộng 30ha. Nếu không có khu vực hậu cần, có xây cảng cũng “đói” hàng.

Ông Sia cũng phân tích, hiện nay lượng hàng về Cảng Đà Nẵng chưa bằng 5% của cả nước là do quy mô kinh tế khu vực yếu kém chứ không phải do chi phí về cảng cao hơn 2 đầu đất nước. Ngoài ra, muốn phát triển logistics thì hạ tầng giao thông phải mạnh, 2 tuyến đường cao tốc Đà Nẵng- Dung Quất, Đà Nẵng- Cam Lộ phải đẩy nhanh tiến độ. Ngoài ra, nguồn nhân lực logistics tính toán thế nào, các trường đại học có nên đào tạo từ bây giờ?

Ông Sia cho rằng nhất thiết phải có ủy ban logistics để giải quyết tất cả các vấn đề đó, thay vì TP lâu lâu mới tổ chức một hội thảo thế này, không giải quyết được gì.

Hải Hậu