Phát triển nhân cách trẻ em qua bóng đá
Trong những ngày cuối tuần tháng 9 vừa qua, hàng trăm thiếu niên vùng núi hai huyện Nam Đông và A Lưới (tỉnh TT- Huế) được hòa chung niềm vui và trải nghiệm rèn luyện kỹ năng sống trong những ngày hội bóng đá vui 2018. Với tiêu chí "Đếm nụ cười không đếm bàn thắng", ngày hội bóng đá vui trong khuôn khổ Dự án bóng đá cộng đồng tại Việt Nam (FFAV) tổ chức suốt 15 năm qua đã để lại nhiều dấu ấn trong phát triển nhân cách trẻ em.
Không khí bóng đá vui mang lại cho trẻ em vùng cao TT- Huế nhiều lợi ích về tinh thần lẫn thể chất. |
Hàng trăm học sinh tiểu học và trung học cơ sở, cả nam và nữ, được vui chơi cùng trái bóng trên hàng loạt sân bóng liền kề nhau. Những sân bóng mini đơn sơ đem lại niềm vui lan tỏa, kết nối cộng đồng. Một nhóm nam sinh và nữ sinh trường tiểu học Vừ A Dính, thị trấn A Lưới bày tỏ niềm phấn khởi sau khi thi đấu xong 2 trận bóng đá liên tục. "Ngày hội bóng đá rất vui vì chơi bóng không cần chiến thắng, miễn vui vẻ là được", em Trần Nguyễn Hà, học sinh lớp 5 cho biết. Em Nguyễn Kim Cúc, một học sinh lớp 5 khác hào hứng: "Không chỉ được đá bóng mà em còn được giao lưu gặp gỡ rất nhiều bạn đến từ các trường khác trong huyện". Vừa lau vội mồ hôi sau một trận bóng, em Hồ Quang Trung nhận xét: "Chơi bóng đá vừa giúp chúng ta mạnh khỏe vừa thắt chặt tình đoàn kết với bạn bè".
Những trò chơi vận động, những trò chơi dân gian, vẽ tranh được tổ chức song song các trận bóng đá để rèn cho các em những kỹ năng sinh hoạt tập thể, được giáo dục phòng tránh hiểm họa bom mìn, bảo vệ môi trường và phòng chống HIV-AIDS. Điều đặc biệt, ngày càng có nhiều phụ huynh tham gia các hoạt động của Dự án FFAV trong vai trò của các tình nguyện viên, huấn luyện viên, trọng tài và nhà tổ chức.
Chị Lê Thị Ngơi ở xã Hồng Bắc, H. A Lưới liên tục tiếp nước, chăm sóc và làm công tác hậu cần để các em được chơi bóng. Chị cho biết, chị được Dự án FFAV tập huấn cách thức động viên và chăm sóc cho các học sinh chơi bóng đá. Những lớp tập huấn về cách thức chuẩn bị, tổ chức đội bóng do Dự án FFAV tổ chức liên tục trong thời gian qua cũng là một hình thức chuyển giao kinh nghiệm tổ chức các giải bóng đá phong trào, nơi mỗi một phụ huynh học sinh và giáo viên đều có thể tham gia hiệu quả vào dự án. Ví dụ như anh Lê Văn Trung ở xã Hồng Bắc, được tham gia các lớp tập huấn làm huấn luyện viên nên giờ đây đã biết cách chuẩn bị, huấn luyện các đội bóng phong trào. "Tôi đã được FFAV tập huấn để trở thành một huấn luyện viên bóng đá phong trào nên bây giờ không còn bỡ ngỡ với cách thức tổ chức một giải bóng đá".
Sau 15 năm hoạt động trên địa bàn tỉnh TT- Huế, Dự án bóng đá cộng đồng tại Việt Nam sẽ kết thúc sứ mệnh hoạt động vào cuối năm 2018 để chuyển sang hình thức hoạt động "Dự án bóng đá phong trào thuộc Liên đoàn bóng đá TT- Huế". Với việc hình thành một hệ thống nền tảng bóng đá phong trào vững chắc, Dự án bóng đá cộng đồng tại Việt Nam đã tạo nên dấu ấn giáo dục nhân cách sâu sắc cho thiếu nhi.
Ông Trần Duy Nguyên- Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo H. A Lưới cho biết, ngành giáo dục huyện sẽ tiếp tục tiếp nhận nhiệm vụ của Dự án bóng đá cộng đồng tại Việt Nam, huy động các nguồn tài trợ và cả kinh phí của từng trường học để phát triển hơn nữa bóng đá học đường sau khi dự án FFAV rút lui.
Trái bóng FFAV đã lăn suốt 15 năm qua và sẽ tiếp tục lăn để học sinh vùng khó khăn được hòa mình trong những ngày hội giàu trải nghiệm, phát triển hài hòa thể chất và trí tuệ.
Trường-Xuân Hòa