Phát triển thủy điện bền vững và quản lý lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn

Thứ bảy, 28/10/2017 11:22

QUẢNG NAM - Ngày 27-10, tại TP Hội An, UBND tỉnh Quảng Nam phối hợp với Quỹ quốc tế Bảo tồn thiên nhiên tại Việt Nam, các tổ chức trong nước và quốc tế chuyên nghiên cứu về lĩnh vực thủy điện, sông ngòi tổ chức hội thảo chuyên đề: Phát triển thủy điện bền vững gắn với Quản lý tổng hợp lưu vực sông Vu Gia -Thu Bồn và vùng bờ Quảng Nam - Đà Nẵng.

Đại biểu tham dự hội thảo tập trung bàn về quản lý hệ thống thủy điện với những lợi ích kinh tế và hệ lụy về mặt môi trường, dân sinh, cơ chế vận hành thủy điện nhằm phát triển an ninh năng lượng bền vững, hạn chế lũ lụt, hoàn thiện quy trình quy hoạch, sắp xếp dân cư...; tập trung vào những vấn đề như: Kế hoạch quản lý tổng hợp lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn, vùng bờ Quảng Nam- Đà Nẵng trong giai đoạn hiện nay và những năm tiếp theo. Đồng thời, phân tích những tác động từ vùng đầu nguồn đến ven biển và mục tiêu phát triển thủy điện bền vững, những tác động tiềm ẩn lên hệ thống sông ngòi và các mối liên hệ giữa vùng nước ngọt và vùng nước mặn trong quá trình xây dựng các công trình thủy điện ở vùng đầu nguồn, các kịch bản liên quan đến vận hành hồ chứa trên lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn...

PGS-TS Nguyễn Chu Hồi, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam nhận định: Lưu vực sông Vu Gia -Thu Bồn là một trong số lưu vực sông lớn ở nước ta, có ảnh hưởng trực tiếp đến vùng bờ biển Quảng Nam, Đà Nẵng. Thời gian qua, các hoạt động phát triển kinh tế cùng với cách tiếp cận quản lý tài nguyên nước hệ thống sông Vu Gia - Thu Bồn chưa hoàn toàn phù hợp với lưu vực sông và vùng bờ Quảng Nam, Đà Nẵng. Đây chính là nhân tố làm suy giảm chức năng và sự sống của lưu vực, là yếu tố trở ngại cho phát triển kinh tế - xã hội của cả 2 địa phương trong tương lai.

PGS-TS Nguyễn Chu Hồi cho rằng, lưu vực sông Vu Gia -Thu Bồn và vùng bờ hội tụ các đặc trưng cơ bản, được các chuyên gia của Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN) và Chương trình Rừng ngập mặn cho tương lai (MFF) chọn làm trường hợp nghiên cứu điển hình ở Việt Nam và thử nghiệm cơ chế phối hợp liên tỉnh trong quản lý tổng hợp lưu vực sông và vùng bờ. Nếu những chương trình trên được thực hiện tốt thì đây sẽ là những mô hình nên nhân rộng cho các lưu vực sông ngòi khác có điều kiện tương tự ở Việt Nam.

P.V