Phát triển thủy sản - làm thế nào để vươn ra biển lớn? (2)
Bài cuối: Vừa mừng vừa lo
(Cadn.com.vn) - Thời gian qua với sự hung hăng của tàu Trung Quốc trên vùng biển Việt Nam công tác phát triển thủy sản không chỉ đơn thuần là bài toán kinh tế mà còn thể hiện chủ quyền của Việt Nam trên biển. Để hỗ trợ ngư dân, giúp họ vững tin ra khơi vừa qua Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Nghị định 67 về một số chính sách phát triển thủy sản.
Tránh lặp lại “vết xe đổ” của chính sách năm 1997, nghị định này đã có sự hoàn thiện hơn như đầu tư phát triển cơ sở hậu cần nghề cá, hỗ trợ bảo hiểm và ưu đãi thuế vì mục tiêu chung để chính sách sống được với ngư dân. Thế nhưng bên cạnh niềm vui mừng vẫn còn không ít nỗi khó khăn, lo lắng.
Hải sản đánh bắt được chở xếp lên xe đông lạnh. |
Băn khoăn tàu vỏ thép
Để mở rộng quy mô cũng như tăng cường khả năng đánh bắt xa bờ nhiều ngư dân đã mạnh dạn vay vốn đóng tàu vỏ thép từ nguồn vốn hỗ trợ. Ngư dân Đỗ Xuân Mạnh (Bình Minh, H. Thăng Bình, Quảng Nam) chia sẻ: “Trường hợp đóng tàu mới vỏ thép chủ tàu được vay vốn ngân hàng thương mại tối đa 95% tổng giá trị đầu tư đóng mới với lãi suất 7%, trong đó chủ tàu trả 1%, ngân sách Nhà nước bù 6%. Với sự ưu đãi như vậy ngư dân chúng tôi rất hồ hởi tuy nhiên điều lo lắng nhất vẫn là kinh nghiệm sử dụng tàu vỏ thép chưa có. Bao đời nay tập quán ngư dân là đánh bắt bằng tàu vỏ gỗ quen rồi nếu tàu có hư hại gì cũng dễ sửa chữa còn đối với tàu vỏ thép phải đợi vào bờ mới sửa được”.
Cũng theo anh Mạnh để vận hành tàu vỏ thép thì phải thay hẳn máy mới công suất trên 400 CV. Tuy nhiên, máy mới này sẽ tốn nhiều nhiên liệu hơn so với tàu vỏ gỗ. “Nghề này thì bấp bênh, nếu làm trúng thì phải dành cho mùa sau còn lỡ thua thì ôm nợ. Đóng tàu vỏ thép lợi thật đấy nhưng phải cân nhắc rất kỹ bởi rủi ro không biết trước được”.
Còn anh Lê Minh Trí (xã Tam Hải, H. Núi Thành) cũng là một trong những ngư dân có nhu cầu được đóng tàu vỏ thép cho hay: “Hiện nay ở Quảng Nam chưa có cơ sở đóng tàu vỏ thép. Vay vốn là một chuyện nhưng rồi chi phí vận chuyển đi lại như thế nào. Hơn nữa tàu vỏ thép rất dễ bị gỉ sét nên phải thường xuyên được tu dưỡng nhưng điều kiện xa nơi sản xuất thế này phải làm sao?”.
Nghị định 67 được chính thức ban hành vào ngày 25-8 vừa qua. Để giúp người dân nắm rõ được mục tiêu của nghị định cũng như phổ biến các chính sách ưu đãi Sở NN&PTNT Quảng Nam đã tổ chức 2 cuộc gặp đối với ngư dân xã Tam Quang (Núi Thành) và Bình Minh (Thăng Bình).
Các địa phương cũng đã đề xuất với tỉnh tổ chức đi tham quan để người dân có thể tự do chọn lựa kiểu dáng mẫu mã đồng thời sẽ có các buổi tập huấn để người dân hiểu rõ hơn về các tính năng vượt trội của tàu vỏ thép thông qua đó có thể giúp người dân được làm chủ con tàu của mình. Tuy sự băn khoăn của ngư dân cũng chưa hết.
Ngư dân chuẩn bị xăng dầu cho chuyến ra khơi. |
Hậu cần và đầu ra
Một thực tế hiện nay là công tác hậu cần ở các cảng cá còn nhiều bất cập, chưa đáp ứng được yêu cầu của người dân. Quảng Nam hiện nay có 3 cảng cá là Tam Kỳ, Cửa Đại, An Hòa thế nhưng vì nhiều lý do khác nhau, đa phần ngư dân đều chọn cập vào các cảng cá tư nhân. Đa phần những cảng cá trên đều không đáp ứng được độ an toàn và không thuận tiện cho tàu thuyền trú tránh. Vì không có khu hậu cần trung tâm nghề cá nên khi ngư dân làm việc với cảng tư nhân dễ bị ép giá.
Ông Hòa (Tam Quang, H.Núi Thành) cho biết: “Ở Việt Nam hiện nay chưa có tàu đông lạnh vì vậy mỗi chuyến đi phải mang theo hàng trăm cây đá, chưa kể lương thực xăng dầu. Điều này làm tăng chi phí đầu tư. Nhiều chủ cảng cho ngư dân nợ rồi trả bằng chính số hải sản mà chúng tôi bắt được. Chính vì lẽ đó mà chuyến đi có được hay không được ngư dân vẫn luôn là người chịu thiệt thòi”.
Để đóng tàu vỏ thép ngư dân phải vay mượn từ 2-3 tỷ đồng tuy nhiên đầu ra lại không ổn định. Ngư dân Hoàng Văn Tám (tàu cá QNa -92109) cho hay: “Với sự phát triển hiện nay về số lượng tàu và sắp tới còn có thêm tàu vỏ thép thì cảng cá hiện nay không thể đáp ứng được. Khâu hậu cần này cũng vô cùng quan trọng bởi nó quyết định 30-40% hiệu quả chuyến đi của chúng tôi”.
So với dự án đóng tàu, phát triển thủy sản 1997 thì Nghị định 67 hiện nay đã có nhiều sự cải tiến, phù hợp với nguyện vọng của ngư dân. Nhiều ngư dân cũng bày tỏ mong muốn bên cạnh thay đổi cách khai thác, nâng cấp tàu cá thì việc thu hút đầu tư, tìm kiếm thị trường tiêu thụ là vô cùng quan trọng. Bởi để phát triển ngành thủy sản cần đáp ứng được cả hai chiều.
Nước ta có đầy đủ tiềm năng phát triển thủy sản, có nguồn nhân lực dồi dào giàu kinh nghiệm. Trên hành trình vươn ra biển lớn, bảo vệ chủ quyền đất nước nhiều câu hỏi vẫn được đặt ra rằng: Làm thế nào để chính sách sống cùng với ngư dân, đáp ứng đúng nhu cầu và phù hợp với điều kiện phát triển đất nước? Để trả lời câu hỏi ấy bên cạnh sự nỗ lực, kiên cường của mỗi ngư dân thì rất cần sự chung tay, góp sức của các cấp, các ngành.
Hà Dung