Phát triển toàn diện quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam - Nhật Bản
(Cadn.com.vn) - Nhận lời mời của Nhà vua Nhật Bản Akihito và Hoàng hậu, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Phu nhân sẽ thăm cấp Nhà nước tới Nhật Bản từ ngày 16 đến 19-3 tới. Đây là chuyến thăm Nhật Bản cấp Nhà nước đầu tiên của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang.
Theo Công sứ Nhật Bản Hideo Suzuki: “Chuyến thăm là sự kiện có ý nghĩa chính trị quan trọng, góp phần tăng cường quan hệ hợp tác song phương giữa hai nước trong bối cảnh có sự thay đổi nhanh chóng về tình hình khu vực và thế giới”.
Trong những năm gần đây, quan hệ Việt Nam và Nhật Bản phát triển nhanh chóng. Nhật Bản là nước G-7 đầu tiên đón Tổng Bí thư ta đi thăm (năm 1995), nước G-7 đầu tiên thiết lập quan hệ đối tác chiến lược với Việt Nam (năm 2009), nước G-7 đầu tiên công nhận quy chế kinh tế thị trường đối với Việt Nam (năm 2011)...
Điều đó chứng tỏ về chính trị, quan hệ hợp tác, hữu nghị giữa Việt Nam và Nhật Bản không ngừng được củng cố và nâng lên tầm cao mới, tiêu biểu là việc hai nước nhất trí nâng khuôn khổ quan hệ lên “Đối tác chiến lược vì hòa bình và phồn vinh ở Châu Á” năm 2009. Lãnh đạo cấp cao hai nước duy trì thường xuyên các chuyến thăm, tiếp xúc, góp phần củng cố sự tin cậy chính trị giữa hai nước và đưa ra chỉ đạo về phương hướng lớn, cũng như các biện pháp cụ thể thúc đẩy hợp tác song phương.
Cùng với Ủy ban hợp tác Việt Nam - Nhật Bản, các cơ chế đối thoại trên các lĩnh vực hợp tác cụ thể đã được hình thành, hợp tác giữa các bộ, ngành ngày càng mở rộng, có hiệu quả thiết thực. Hai bên cũng tích cực phối hợp tại các diễn đàn, tổ chức quốc tế và khu vực như Liên hợp quốc, ASEAN, APEC, hợp tác Mê Công - Nhật Bản...
Kinh tế là lĩnh vực hợp tác đạt nhiều kết quả trong quan hệ hai nước , Nhật Bản đã trở thành đối tác quan trọng hàng đầu của Việt Nam trong lĩnh vực này. Đây cũng là nước cung cấp viện trợ phát triển chính thức (ODA) lớn nhất cho Việt Nam, hiện chiếm khoảng 30% tổng cam kết ODA của cộng đồng quốc tế. Từ năm 1992 đến hết tài khóa 2012, Nhật Bản đã cam kết khoảng 2.118 tỷ Yên (khoảng 24 tỷ USD theo tỷ giá hiện nay) vốn vay ODA đối với Việt Nam. Về thương mại, Nhật Bản là bạn hàng lớn thứ 4 của Việt Nam trong năm 2013. Kim ngạch thương mại hai chiều giữa hai nước đạt 25,163 tỷ USD, trong đó xuất khẩu của Việt Nam sang Nhật Bản đạt 13,5 tỷ USD (tăng 4% so với năm 2012).
Hiện nay, Nhật Bản là nhà đầu tư lớn nhất cả về số vốn đăng ký và đã giải ngân. Tính đến cuối tháng 12-2013, Nhật Bản có 2.166 dự án FDI còn hiệu lực tại Việt Nam với tổng vốn đầu tư đăng ký 34,764 tỷ USD, đứng đầu trong số 101 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam.
Mỗi chuyến thăm của lãnh đạo cấp cao hai nước là một dấu mốc có ý nghĩa lớn trong quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Nhật Bản. “Trong dịp này, dự kiến Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe sẽ bàn về quan hệ hợp tác rộng rãi trên các lĩnh vực kinh tế, chính trị, an ninh và văn hóa. Hai bên sẽ có các chương trình nghị sự về kinh tế. Một trong những nội dung quan trọng được đưa ra thảo luận là nông nghiệp, nếu không có một nền nông nghiệp mạnh sẽ không có một Việt Nam mạnh”. Công sứ Nhật Bản Hideo Suzuki nhận định.
Trong chuyến thăm, lãnh đạo hai nước sẽ cùng nhau thảo luận, đánh giá sự phát triển của quan hệ đối tác chiến lược giữa Việt Nam và Nhật Bản thời gian qua; thống nhất về những phương hướng lớn cũng như các biện pháp cụ thể nhằm đưa quan hệ song phương lên tầm cao mới, phát triển toàn diện, thực chất và sâu sắc hơn nữa trên mọi lĩnh vực; đóng góp cho hòa bình, ổn định, phát triển và phồn vinh của khu vực và thế giới.
TTXVN