Phát triển Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung: Không nên cạnh tranh theo kiểu “bên được bên mất”

Thứ hai, 07/05/2018 08:10

Trải qua gần 15 năm từ khi có chủ trương tổ chức liên kết Vùng Kinh tế trọng điểm (VKTTĐ) miền Trung nhưng kết quả vẫn còn nhiều rào cản do các địa phương cạnh tranh tràn lan; chưa có sự kết nối, liên kết chặt chẽ.

Ngày 5-5, lãnh đạo 5 tỉnh, thành phố thuộc VKTTĐ miền Trung: TT-Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định cùng các chuyên gia kinh tế đã thảo luận về hướng liên kết phát triển các khu kinh tế và khu công nghiệp (KKT-KCN) trong vùng.

Cảng biển Chân Mây (thuộc KKT Chân Mây - Lăng Cô, TT-Huế) sẽ được nâng cấp để liên kết phát triển kinh tế vùng. Trong ảnh: Tàu du lịch chở hàng ngàn du khách nước ngoài cập Cảng Chân Mây.

Chưa mạnh dạn thực hiện liên kết

VKTTĐ miền Trung có điều kiện thuận lợi để hình thành một hành lang kinh tế, thương mại quan trọng kết nối Bắc - Nam và là cửa ngõ ra biển của tuyến hành lang kinh tế Đông - Tây, nối Lào - Myanmar - Campuchia với đường hàng hải quốc tế qua biển Đông và Thái Bình Dương. VKTTĐ miền Trung hiện có 4 KKT ven biển, gồm  Chân Mây - Lăng Cô (TT-Huế), Chu Lai (Quảng Nam), Dung Quất (Quảng Ngãi), Nhơn Hội (Bình Định) và 19 KCN được Thủ tướng cho phép thành lập, chiếm 5,8% số KCN cả nước và khoảng 45,2% số KCN của 14 tỉnh miền Trung.

Ông Nguyễn Văn Cao - Chủ tịch UBND tỉnh TT-Huế, Chủ tịch hội đồng VKTTĐ miền Trung cho biết, đến cuối năm 2016, VKTTĐ miền Trung có 4 KKT và 19 KCN, thu hút được hơn 1.280 dự án (DA) với tổng vốn đầu tư ký kết hơn 500.000 tỷ đồng. Trong đó, đã thực hiện hơn 210.000 tỷ đồng, thu ngân sách khoảng 36.000-40.000 tỷ đồng. Các KKT-KCN có vai trò quan trọng trong việc giải quyết việc làm, chuyển dịch cơ cấu và thúc đẩy sự phát triển KT-XH của vùng. Tuy nhiên, lĩnh vực đầu tư vào các KKT-KCN còn ít có công nghệ cao; đang thu hút đầu tư theo hướng cạnh tranh tràn lan, dẫn đến triệt tiêu lợi thế lẫn nhau và làm lệch định hướng khai thác tiềm năng sẵn có. Vì vậy, theo ông Cao, đã đến lúc cần xem xét, đề xuất một mô hình liên kết mới.

Theo ông Đàm Minh Lễ - Phó trưởng BQL KKT Dung Quất và các KCN Quảng Ngãi, tình trạng các cấp chính quyền địa phương vẫn còn duy trì cơ cấu khép kín, do chưa thấy được lợi ích khi tham gia liên kết nên chưa mạnh dạn thực hiện liên kết. Sự cạnh tranh trong thu hút đầu tư giữa các địa phương cũng gây khó khăn cho quá trình liên kết. Chưa có cơ chế cụ thể về việc liên kết vùng... Trong khi đó, ông Ngô Văn Tổng - Phó trưởng BQL KKT tỉnh Bình Định rất trăn trở, khi phát triển kinh tế vùng đã được Thủ tướng Chính phủ chủ trương rất sớm, đến nay đã gần 15 năm, song kết quả đem lại vẫn chưa đạt được như kỳ vọng.

“Nằm trong không gian phát triển VKTTĐ miền Trung, cũng như các địa phương khác, vai trò các KKT, KCN tỉnh Bình Định cũng được đề cao trong việc hiện thực hóa phát triển kinh tế vùng theo quy hoạch, giải pháp phát triển đồng thời dựa trên cơ sở tiềm lực nội tại của địa phương kết hợp với tác động liên kết, lan tỏa trong vùng. Tuy nhiên, kết quả và hiệu quả của liên kết vùng chưa được đánh giá cao, thậm chí còn được bông đùa “mạnh, nhưng mạnh tỉnh nào tỉnh ấy lo”. Điều đó cho thấy, có rất nhiều khó khăn, thách thức trong quá trình triển khai thực hiện quy hoạch phát triển vùng”- ông Ngô Văn Tổng nhìn nhận.

Mỗi địa phương phải chọn một thế mạnh riêng

Ông Lê Trí Thanh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam nêu rõ, mô hình KKT đặt ra để giải quyết vướng mắc, yếu kém của các KCN mà thí điểm là KKT mở Chu Lai và đến nay có 18 khu như thế nhưng không ra hình thù cụ thể, chưa rõ ràng về quản lý quy hoạch đầu tư giữa ban quản lý và chính quyền ở đó. Vì vậy, trong thực tế có va chạm, bất cập. Vấn đề ưu đãi cho KKT cũng không có gì khác, chẳng qua là sự gò ép, gán vùng đặc biệt khó khăn nhưng thực tế đó là nơi phát triển. Vấn đề này có tác dụng nhất định là thu hút đầu tư nhưng bộc lộ bất cập giữa trong với ngoài KKT. Riêng đối với KCN, theo ông Thanh, bản chất là quy hoạch chuyên ngành theo lợi thế từng vùng nhưng giờ phát triển thoải mái, tạo điều kiện cho nhà đầu tư ở tất cả lĩnh vực. Vì vậy, sự cạnh tranh lại xảy ra giữa các chủ đầu tư KCN nên liên kết rất khó. “Năm 2014, Chính phủ đã có quyết định quy hoạch VKTTĐ miền Trung, đưa ra nhiều chỉ tiêu, mục tiêu, DA cần tập trung nhưng chúng ta không chú ý gì đến quyết định này, chẳng có ràng buộc nào để các địa phương theo quy hoạch này. Quyết định mang tính hình thức, phát triển theo quy hoạch đó chưa làm được”- ông Thanh nêu.

Theo PGS-TS Trần Đình Thiên, Thành viên Tổ tư vấn của Thủ tướng Chính phủ, các KKT-KCN nằm trong VKTTĐ miền Trung cơ bản giống nhau về địa hình và lợi thế, vì vậy mỗi địa phương nên chọn một lợi thế để tạo thành điểm chung cho vùng. Muốn phát triển vùng phải đảo ngược tư duy, mỗi địa phương phải chọn cho mình một chiến lược phát triển, phải để nhà đầu tư chọn mình chứ mình đừng chọn nhà đầu tư. Để làm được điều đó, các địa phương phải chọn cho mình một thế mạnh riêng chứ không cạnh tranh theo kiểu bên được bên mất, phải tuân thủ 2 nguyên tắc chung đó là phân bổ nguồn lực dựa trên nguyên tắc thị trường và tận dụng lợi thế để tạo ra lợi thế. Còn theo TS. Dương Đình Giám - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách công nghiệp, VKTTĐ miền Trung có tiềm năng phát triển giống nhau nhưng nếu không có sự phân công, hy sinh trong chiến lược phát triển thì sẽ cùng thu hút đầu tư giống nhau và trở nên manh mún. 

Đại diện BQL KKT Mở Chu Lai đề nghị, phải xây dựng chiến lược liên kết kinh tế vùng phù hợp với VKTTĐ miền Trung, tập trung phát huy tối đa lợi thế của VKTTĐ miền Trung; cần cho các địa phương thấy được lợi ích khi tham gia liên kết để xóa bỏ tình trạng phát triển kinh tế khép kín. Phải có cơ chế điều phối, quản trị vùng; xây dựng cơ chế, chính sách thích hợp, thúc đẩy liên kết để tạo điều kiện phát triển nhanh hơn cho các địa phương. Tập trung các nguồn lực để đầu tư, phát triển hạ tầng KT-XH, đặc biệt là kết cấu hạ tầng giao thông trong vùng...

H.LAN