Phía sau cánh cửa phòng bệnh

Thứ sáu, 13/03/2015 11:00

Bài 1: Những mảnh đời bất hạnh

(Cadn.com.vn) - Phía sau cánh cửa phòng bệnh, chúng ta dễ dàng bắt gặp những mảnh đời nghèo khó nhưng lại phải mang trong mình căn bệnh quái ác, nguy kịch. Họ không chỉ mang nỗi đau thể xác mà còn phải luôn trăn trở, lo âu về khoản viện phí cho quá trình điều trị, duy trì sự sống... 

Một ngày đầu tháng 3-2015, có mặt tại Khoa Thần kinh (Bệnh viện Đà Nẵng), tôi chứng kiến một trường hợp bi đát. Đó là trường hợp anh N.Đ.T (1989, trú Điện Bàn, Quảng Nam). Bị tai nạn giao thông những ngày cận Tết, dẫn đến tình trạng đa chấn thương ở phần đầu và hôn mê sâu nên để đảm bảo sự sống cho anh T., các bác sỹ đã phải tiến hành phẫu thuật đưa hộp sọ ra nuôi nhân tạo.

Tại đây, các bác sỹ nhận định anh T. bị chấn thương sọ não, nứt xương sọ, tụ máu nội soi, hôn mê và suy hô hấp nên tiến hành phẫu thuật lấy hộp sọ ra nuôi nhân tạo. Để có tiền kịp thời cứu chữa cho T., gia đình phải chạy ngược xuôi khắp nơi vay mượn số tiền 40 triệu đồng. Hiện tại số tiền đó đã cạn dần nhưng mỗi ngày anh phải “nộp” thêm một mũi thuốc trị giá 5 triệu đồng (cần tiêm đến 20 mũi). Chỉ tính riêng tiền một loại thuốc tiêm trong vòng 20 ngày thì cũng hết 100 triệu đồng, đó là chưa kể phí điều trị, phẫu thuật và các dịch vụ khác.Theo anh N.Đ.C (anh trai T.), bản thân T. làm công nhân với mức thu nhập chưa đến 3 triệu đồng/tháng, vợ lại chưa có việc làm nhưng phải nuôi thêm 2 con nhỏ nên gia đình vô cùng khốn khó. Ngày 9-2-2015, được Cty thưởng ít tiền Tết, T. đi mua sữa cho đứa con nhỏ thì không may gặp phải tai nạn giao thông. Nhận được tin báo T. bị nạn, gia đình vội thuê xe đưa anh ra Bệnh viện Đà Nẵng cấp cứu.

“Với T., miếng ăn còn phải lo chạy từng buổi thì số tiền đó ngoài sức tưởng tượng. Giờ đây, gia đình chúng tôi chỉ biết trông chờ vào sự tận tâm cứu chữa của các y, bác sỹ và những tấm lòng hảo tâm để T. có thể vượt qua được kiếp nạn này, trở về nhà tiếp tục lao động lo cho vợ dại con thơ...”, anh C. nói trong nước mắt.

Những mảnh đời nghèo khó lại phải mang trong mình căn bệnh quái ác, nguy kịch. 

Trường hợp của anh T.M.H (1975, trú H. Hòa Vang, TP Đà Nẵng) cũng vô cùng bi đát. Hơn 4 năm trước, trong một lần vào núi đốn keo thuê, anh H. bị cây đổ đè lên người, gãy cột sống cổ. Hậu quả, anh bị liệt tứ chi, nằm bất động một chỗ nhiều năm nay, khiến gia đình 4 miệng ăn vốn dĩ lâu nay khốn khó càng trở nên túng quẫn và khánh kiệt. Từ khi bị tai nạn, một năm anh H. nằm viện đến hơn 9 tháng.

Anh H. nằm viện nên vợ là chị N.T.H (1975) phải bỏ hết công việc nhà để lo chăm chồng. “Ở nhà có hai sào ruộng nhưng không có thời gian làm, chủ yếu là nhờ anh em, bà con làm giúp để có gạo mà ăn. Những tháng nào anh vào viện, hai đứa con ở nhà cùng với ông bà nội. Ông bà kiếm được rau gì trong vườn thì ăn cái đó”, chị H. tâm sự. Còn ở BV, hai vợ chồng chủ yếu xin cơm cháo từ thiện để ăn...

Vừa qua, anh H. bị nhiễm trùng huyết nên được đưa đến Khoa Hồi sức tích cực – chống độc (BV Đà Nẵng) đều trị hơn 1 tháng trời. Sau đó được chuyển sang Khoa Ngoại bỏng và Tạo hình để tiếp tục chuyên sâu. Theo các bác sỹ điều trị, do nằm lâu nên bệnh nhân H. bị loét ở chân, mông, đùi. Hiện bệnh nhân chủ yếu được thay băng và nâng cao thể trạng. Mỗi ngày cần phải thay 10 miếng băng (mỗi miếng giá hơn 100.000 đồng) nhưng đây là khoản không được bảo hiểm thanh toán. Gia đình bệnh nhân đã rất nghèo nay lại càng túng quẫn và khốn khó hơn gấp bội lần.

Gia đình có một người thân mang trọng bệnh đã phải rơi vào tình cảnh khốn cùng. Vậy nhưng, có những gia đình cùng một lúc, nhiều người thân phải đối mặt với “án tử”... Vợ chồng anh P. C. (1975) và chị Đ.T.H. (1979, trú Điện Bàn, Quảng Nam) sinh được hai đứa con trai là P.P.D. (2002) và P.T. (2004) thì cả hai đều bị bệnh máu khó đông. Điều nguy hiểm của bệnh này là nguy cơ chảy máu bất cứ lúc nào nên hơn 10 năm nay, hai vợ chồng anh C. dường như xem “bệnh viện là nhà” bởi quá nhiều lần đưa con đến bệnh viện để điều trị.

Nguy hiểm nhất là chảy máu ở khớp khiến mất chức năng khớp, còn xuất huyết não thì nguy cơ tử vong rất cao. Gần đây, trong một lần đi học bị té, đứa con đầu của anh chị là cháu D. bị xuất huyết não nên được chuyển ra Bệnh viện Phụ sản- Nhi Đà Nẵng cấp cứu kịp thời và đã qua cơn nguy kịch. Tuy nhiên, theo bác sĩ thì ngoài các loại thuốc điều trị thông thường, trường hợp của cháu D. phải điều trị thuốc đặc trị giá cao nhưng lại không nằm trong danh mục bảo hiểm. Nếu không có thuốc thì nguy cơ ngưng thở, ngưng tim xảy ra bất cứ lúc nào.

Trong khi đó, gia đình anh C. lại quá nghèo và phải nương nhờ ở nhà bên ngoại. Để có tiền chữa cho con, anh chị phải vay mượn khắp nơi. Khi có tiền, anh chị đưa con đến bệnh viện để điều trị, những lúc cạn kiệt họ lại đưa con về nhà chăm sóc. Vậy là, bệnh viện và nhà cứ được hai con anh thay phiên để lưu trú...

Sau cánh cửa phòng bệnh là những mảnh đời bất hạnh.

Một hoàn cảnh khác cũng bi đát không kém là gia đình anh T.V.N. (Q. Thanh Khê, TP Đà Nẵng). Cả anh và người em trai tên T.V.C. đều được phát hiện bệnh ung thư lưỡi cùng thời điểm năm 2013. Từ đó đến nay, hai anh em họ phải thường xuyên nhập Bệnh viện Ung thư Đà Nẵng để xạ trị, hóa trị. Được biết gia đình của hai anh N. và C. vô cùng khó khăn. Thường ngày, hai anh là lao động chính của gia đình, bươn chải kiếm sống bằng nghề phụ hồ nuôi gia đình, nuôi mẹ già.

Từ khi hai anh mắc trọng bệnh, gia đình phải vay mượn nhiều nơi để chạy chữa nên khó khăn lại càng chồng chất. Bệnh tình của anh C. đã được phẫu thuật cắt một phần lưỡi, cắt xương hàm dưới bên phải, nạo hạch bên phải. Tuy nhiên, sau đó anh C. lại xuất hiện u tái phát đồng thời xương hàm dưới đang bị hoại tử nên phải được tiến hành phẫu thuật cắt bỏ khối u và xạ trị... Hoàn cảnh gia đình anh C. vốn dĩ rất khốn khó.

Trên đây chỉ là số ít trong hàng trăm gia đình nghèo khó trên dải đất miền Trung khô cằn phải đối mặt với những căn bệnh hiểm nghèo. Trong khuôn khổ bài viết này, chúng tôi muốn nhận được sẻ chia, chung tay giúp đỡ của cộng đồng để những mảnh đời bất hạnh vơi bớt phần nào khó khăn, bất hạnh.

T. Dũng

Mời bạn đọc đón đọc bài cuối: “Người nhà” của bệnh nhân