Phía sau những vụ án người vị thành niên phạm tội

Chủ nhật, 28/01/2024 08:24
Những năm gần đây, tình trạng thanh thiếu niên, nhất là nhóm trẻ vị thành niên vi phạm pháp luật gia tăng tại nhiều địa phương. Riêng ở Nghệ An, cơ quan chức năng nhận định các đối tượng phạm tội ngày càng trẻ hóa. Thực trạng này không chỉ ảnh hưởng xấu đến xã hội, gia đình mà còn tác động tiêu cực đến chính tương lai các em.
3 bị cáo vị thành niên phạm tội “Giết người” đều có hoàn cảnh “mái ấm” không lành lặn.
Những bậc làm cha, làm mẹ nhận trách nhiệm về mình.

Giết người vì lý do không ngờ

Không ít vụ giết người, cướp tài sản mà đối tượng phạm tội lại là những người vị thành niên chưa đầy 18 tuổi. Đây là độ tuổi phát triển nhanh chóng về thể chất nhưng về tâm sinh lý có những bất ổn, thậm chí nổi loạn, thiếu kỹ năng kiểm soát cảm xúc. Vì vậy chỉ cần thiếu sự quan tâm, giáo dục của gia đình, nhà trường thì các em dễ thực hiện những hành vi có tính chất bột phát, thiếu sự điều khiển của lý trí vi phạm pháp luật.

Năm 2023, TAND tỉnh Nghệ An đưa ra xét xử nhiều vụ án liên quan đến đối tượng người vị thành niên phạm tội, trong đó nhiều vụ án nghiêm trọng xảy ra dù chỉ xuất phát từ mâu thuẫn rất nhỏ. Điển hình như vụ án giết người do nhóm thanh thiếu niên ở huyện Yên Thành gây ra. Theo nội dung vụ án, giữa tháng 11-2022, Nguyễn Trọng Thái (2007, trú xã Long Thành) điều khiển xe máy chở bạn về nhà. Cho rằng Thái đang chở người yêu cũ của mình, Trần Đình Th. (2008, trú xã Bảo Thành) phóng xe đuổi theo, chặn để dọa đánh nhưng Thái chạy thoát. Về đến nhà bạn, Thái điện cho Nguyễn Trọng Ngọc Thành (2006, trú xã Hồng Thành), nhờ Thành cùng nhóm bạn gồm Hoàng Anh Tiến (2007, trú cùng xã) và Võ Huy Mạnh (2004, trú xã Phú Thành) đến đón Thái về. Trước khi đi, Tiến lấy con dao bỏ vào áo khoác để “phòng thủ”. Sau khi đón Thái về thì gặp nhóm Trần Đình Th., 2 nhóm xảy ra xô xát. Hậu quả Trần Đình Th. bị Hoàng Anh Tiến đâm và tử vong trên đường đi cấp cứu. Với hành vi phạm tội của mình, Hoàng Anh Tiến đã chịu mức án 11 năm tù về tội “Giết người”. Các bị cáo Võ Huy Mạnh 24 tháng tù treo và Nguyễn Trọng Ngọc Thành 16 tháng tù treo vì tội “Gây rối trật tự công cộng”. Tại tòa, bố mẹ Tiến đã nhận một phần trách nhiệm trong việc giáo dục, dạy bảo con cái và gửi lời xin lỗi tới gia đình bị hại.

Giữa năm 2023, TAND tỉnh Nghệ An tiếp tục xét xử vụ án giết người, trong đó cả 2 bị cáo 16 tuổi, 1 bị cáo chưa đủ 16 tuổi. Theo cáo trạng, trong lúc chơi game Hoàng Duy Hưng nảy sinh mâu thuẫn với thanh niên tên P. và bị thanh niên này đấm liên tiếp vào mặt. Hưng nhắn tin cho Nguyễn Đình Bình An tới. Đinh Xuân Đạt đang ở trong quán thì chạy ra đường nhặt 2 ống tuýp kim loại để sẵn sàng nghênh chiến. Sau đó nhóm Bình An đã truy đuổi đâm P. T. đến can ngăn thì cũng bị Đạt dùng tuýp sắt đánh vào đầu, Bình An và Hưng đâm nhiều nhát vào người dẫn tới thương tích nặng. Trong vụ án này, Nguyễn Đình Bình An chịu mức án 5 năm 6 tháng tù, Đinh Xuân Đạt 4 năm tù và Hoàng Duy Hưng 3 năm 6 tháng tù cùng về tội: “Giết người”.

3 bị cáo vị thành niên phạm tội “Giết người” đều có hoàn cảnh “mái ấm” không lành lặn.

Trách nhiệm không của riêng ai

Hầu hết hoàn cảnh gia đình của những người phạm tội cơ bản đều sinh ra trong gia đình mà cuộc hôn nhân của bố mẹ không hạnh phúc. Thiếu sự quan tâm, giáo dục của những người làm cha, làm mẹ khiến cho những đứa trẻ mới lớn không được uốn nắn kịp thời dẫn đến sa ngã. Có không ít bạn trẻ đã sa đà vào ma túy, trộm cắp, thậm chí là phạm tội giết người. Điều đó đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về tình trạng người vị thành niên phạm tội.

Trở lại vụ án giết người 3 trẻ vị thành niên ở TP Vinh (Nghệ An), rõ ràng các em đã đánh mất cả tương lai mà nguyên do một phần là trách nhiệm từ phía gia đình. Trước tòa, bố, mẹ các bị cáo cũng đứng lên xin nhận trách nhiệm về những lỗi lầm của con đồng thời xin lỗi bị hại và gia đình.

Nói về hành vi của các bị cáo, luật sư Lê Tuấn Anh, bào chữa cho bị cáo Bình An và bị cáo Đạt chia sẻ, trách nhiệm lớn nhất trong những vụ án mà người vị thành niên phạm tội là thuộc về các bậc làm cha, làm mẹ. Các bị cáo vi phạm pháp luật và phải trả giá, nhưng để đến bước đường này, bố mẹ các bị cáo cũng phải có phần trách nhiệm. Có một điểm chung là cả 3 bị cáo trong vụ án này đều là những đứa trẻ lớn lên từ gia đình không lành lặn. Đó là bố mẹ sớm đổ vỡ hôn nhân, thậm chí nhiều bị cáo đã trực tiếp chứng kiến những cảnh bố mẹ bạo hành trong gia đình.

Rõ ràng, để ngăn ngừa người tuổi vị thành niên vi phạm pháp luật đòi hỏi sự quan tâm của toàn thể xã hội. Nhưng trước hết, trách nhiệm thuộc về gia đình, cha mẹ phải cần khéo léo, dành thời gian gần gũi, trò chuyện với con cái để chỉ bảo, định hướng chúng trong học hành, cuộc sống và những mối quan hệ. Nhà trường phải là nơi giáo dục đạo đức, pháp luật, kỹ năng sống, lao động, cách xử lý các tình huống khi có mâu thuẫn, xung đột... ngay từ khi các em mới đến trường để các em có ý thức chấp hành, không vi phạm. Bên cạnh đó, các tổ chức đoàn thể xã hội cần có nhiều hoạt động, sân chơi bổ ích cho thanh, thiếu niên. Có như vậy, các em vị thành niên hình thành và phát triển nhân cách, định hướng được tư tưởng, lối sống tích cực và trở thành những người có ích cho cộng đồng.

AN KHUÊ