Phiên chợ đắt đỏ nhất Việt Nam!
Được xem là phiên chợ đắt đỏ nhất Việt Nam hiện nay - Phiên chợ sâm Ngọc Linh (H. Nam Trà My, Quảng Nam) chỉ tổ chức định kỳ 3 ngày trong tháng, với khoảng 10 gian hàng nhưng thu về hàng tỷ đồng. Có thể nói, hiếm có phiên chợ nào ở Việt Nam mà mỗi khi đến mua sản phẩm, khách hàng phải đem theo hàng chục, thậm chí hàng trăm triệu đồng mới mua được sản phẩm.
Nhiều người dân trên núi Ngọc Linh mang sâm xuống bán tại phiên chợ. |
Không sợ ế
Sau khi H. Nam Trà My - thủ phủ sâm Ngọc Linh cải tạo công trình Nhà thi đấu thể dục, thể thao của huyện, tháng 10-2017, phiên chợ sâm đầu tiên của nước ta được tổ chức tại đây. Phiên chợ họp định kỳ từ ngày 1 đến ngày 3 hàng tháng và quy tụ hàng chục gian hàng của người dân, doanh nghiệp địa phương bày bán trong khuôn viên rộng gần ngàn mét vuông. Cả chợ chỉ có một cổng chính được mở để ra vào, không có cửa phụ; lực lượng Công an, quản lý thị trường... túc trực ngày đêm. Cách làm này nhằm tránh kẻ gian ra vào trộm cắp hoặc đưa sâm Ngọc Linh giả trà trộn bán cho khách hàng.
Cũng như nhiều hộ dân trồng sâm Ngọc Linh khác, từ sáng sớm ngày 1-4-2020, anh Hồ Văn Cường (45 tuổi, trú thôn 2, xã Trà Linh, H. Nam Trà My) mang 2kg sâm đến chợ bán. Đến đầu cửa chợ, anh Cường phải tuân thủ quy định đưa hàng hóa đến tổ thẩm định để kiểm tra chất lượng, nguồn gốc xuất xứ và xác định trọng lượng. Những củ sâm được kiểm tra bằng mắt thường và kinh nghiệm của những “chuyên gia” là những người trồng sâm lâu năm ở đỉnh núi Ngọc Linh. Sau 5 phút được kiểm tra, anh Cường đưa vào bàn của gian hàng trưng bày và niêm yết giá 90 triệu đồng cho mỗi ký sâm loại 20 củ. Sâm của anh Cường còn nguyên cây với các bộ phận củ, rễ, lá và thân. Thấy nhiều khách đến xem, anh Cường giới thiệu sản phẩm của mình: “Sâm này mình trồng trên đỉnh núi Ngọc Linh được 7 năm tuổi rồi. Do nhà trồng nên mình bán giá rẻ, chứ thương lái mua lại họ sẽ bán cả trăm triệu. Mọi người ai có nhu cầu mua thêm mình sẽ về nhổ mang xuống bán tiếp”, anh Cường cho hay.
Mặt hàng sâm Ngọc Linh không sợ ế, bởi cung không đủ cầu. Ngoài ra, nếu sâm không bán được thì người dân có thể đưa về rẫy trồng lại hoặc bán cho các thương lái. “Củ sâm Ngọc Linh hiện chia làm 3 loại với giá trị khác nhau, loại 1 khoảng 10 củ/ký, loại 2 khoảng 20 củ/ký và loại 3 khoảng 30 củ/ký. Theo đó tương ứng với giá tiền loại 1 khoảng 200 triệu đồng, loại 2 khoảng 150 triệu đồng và loại 3 dưới 100 triệu đồng/ký. Hiện tại, chưa có giá chuẩn nên quá trình mua bán hai bên mặc cả, khi thống nhất về số tiền thì bên bán sẽ chuyển nhượng cho bên mua”, anh Cường nói và thông tin thêm, có những phiên chợ sâm anh bán được vài ký, thu về hàng trăm triệu đồng.
Đến với phiên chợ lần này, khác với những người bán sâm trồng, ông Hồ Văn Hạnh (65 tuổi, trú thôn 3, xã Trà Linh) tìm được một củ sâm Ngọc Linh tự nhiên, có tuổi đời vài chục năm. Củ này to bằng ngón tay cái, dài khoảng 20cm. Trên củ có nguyên thân cây và lá nặng hơn 2 lạng, ông đưa ra giá 250 triệu đồng. Sau một buổi trưng bày, đến chiều cùng ngày có một vị khách nói giọng phía Bắc đến mua củ sâm tự nhiên trên. “Qua thông tin báo đài, tôi được biết ở Quảng Nam có phiên chợ sâm đặc biệt này. Giá trị của sâm này rất lớn, nếu mình bỏ ra số tiền lớn mà mua phải hàng đểu thì không thể chấp nhận được. Tại phiên chợ này, chính quyền địa phương cam kết các sản phẩm sâm Ngọc Linh bán ở đây là hàng thật nên tôi đã lặn lội vào để mua. Sau khi tham quan các gian hàng, tôi thấy đa số sâm đều được trồng, còn củ sâm tự nhiên như của bố Hạnh bây giờ rất khó kiếm, lâu lâu có người gặp may mới đào được một củ nên tôi quyết định mua về dùng”, vị khách này nói.
Một củ sâm có giá cả tỷ đồng được bày bán ở phiên chợ. |
Điểm nhấn cho thương hiệu sâm Việt Nam
Theo thống kê của UBND H. Nam Trà My, kể từ khi phiên chợ sâm Ngọc Linh đầu tiên được tổ chức tháng 10-2017, đến nay đã có 30 phiên chợ được tổ chức, mỗi phiên chợ trung bình thu về khoảng 5 tỷ đồng. Điều đáng nói, khách khi đến đây mua sâm phải trả bằng tiền mặt. Và có nhiều vị khách đem theo cả nửa tỷ đồng để mua được 1 củ sâm. Như tại phiên chợ sâm Ngọc Linh ngày 1-8-2019, bà Nguyễn Thị Huỳnh (trú xã Trà Mai, H. Nam Trà My) đã bán củ sâm hơn 7 lạng với giá 530 triệu đồng cho một khách hàng ở Hà Nội vào mua.
Theo bà Huỳnh, củ sâm do một người dân ở xã Trà Linh trước đây đào được ở rừng rồi đưa về vườn trồng trên núi Ngọc Linh. Bằng kinh nghiệm, bà Huỳnh cho rằng củ sâm trên 35 năm tuổi. Cũng tại phiên chợ lần này, bà Huỳnh bày bán hai củ sâm Ngọc Linh khác, mỗi củ nặng hơn 4 lạng còn cả cây được hai khách hàng mua với giá hơn 200 triệu đồng mỗi củ. “Có những phi vụ giao dịch mua bán sâm số tiền lên đến cả tỷ đồng. Do vậy, người bán yêu cầu người mua phải đưa tiền mệnh giá lớn nhất- tờ 500 ngàn đồng. Nếu số tiền nhỏ sẽ quá nhiều, gùi về nóc không nổi, vì các hộ dân có sâm đều ở trên núi cao, đường sá đi lại khó khăn...”- bà Nguyễn Thị Huỳnh chia sẻ.
“Tháng 9-2015, Chính phủ phê duyệt đề án quốc gia về phát triển sâm Ngọc Linh đến năm 2030 với kinh phí đầu tư trên 9.000 tỷ đồng. Đến tháng 6-2017, sâm Ngọc Linh trở thành sản phẩm quốc gia (sâm Việt Nam). Nhằm tạo điểm nhấn cho sản phẩm đặc biệt này, huyện quyết định tổ chức phiên chợ định kỳ hàng tháng để quảng bá sản phẩm đến người dân, doanh nghiệp trong và ngoài nước. Thông qua các phiên chợ đã kết nối được những hộ trồng sâm với các doanh nghiệp và người tiêu dùng, qua đó sản phẩm sâm Ngọc Linh được nhiều người biết đến”, ông Hồ Quang Bửu- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam chia sẻ.
TRẦN TÂN