Phiên họp thứ 23 Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIV: Cần thiết sửa đổi Luật Đặc xá

Thứ năm, 12/04/2018 07:58

Tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 23, ngày 11-4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) và dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đặc xá.

Trung tướng Nguyễn Văn Sơn, Thứ trưởng Bộ Công an trình bày Tờ trình của Chính phủ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đặc xá.

Làm rõ các điều kiện được xét đặc xá

Chiều 11-4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đặc xá. Theo Tờ trình của Chính phủ do Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Văn Sơn trình bày, trong 10 năm thi hành Luật Đặc xá, Chủ tịch nước đã 7 lần ban hành quyết định về đặc xá nhân các ngày lễ lớn, sự kiện trọng đại của đất nước; qua đó, đã đặc xá cho 85.897 phạm nhân, 1.123 người đang được hoãn, tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù và đặc xá thuộc trường hợp đặc biệt cho 13 phạm nhân, 1 người đang được tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù để phục vụ yêu cầu đối ngoại của Đảng, Nhà nước.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Văn Sơn, bên cạnh những kết quả tích cực đã đạt được, trong quá trình tổ chức thực hiện, Luật Đặc xá đã bộc lộ một số tồn tại, bất cập. Vì vậy, để bảo đảm phù hợp với Hiến pháp năm 2013, với quy định của các đạo luật liên quan đến tư pháp hình sự mới được Quốc hội thông qua; giải quyết những vướng mắc, khó khăn trong công tác xét đặc xá, việc sửa đổi, bổ sung Luật Đặc xá năm 2007 là cần thiết. Dự thảo Luật tập trung sửa đổi vào 3 nội dung: Quy định phù hợp hơn về thời điểm, trình tự, thủ tục, điều kiện được đặc xá; bổ sung Cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện, Nhà tạm giữ Công an cấp huyện là cơ quan có trách nhiệm thực hiện công tác đặc xá và bổ sung trách nhiệm của Tổ thẩm định liên ngành, Bộ Tư pháp, Bộ Ngoại giao trong thực hiện công tác đặc xá.

Kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nhấn mạnh, việc sửa đổi Luật Đặc xá là cần thiết, tuy nhiên cơ quan soạn thảo cần tổng kết thực tiễn và đánh giá chính sách đối với những điểm sửa đổi, bổ sung; giải trình, thuyết minh rõ nhất là những vấn đề liên quan đến điều kiện để xét đặc xá, không được hưởng đặc xá... Sau phiên họp này, ban soạn thảo và các cơ quan liên quan cần phối hợp để hoàn chỉnh dự án luật trước khi trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 5 và thông qua tại Kỳ họp thứ 6 theo quy trình 2 kỳ họp.

Cần có cơ chế quản lý, kiểm soát thu nhập

Trước đó, vào buổi sáng, Ủy Ban Thường vụ Quốc hội thảo luận về việc tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi). Nội dung được nhiều đại biểu quan tâm, cho ý kiến là việc xử lý tài sản, thu nhập kê khai không trung thực; tài sản, thu nhập tăng thêm không giải trình được một cách hợp lý về việc hình thành tài sản, thu nhập. Theo đó, Dự thảo Luật đã bổ sung Điều 59 quy định về xử lý tài sản, thu nhập thực tế lớn hơn tài sản, thu nhập đã kê khai hoặc tài sản, thu nhập tăng thêm mà người kê khai không giải trình được một cách hợp lý về phần tài sản, thu nhập chênh lệch hoặc tăng thêm, theo hai phương án. Phương án 1: Cơ quan, đơn vị kiểm soát tài sản, thu nhập yêu cầu cơ quan thuế thực hiện việc thu thuế thu nhập cá nhân. Đồng thời, dự thảo Luật sửa đổi Luật Thuế thu nhập cá nhân quy định mức thuế suất 45% đối với thu nhập chịu thuế do vi phạm quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng. Phương án 2: Cơ quan, đơn vị kiểm soát tài sản, thu nhập yêu cầu cơ quan có thẩm quyền ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt tiền bằng 45% giá trị của phần tài sản, thu nhập chênh lệch hoặc tăng thêm.

Chính phủ lựa chọn phương án 1. Giải trình về lý do, Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái cho biết, phương án này phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh cụ thể ở nước ta hiện nay, thể hiện thái độ của Nhà nước trong việc xử lý các khoản thu nhập, tài sản có nguồn gốc không rõ ràng khi cả người có nghĩa vụ kê khai và cơ quan Nhà nước có thẩm quyền đều không có đủ bằng chứng xác thực về căn cứ xác lập quyền sở hữu hợp pháp theo quy định của pháp luật.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga, đại diện cơ quan thẩm tra, nêu rõ: Đối với tài sản, thu nhập không giải trình được một cách hợp lý về nguồn gốc, đến nay, pháp luật vẫn chưa có quy định xử lý, trong khi không loại trừ một số tài sản này có thể có nguồn gốc từ tham nhũng, từ vi phạm pháp luật nhưng Nhà nước chưa chứng minh được. Do đó, việc dự thảo Luật bổ sung quy định xử lý đối với loại tài sản, thu nhập này là cần thiết để nâng cao hiệu quả công tác phòng chống tham nhũng, phù hợp với xu thế chung của quốc tế. Tuy nhiên, đây là vấn đề lớn, có liên quan đến quyền sở hữu tài sản là quyền cơ bản của công dân được Hiến định, việc xử lý theo phương án nào cần được cân nhắc kỹ, thận trọng để vừa bảo đảm quyền cơ bản của công dân, vừa đáp ứng yêu cầu phòng chống tham nhũng.

Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ cho rằng, về mặt pháp lý, không thể mặc nhiên coi tài sản không giải trình được hợp lý về nguồn gốc là tài sản tham nhũng để tịch thu bằng biện pháp hình sự theo hướng “suy đoán có tội”. Mặt khác, nếu coi đó là tài sản của Nhà nước để tiến hành xác lập quyền sở hữu Nhà nước theo thủ tục tố tụng dân sự về giải quyết tranh chấp quyền sở hữu vừa không phù hợp với quy định của Bộ luật Dân sự, vừa khó khăn trong việc thực hiện nghĩa vụ chứng minh của người thay mặt Nhà nước đứng ra khởi kiện. "Đặc biệt, đây là lần đầu tiên chúng ta đặt vấn đề xử lý tài sản đó nên cần tiến hành thận trọng, có bước đi phù hợp", Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ nhấn mạnh và đề nghị cần có cơ chế quản lý, kiểm soát thu nhập, có tiêu chí làm căn cứ xác định thu nhập hợp pháp, từ đó loại trừ tài sản có thể có từ tham nhũng mà ra.

THU THỦY – TTXVN

 

 

Việc xác định tính hợp lý của nguồn gốc tài sản là vấn đề rất phức tạp

Thảo luận về dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga nhấn mạnh, đặc điểm xã hội nước ta là người dân có truyền thống tích lũy, tiết kiệm, tặng cho, thừa kế trong gia đình; tài sản của cán bộ, công chức được hình thành từ nhiều nguồn khác nhau (ngoài thu nhập từ lương, nhiều người còn làm thêm để tăng thu nhập dưới nhiều hình thức). Trong khi Nhà nước chưa kiểm soát được thu nhập của toàn xã hội, pháp luật hiện hành chưa quy định buộc người dân phải chứng minh nguồn gốc hình thành số tiền để mua tài sản, nhất là những tài sản có giá trị lớn; chưa quy định đánh thuế đối với tài sản..., việc xác định tính hợp lý của nguồn gốc tài sản nói chung là vấn đề rất phức tạp.