Phiên họp thứ 23 Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIV: Phát triển ngành chăn nuôi phù hợp với phát triển kinh tế - xã hội

Thứ bảy, 14/04/2018 09:27

Ngày 13-4, tiếp tục Phiên họp thứ 23, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến lần đầu về dự án Luật Chăn nuôi. Với 8 Chương, 65 điều, dự án Luật hướng tới việc thiết lập khung pháp lý điều chỉnh các quan hệ xã hội, kinh tế, môi trường, an toàn vệ sinh thực phẩm, phát triển ngành chăn nuôi phù hợp với phát triển kinh tế - xã hội; thúc đẩy phát triển sản xuất ngành chăn nuôi, tạo ra nhiều việc làm, tăng thu nhập cho người dân, tạo giá trị kim ngạch xuất khẩu, ứng phó với biến đổi khí hậu.

Là dự án Luật lần đầu được trình ra Quốc hội, tại phiên thảo luận, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội tập trung chủ yếu làm rõ những vấn đề lớn liên quan đến dự án Luật về sự cần thiết ban hành; phạm vi và đối tượng điều chỉnh; tính thống nhất của luật với hệ thống pháp luật nói chung; tính khả khi và tác động của luật đến phát triển kinh tế...

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, dự thảo Luật cần quy định rõ hơn về giống vật nuôi thuần chủng của Việt Nam, giống vật nuôi nhập khẩu và giống vật nuôi lai tạo để giữ gìn nguồn gen quý hiếm của các giống vật nuôi truyền thống của đất nước, vừa tiếp cận được nguồn gen giống của nước ngoài để chủ động nguồn giống vật nuôi cho chăn nuôi. Tán thành với việc dự thảo Luật xác định 3 danh mục vật nuôi, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Ban soạn thảo cần nghiên cứu quy định về quy chế pháp lý của từng vật nuôi, đặc biệt đối với danh mục giống vật nuôi quý hiếm cần phải bảo tồn và chỉ rõ ngoài 3 danh mục này, những giống vật nuôi không nằm trong danh mục thì có được tự do sản xuất kinh doanh hay không.

Chiều cùng ngày, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Trồng trọt. Dự thảo Luật gồm 7 Chương và 82 Điều nhằm thiết lập khung pháp lý điều chỉnh các quan hệ xã hội trong lĩnh vực trồng trọt, đảm bảo tính minh bạch, hiệu quả, khả thi để phát triển trồng trọt theo định hướng thị trường; có cơ cấu quản lý, sản xuất, kinh doanh hợp lý; tạo lập được nền sản xuất hàng hoá quy mô lớn, chất lượng và từng bước hiện đại hóa, đảm bảo an ninh lương thực, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống nông dân, thích ứng với biến đổi khí hậu, hội nhập kinh tế quốc tế.

QUỲNH HOA