Phiên họp thứ 30, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIII: Cơ bản tán thành mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội

Thứ năm, 14/08/2014 06:43

(Cadn.com.vn) - Tiếp tục chương trình làm việc, sáng 13-8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) thảo luận, cho ý kiến về một số vấn đề lớn còn có ý kiến khác nhau về dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi).

Đa số ý kiến của UBTVQH đồng tình với việc mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội (Điều 2) đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động mùa vụ hoặc một công việc nhất định có thời hạn từ 1 tháng đến dưới 3 tháng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc (Điểm b khoản 1 Điều 2).

Theo các đại biểu, việc đưa nhóm lao động trên tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc là cần thiết nhằm tiếp tục mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội, bảo đảm an sinh xã hội cho người lao động khi không còn khả năng lao động. Đây là nhóm lao động có quan hệ lao động nhưng trên thực tế thường bị người sử dụng lao động vận dụng hình thức ký hợp đồng lao động dưới 3 tháng để tránh thực hiện nghĩa vụ bảo hiểm xã hội.

Về bổ sung người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường và thị trấn (gọi chung là cấp xã) tham gia bảo hiểm xã hội, Ủy ban về các vấn đề xã hội là cơ quan thẩm tra dự án Luật nêu quan điểm: Đối tượng này cần áp dụng bảo hiểm xã hội bắt buộc trong phạm vi chế độ hưu trí và tử tuất có sự hỗ trợ của Nhà nước; khuyến khích các địa phương, căn cứ vào khả năng ngân sách để hỗ trợ việc thực hiện bảo hiểm xã hội bắt buộc đầy đủ 5 chế độ (hưu trí, tử tuất, ốm đau, thai sản, tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp).

Theo Ủy ban, từ thực tiễn hoạt động giám sát và tiếp xúc cử tri cho thấy, nhiều người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã có quá trình làm việc tương đối lâu dài tại cơ sở có nguyện vọng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc. Cùng với chính sách liên thông giữa bảo hiểm xã hội bắt buộc và bảo hiểm xã hội tự nguyện sẽ đảm bảo việc tham gia liên tục để đủ điều kiện hưởng lương hưu (trừ những người đang hưởng chế độ bảo hiểm hưu trí hoặc trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng). Ủy ban cho biết nếu thực hiện bảo hiểm xã hội bắt buộc với 2 chế độ hưu trí và tử tuất cho nhóm này thì Nhà nước sẽ hỗ trợ đóng 14% mức tiền lương cơ sở và người lao động sẽ đóng 8% còn lại.

Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý và nhiều ý kiến khác trong UBTVQH lại không đồng quan điểm với cơ quan thẩm tra về vấn đề trên. Các ý kiến đề nghị quy định đối tượng này thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện được Nhà nước ưu tiên hỗ trợ. Lý giải về đề nghị này, nhiều ý kiến cho rằng đối tượng này không thuộc diện hưởng tiền lương mà chỉ hưởng chế độ phụ cấp, thời gian làm việc không trọn ngày và sẽ gặp khó khăn khi giải quyết các chế độ ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp (các chế độ của bảo hiểm xã hội bắt buộc).

Thảo luận về điều chỉnh mức hưởng lương hưu hàng tháng (Điều 57), nhiều ý kiến tán thành với phương án 1: Điều chỉnh tỷ lệ hưởng lương hưu hàng tháng theo lộ trình, từ năm 2018, mức lương hưu hàng tháng của người lao động được tính bằng 45% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội tương ứng với 15 năm đóng bảo hiểm xã hội của lao động nữ và 20 năm đóng bảo hiểm xã hội của lao động nam. Sau đó cứ thêm mỗi năm, người lao động được tính thêm 2%, mức tối đa bằng 75%.

Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội Trương Thị Mai nêu rõ trong điều kiện tuổi nghỉ hưu được thực hiện theo quy định của Bộ luật Lao động, cần giảm thiểu tác động bất lợi đối với người lao động nghỉ hưu, đặc biệt là lao động nữ. Việc thực hiện quy định này phải đồng bộ với lộ trình thu bảo hiểm xã hội trên cơ sở mức tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội theo quy định tại Điều 90 của Bộ luật Lao động để đảm bảo tiền lương hưu người lao động thực nhận không bị sụt giảm nhiều so với trước đó. Bên cạnh đó, do tuổi nghỉ hưu của nam, nữ chênh lệch 5 năm nên cần phải cân nhắc bảo đảm bình đẳng giới trong khi điều chỉnh chính sách này.

Thời gian còn lại của phiên làm việc buổi sáng, UBTVQH cho ý kiến về Nghị quyết về tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình thế giới. Chiều 13-8, UBTVQH cho ý kiến về dự án Luật Thú y.

Thu Thủy – TTXVN