Phiên họp thứ 6, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIV: Chưa đồng ý thành lập Quỹ bồi thường độc lập

Thứ ba, 10/01/2017 06:51

(Cadn.com.vn) - Sáng 9-1, tại Nhà Quốc hội, đã khai mạc Phiên họp thứ 6 Ủy ban thường vụ Quốc hội khóa XIV. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, Phiên họp thứ 6 là phiên họp đầu năm 2017 của Ủy ban thường vụ Quốc hội, được tiến hành trong ba ngày (từ 9 đến 11-1).

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu tại Phiên họp.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, Phiên họp sẽ xem xét các nội dung sau:

Thứ nhất, Ủy ban thường vụ Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 2 nghị quyết là Nghị quyết ban hành quy chế quy định về trình tự, thủ tục tiến hành một số nội dung liên quan đến hoạt động giám sát của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội và Nghị quyết ban hành quy chế phối hợp giữa Chánh án Tòa án nhân dân tối cao và Bộ trưởng Bộ Quốc phòng trong việc quản lý các tòa án quân sự về tổ chức.

Thứ hai, cho ý kiến về các vấn đề lớn còn có ý kiến khác nhau của 8 dự án luật, gồm: Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (sửa đổi); Luật trợ giúp pháp lý (sửa đổi); Luật quản lý ngoại thương; Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa; Luật quy hoạch; Luật quản lý, sử dụng tài sản nhà nước (sửa đổi); Luật quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ; Luật cảnh vệ.

Thứ ba, Ủy ban thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến về danh mục dự án và mức bố trí cụ thể vốn cho từng dự án trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 và dự thảo nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội về việc xử lý kỷ luật đối với các cán bộ, công chức đã nghỉ hưu.

Chưa nên quy định tổ chức xúc tiến thương mại tại nước ngoài

Chiều 9-1, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về một số vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Quản lý ngoại thương và Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Về dự án Luật Quản lý ngoại thương, một trong những nội dung được Ủy ban Thường vụ Quốc hội quan tâm, cho ý kiến là phát triển ngoại thương thông qua xúc tiến thương mại (Điều 108) và thông qua hoạt động của các tổ chức xúc tiến thương mại tại nước ngoài (Điều 109). Theo đó, đối với vấn đề này các đại biểu Quốc hội có 2 loại ý kiến; loại ý kiến thứ nhất cho rằng không quy định tổ chức xúc tiến thương mại tại nước ngoài trong dự thảo Luật; loại ý kiến thứ hai thấy rằng cần thiết quy định về tổ chức xúc tiến thương mại tại nước ngoài như trong dự thảo Luật. Quan điểm của cơ quan thẩm tra, Thường trực Ủy ban Kinh tế ủng hộ việc quy định tổ chức xúc tiến thương mại tại nước ngoài trong dự thảo Luật, bởi hiện nay chưa có quy định cụ thể về việc thành lập và hoạt động của các tổ chức này; đồng thời đáp ứng được yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế. Thực tiễn cũng cho thấy tổ chức xúc tiến thương mại của Việt Nam tại nước ngoài bước đầu đóng góp cho sự phát triển hoạt động ngoại thương.

Qua thảo luận, đa số các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng ở thời điểm hiện tại chưa nên quy định tổ chức xúc tiến thương mại tại nước ngoài. Theo Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng, nên tiếp tục phát huy các hoạt động xúc tiến thương mại như hiện tại, đồng thời cần có tổng kết đầy đủ để đưa ra các đánh giá cụ thể. Cùng quan điểm này, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định cho rằng, đây là luật quản lý nhà nước, nếu đưa nội dung này vào rất phức tạp.

Về dự án Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, nhiều ý kiến trong Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, việc ban hành Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa là cần thiết nhưng phải đảm bảo tính khả thi. Theo Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Nguyễn Hạnh Phúc, mặc dù dự thảo Luật đưa ra rất nhiều hình thức hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp nhưng không rõ có khả thi hay không. Đánh giá tính thống nhất với hệ thống luật pháp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân băn khoăn khi dự thảo Luật quy định Chính phủ sử dụng ngân sách nhà nước để cho doanh nghiệp vay, quy định này không đúng với Luật ngân sách nhà nước hay những quy định về thuế đối với doanh nghiệp trong dự thảo Luật sẽ phá vỡ hệ thống chính sách, pháp luật về thuế.

Tổng kết nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đề nghị, Ban soạn thảo và cơ quan thẩm tra cần tiếp tục rà soát lại nhằm bảo đảm tính khả thi, tính cụ thể của dự án Luật. Luật hỗ trợ phải quy định có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào doanh nghiệp có xu hướng phát triển mạnh, phù hợp với xu hướng đổi mới mô hình tăng trưởng; bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật, nhất là pháp luật về ngân sách, thuế và đất đai.

Phải lượng hóa thiệt hại để có căn cứ tính mức bồi thường

Sáng 9-1, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đã điều hành nội dung thảo luận về dự thảo Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (sửa đổi). Luật này quy định trách nhiệm bồi thường của Nhà nước đối với cá nhân, tổ chức bị thiệt hại do người thi hành công vụ gây ra trong hoạt động quản lý hành chính, tố tụng và thi hành án. Các đại biểu tập trung thảo luận vào 5 vấn đề lớn còn có ý kiến khác nhau: Về phạm vi điều chỉnh và phạm vi trách nhiệm bồi thường của Nhà nước; Về mô hình cơ quan giải quyết bồi thường và xác định cơ quan giải quyết bồi thường; Về nguyên tắc bồi thường và giải quyết bồi thường nhà nước; Về các chi phí khác được bồi thường; Về kinh phí bồi thường và lập dự toán kinh phí bồi thường.

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đồng ý với việc phải lượng hóa thiệt hại để có căn cứ tính mức bồi thường. Với khoản bồi thường về tinh thần thì phải phân ra làm hai loại, loại án nặng làm tinh thần hoảng loạn và loại án ở mức nhẹ. Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho rằng, phải có lượng hóa để từ đó nhân với số ngày bị oan, nếu không sẽ rất khó cho việc thương lượng.

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho biết, đa số các ý kiến tán thành, trách nhiệm bồi thường của Nhà nước trong ba lĩnh vực, gồm: quản lý hành chính, tố tụng và thi hành án.Về mô hình cơ quan giải quyết bồi thường và xác định cơ quan giải quyết bồi thường, Phó Chủ tịch Quốc hội cho rằng, đa số các ý kiến thống nhất cơ quan nào gây ra oan sai thì cơ quan đó chịu trách nhiệm bồi thường và xin lỗi. Các cơ quan tiến hành tố tụng và có sự liên đới thì phải xác định từng khâu một nhưng trên nguyên tắc cơ quan nào ra quyết định oan sai sau cùng thì cơ quan đó phải chịu trách nhiệm xin lỗi và bồi thường cho dân. Còn vấn đề liên đới giữa các cơ quan với nhau thì phải làm trong và sau để xác định rõ trách nhiệm. Riêng đối với Tòa án thì trên tinh thần tòa án nào sau cùng mà gây ra oan, sai thì sau khi cơ quan cấp trên hủy quyết định đó thì tòa án đó phải chịu trách nhiệm bồi hoàn.

Về trình tự giải quyết bồi hoàn, đa số các ý kiến tán thành tôn trọng sự lựa chọn của người bị thiệt hại.

Về ý kiến đề nghị thành lập Quỹ bồi thường độc lập, đa số các ý kiến đề nghị không nên thành lập quỹ bởi tất cả các nguồn thu từ ngân sách nhà nước. Cơ quan nhà nước làm sai thì phải lấy ngân sách nhà nước bồi thường. Vì vậy nếu thành lập Quỹ bồi thường độc lập thì các nguồn thu này vẫn phải nộp vào ngân sách nhà nước, sau đó ngân sách nhà nước phân bổ cho Quỹ. Trong điều kiện ngân sách nhà nước còn khó khăn, việc bố trí một khoản tiền để thành lập Quỹ bồi thường nhà nước cần được hết sức cân nhắc. Mặt khác, nếu thành lập Quỹ sẽ phát sinh tổ chức bộ máy biên chế, không phù hợp với chủ trương tinh giản biên chế.

Thu Thủy – TTXVN