Phiên họp thứ ba Hội đồng Tiền lương Quốc gia: Đề xuất mức tăng lương tối thiểu năm 2016 là 12,4%

Thứ sáu, 04/09/2015 07:39

(Cadn.com.vn) - Ngày 3-9, phiên họp thứ ba của Hội đồng Tiền lương (HĐTL) Quốc gia đã kết thúc. Các thành viên Hội đồng đã tiến hành bỏ phiếu, lựa chọn mức tăng lương tối thiểu vùng năm 2016 là 12,4%. Cụ thể, vùng 1 tăng 400 nghìn đồng; vùng 2 tăng 350 nghìn đồng; vùng 3 tăng 300 nghìn đồng và vùng 4 tăng 250 nghìn đồng.

Theo ông Phạm Minh Huân, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB & XH, Chủ tịch HĐTL Quốc gia, tại cuộc họp này, các thành viên Hội đồng tiếp tục thương lượng, phân tích tác động của chính sách lương đối với việc thực hiện các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô, kinh tế xã hội và công tác chỉ đạo điều hành chung của Chính phủ; thực trạng khó khăn của người lao động (NLĐ), của doanh nghiệp (DN) trong quá trình hội nhập. Các thành viên của Hội đồng đều nhất trí cần tiếp tục tăng lương tối thiểu để đáp ứng nhu cầu cho NLĐ nhưng mặt khác cũng chú ý đến các điều kiện của DN. Hội đồng đã lựa chọn phương án bỏ phiếu với 14/15 thành viên. Kết quả cuối cùng, với tỷ lệ chiếm 92,4% số phiếu, Hội đồng đã đồng thuận với mức tăng lương tối thiểu năm 2016 là 12,4%. Đây là mức đồng thuận cao nhất trong 3 năm qua.

Tăng lương tối thiểu- doanh nghiệp lo âu nhưng công nhân phấn khởi.
Trong ảnh: Công nhân khu công nghiệp Hòa Khánh (Đà Nẵng) trong phiên chợ chiều.

Ông Phạm Minh Huân nêu rõ: Năm 2016, ngoài việc tăng lương tối thiểu, các DN phải thực hiện đóng bảo hiểm xã hội theo Luật Bảo hiểm xã hội (có hiệu lực từ ngày 1-1-2016). HĐTL Quốc gia đã đề nghị Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tập hợp ý kiến của các DN, xem xét tác động của việc tăng lương tối thiểu vùng, báo cáo các cơ quan có liên quan để có sự điều chỉnh cho phù hợp.

Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động (TLĐLĐ) Việt Nam Mai Đức Chính nhận định: Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ ngày 31-8 cho thấy các chỉ số đều có sự tăng trưởng tốt. TLĐLĐ Việt Nam sau khi có thương lượng đã đưa ra mức tăng lương tối thiểu bằng với năm 2015 là 14,3%, với mức từ 350 đến 400 nghìn đồng. Kết quả Hội đồng bỏ phiếu cho thấy chênh lệch ở mỗi vùng là 50 nghìn đồng cũng bằng với mức tuyệt đối của năm 2015. Với mức tăng như vậy, NLĐ có thể chia sẻ với DN. Hiện nay, các DN đã trả lương cho NLĐ cao gấp 1,5 lần so với mức lương tối thiểu, ví dụ như ở Bình Dương, TPHCM, Hà Nội... trả lương cho người lao động từ 5,5 đến 6 triệu đồng/tháng. Với mức lương đưa ra của vùng 1 hiện nay là 3,5 triệu đồng, về cơ bản các DN không chịu nhiều tác động. Chủ yếu là với mức tăng này, DN sẽ phải điều chỉnh mức đóng bảo hiểm xã hội, ví dụ trước đây chỉ đóng khoảng 3,1 triệu đồng, nay sẽ phải đóng 3,5-3,6 triệu đồng, sẽ tăng phần chi phí.

Ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch VCCI thể hiện sự chưa thỏa mãn với việc đề xuất tăng mức lương tối thiểu năm 2016 mặc dù HĐTL Quốc gia đã thông qua phương án cuối cùng. Ông Phòng nói: Mức tăng trên, dưới 10% đã là quá sức chi trả của DN, bởi qua khảo sát thực tế trong cộng đồng DN trong và ngoài nước (16 hiệp hội DN, trong đó có 14 hiệp hội DN nước ngoài) đa phần kiến nghị mức đề xuất tăng lương tối thiểu 5-6%, 6-7%, 9-10%. Trên căn cứ đó và qua khảo sát thực tiễn, VCCI có đề xuất mức 10,7%. Tuy nhiên, hoạt động của HĐTL  Quốc gia là dựa trên cơ chế đồng thuận để kiến nghị lên Chính phủ để có quyết sách kịp thời, vì vậy, dù chưa thỏa mãn nhưng VCCI chấp nhận kết quả này...

P.H

THỨ TRƯỞNG BỘ LĐ-TB & XH PHẠM MINH HUÂN:

Mức tăng sẽ đáp ứng 80% mức sống tối thiểu

Sau Phiên họp thứ ba của Hội đồng Tiền lương Quốc gia (HĐTLQG), ông Phạm Minh Huân, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH, Chủ tịch HĐTLQG đã có cuộc trao đổi với các phóng viên về một số nội dung liên quan đến căn cứ tính lương tối thiểu; các giải pháp để thực hiện lộ trình tăng lương tối thiểu cho người lao động (NLĐ).

Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Phạm Minh Huân.

P.V: Ông có thể đánh giá sơ bộ về tình hình phiên họp lần thứ ba của HĐTLQG?

Thứ trưởng Phạm Minh Huân: Tại phiên họp này, Tổng Liên đoàn Lao động (TLĐLĐ) Việt Nam đưa ra mong muốn làm sao sớm đạt được mục tiêu lương tối thiểu đáp ứng được mức sống tối thiểu theo quy định của Bộ luật Lao động. Phía VCCI đưa ra các lập luận về việc tăng chi phí cũng như tác động đối với doanh nghiệp (DN). Đây là khoảng cách giữa vấn đề thực tế và mong muốn. Nếu khả năng của DN tốt hơn, mức tăng lương sẽ được đi nhanh hơn để đáp ứng được mong muốn như TLĐLĐ đề xuất. Phía các hiệp hội DN  đề nghị mức tăng thấp hơn vì ngoài mức lương tối thiểu, việc điều chỉnh các chính sách trong quá trình hội nhập sẽ tác động lớn đến DN, nhất là DN trong quá trình tái cơ cấu. Trong quá trình hội nhập, ngoài việc phải chăm lo đời sống NLĐ, DN sẽ phải dành chi phí đáng kể đổi mới công nghệ để có thể trụ vững và phát triển. HĐTLQG đã thực hiện 3 phiên họp. Các phương án của hai bên (TLĐLĐ và VCCI) đều có lý do chính đáng nhưng trong quá trình phân tích, thương lượng, HĐTLQG cho rằng phương án 12,4% là hợp lý.

Việc tăng lương sẽ đặt gánh nặng lên vai người sử dụng lao động. Vì vậy, nếu DN nào chỉ có thể chịu được mức tăng khoảng 6- 8%, DN đó sẽ phải tiếp tục phải đẩy mạnh năng suất lao động, tìm các đơn hàng, tổ chức lao động hợp lý, tiết kiệm các chi phí để có thêm nguồn chăm lo cho NLĐ, bởi NLĐ chính là của cải, nguồn lực lớn giúp cho DN tồn tại, ổn định và phát triển. HĐTLQG mong muốn VCCI sẽ tiếp tục động viên các DN tổ chức sản xuất kinh doanh với mức tiết kiệm chi phí thấp nhất, dành nguồn điều chỉnh lương cho NLĐ. Bên cạnh đó, các DN sẽ tiếp tục đánh giá việc thay đổi chính sách đóng bảo hiểm xã hội ở mức cao hơn để xem sự tác động và khả năng chịu đựng của DN như thế nào, báo cáo các cơ quan chức năng để kiến nghị Quốc hội xem xét, điều chỉnh cho phù hợp.

P.V: Hiện nay khi tăng lương tối thiểu vùng, các DN lo sẽ tăng bảo hiểm xã hội. Trong điều kiện nhiều DN không thể chi trả được thì thực tế việc chi trả lương tối thiểu và bảo hiểm xã hội sẽ được DN thực hiện như thế nào? Cơ chế gì để giám sát việc thực hiện chi trả này của các DN không, thưa ông?

Thứ trưởng Phạm Minh Huân: Hiện nay, việc chi trả lương tối thiểu theo nguyên tắc thị trường và theo thỏa thuận. Chính phủ quyết định lương tối thiểu là mức sàn thấp nhất để hai bên thỏa thuận, không được thấp hơn mức này, chứ không phải lấy mức lương tối thiểu để chi trả cho NLĐ. Thực tế hiện nay, các DN đều phải chi trả cho NLĐ theo đúng công việc và mặt bằng tiền công trên thị trường, bởi, NLĐ có quyền tự do, nếu trả lương thấp, điều kiện lao động không thuận lợi, họ sẽ chuyển sang làm việc tại DN khác có điều kiện tốt hơn. Đây là nguyên tắc của thị trường, vì vậy mức lương tối thiểu là mức sàn thấp nhất để hai bên thỏa thuận.

Về bảo hiểm xã hội, hiện nay tỷ lệ đóng bảo hiểm xã hội cao nhưng đóng trên nền lương thấp nên Quốc hội đã quyết định dần dần điều chỉnh chi phí đóng bảo hiểm xã hội đóng trên tổng thu nhập trong lộ trình 3 năm. Vấn đề là cần có lộ trình điều chỉnh như thế nào để từ năm 2016-2018 tăng cho phù hợp. Các cơ quan chức năng của Chính phủ, TLĐLĐ Việt Nam, VCCI sẽ phải đánh giá, xem xét, kiến nghị để thực hiện được chính sách điều chỉnh lương tối thiểu tăng lên, bảo đảm đúng luật; đồng thời thực hiện Luật Bảo hiểm xã hội để NLĐ  đang làm việc đóng bảo hiểm xã hội trong mức thu nhập hợp lý để sau này có mức lương hưu, bảo đảm cuộc sống cho phù hợp.

P.V: Với việc tăng 12,4%, mức lương tối thiểu sẽ đáp ứng bao nhiêu phần trăm mức sống tối thiểu? Dự kiến đến khi nào mức lương tối thiểu sẽ đáp ứng mức sống tối thiểu, có theo đúng lộ trình không, thưa ông?

Thứ trưởng Phạm Minh Huân: Mức tăng lương tối thiểu như hiện nay, theo tôi, sẽ đáp ứng khoảng trên 80% mức sống tối thiểu của NLĐ. Khi lương tối thiểu tăng, lương trung bình tác động như thế nào sẽ hoàn toàn phụ thuộc vào cơ chế thương lượng. TLĐLĐ Việt Nam và hệ thống công đoàn trong các DN sẽ thỏa thuận với người sử dụng lao động để bảo đảm được mức lương cụ thể đáp ứng công việc cụ thể.

Kinh nghiệm của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) cho thấy, mức lương tối thiểu bằng khoảng 40-60% mức lương trung bình, còn lại một khoảng cách để hai bên thương lượng. Nếu quy định mức lương tối thiểu quá cao, sát với mức lương trung bình sẽ không có cơ chế thương lượng, lúc đó người sử dụng lao động và  NLĐ chỉ cần lấy mức lương tối thiểu để áp vào. Vấn đề này đang trong quá trình điều hành. Hiện, HĐTLQG  đã chỉ đạo bộ phận kỹ thuật đến cuối năm 2015, đầu năm 2016 sẽ chuẩn bị lại các số liệu tính toán, kể cả nhu cầu, yếu tố để xác định lại mặt bằng mới thực hiện lộ trình tăng lương tối thiểu.

Phúc Hằng (ghi)