Phiên tòa rút kinh nghiệm phải thể hiện được văn hóa pháp lý nơi xét xử

Thứ tư, 03/05/2017 09:33

(Cadn.com.vn) - Xác định nhiệm vụ đổi mới việc tổ chức phiên tòa xét xử, nâng cao chất lượng công tác tranh tụng tại các phiên tòa là khâu đột phá của hoạt động tư pháp, ngành tòa án đặt ra yêu cầu đổi mới việc tổ chức phiên tòa xét xử theo đúng tinh thần cải cách tư pháp trong đó đặc biệt yêu cầu chủ tọa xét xử ít nhất một phiên tòa rút kinh nghiệm. Để hiểu rõ hơn về công tác tổ chức phiên tòa rút kinh nghiệm theo yêu cầu cải cách tư pháp, P.V Báo Công an TP Đà Nẵng đã có cuộc trao đổi với ông Đặng Ánh- Phó Chánh án TAND TP Đà Nẵng về vấn đề này.

Ông Đặng Ánh- Phó Chánh án TAND TP Đà Nẵng.

P.V: Ông có thể cho bạn đọc biết, việc tổ chức phiên tòa rút kinh nghiệm nhằm mục đích gì và phải đảm bảo những yêu cầu gì?

Ông Đặng Ánh: TAND  hai cấp TP Đà Nẵng tổ chức các phiên tòa có chất lượng, hiệu quả nhằm giúp các Thẩm phán, Thư ký và công chức tòa án nâng cao tinh thần trách nhiệm, tự đào tạo, tích lũy kiến thức, kinh nghiệm, học hỏi nâng cao kỹ năng, trình độ nghiệp vụ trong công tác giải quyết, xét xử các loại vụ án.  Việc tổ chức các phiên tòa rút kinh nghiệm (PTRKN) được coi là giải pháp đột phá, hữu hiệu để nâng cao chất lượng giải quyết, xét xử các loại vụ án, đáp ứng ngày một tốt hơn yêu cầu cải cách tư pháp. Trong đó, yêu cầu PTRKN phải được thực hiện thường xuyên, nghiêm túc, thiết thực, có hiệu quả và đúng quy định của pháp luật đối với tất cả các loại án. Hàng năm, mỗi thẩm phán phải lựa chọn ít nhất 1 vụ án để đưa ra xét xử sơ thẩm hoặc phúc thẩm để rút kinh nghiệm. Kết quả của việc tổ chức PTRKN được xác định là một trong các tiêu chí để bình xét thi đua đối với cá nhân thẩm phán và tập thể đơn vị.

P.V: Để tổ chức PTRKN, việc chọn lựa các vụ án được thực hiện như thế nào? Yêu cầu đặt ra đối với PTRKN là gì thưa ông?

Ông Đặng Ánh: Để tổ chức PTRKN đạt mục tiêu đề ra, khuyến khích thẩm phán chủ tọa và các đơn vị tòa án lựa chọn vụ án có tính chất phức tạp hoặc vụ án có luật sư tham gia bào chữa cho bị cáo hoặc có người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho đương sự để đưa ra xét xử tại PTRKN. Do đó, PTRKN  theo yêu cầu cải cách tư pháp phải đảm bảo 4 yêu cầu sau: Thứ nhất, thực hiện đầy đủ các nguyên tắc tố tụng quy định trong Luật Tổ chức TAND và các văn bản pháp luật tố tụng nhằm đảm bảo tính công bằng, dân chủ và nghiêm minh của pháp luật. Thứ hai, thể hiện được văn hóa pháp lý nơi xét xử, từ việc bố trí phòng xử án, cách xưng hô tại phiên tòa, vị trí ngồi của người tham gia tố tụng, đảm bảo tính uy nghiêm của pháp luật, thể hiện sự tôn trọng HĐXX, đại diện VKS, những người tham gia tố tụng tại phiên tòa và tôn trọng nội quy, trật tự phiên tòa. Thứ ba, nghị án phải đảm bảo đúng pháp luật, phán quyết của HĐXX phải được quyết định theo đa số và phải căn cứ vào kết quả tranh tụng công khai, dân chủ tại phiên tòa, trên cơ sở xem xét đầy đủ, khách quan, toàn diện các chứng cứ, ý kiến của Kiểm sát viên, của các bên tranh tụng và người tham gia tố tụng. Thứ tư, thực hiện một số yêu cầu khác tại phiên tòa như việc điều hành của Thẩm phán chủ tọa phiên tòa trong suốt quá trình khi khai mạc phiên tòa cho đến khi kết thúc phiên tòa, đặc biệt là việc điều hành tranh tụng, việc xét hỏi tại phiên tòa phải tuân theo đúng quy định của luật tố tụng... Đại diện VKS chủ động xét hỏi cùng HĐXX theo trình tự quy định để làm rõ các tình tiết, chứng cứ cho việc giải quyết vụ án khách quan, đúng pháp luật.

P.V: Ông có thể cho biết, để thực hiện theo Hướng dẫn số 136/HD-TANDTC ngày 30-3-2017 của Chánh án TANDTC về công tác tổ chức PTRKN theo yêu cầu cải cách tư pháp, TAND hai cấp TP Đà Nẵng đã thực hiện như thế nào?

Ông Đặng Ánh: Mặc dù ngày 30-3-2017 TANDTC mới có hướng dẫn về công tác tổ chức PTRKN nhưng trên thực tế ngày 8-2-2017 TAND hai cấp TP Đà Nẵng đã xây dựng kế hoạch và tiến hành tổ chức. Đến nay, mặc dù mới gần 2 tháng thực hiện nhưng TAND hai cấp TP Đà Nẵng đã tổ chức được 34 PTRKN và trong ngày 18-4-2017 đã tổ chức sơ kết và rút kinh nghiệm công tác xét xử. Cụ thể, sau khi các Thẩm phán lựa chọn vụ án, đăng ký và xây dựng kế hoạch tổ chức phiên tòa cụ thể và được lãnh đạo duyệt, tòa án sẽ thông báo cho VKS cùng cấp về việc tổ chức PTRKN và đề nghị VKS phối hợp thực hiện. Để đạt được kết quả cao, trong các PTRKN khuyến khích tất cả các thẩm phán, thư ký, hội thẩm nhân dân tham dự xem đó là một lần để đúc kết kinh nghiệm cho bản thân. Yêu cầu đặt ra đối với thẩm phán tổ chức PTRKN phải nghiên cứu thật kỹ hồ sơ vụ án để nắm chắc nội dung, xác định đầy đủ và chính xác tư cách tố tụng của những người tham gia tố tụng. Lập kế hoạch xét hỏi, dự kiến diễn biến phiên tòa, những tình huống pháp lý có thể xảy ra và biện pháp giải quyết tình huống xảy ra theo quy định của pháp luật. Sau mỗi phiên tòa Thẩm phán chuẩn bị đề cương rút kinh nghiệm sau khi phiên tòa kết thúc.

Hiện nay, TAND các quận huyện đã triển khai phối hợp với VKS đồng cấp tổ chức các PTRKN, thậm chí đã tổ chức lồng ghép thực hiện tại những phiên tòa lưu động. Về lâu về dài có thể thấy, việc tổ chức các PTRKN sẽ đạt kết quả cao hơn, chất lượng hơn góp phần nâng cao chất lượng xét xử theo tinh thần cải cách hành chính. TAND hai cấp TP Đà Nẵng đã tiến hành áp dụng tổ chức PTRKN đối với tất cả các loại án hình sự, dân sự, hành chính.  Ngay sau khi PTRKN kết thúc, TAND hai cấp TP Đà Nẵng thường tổ chức ngay phiên họp rút kinh nghiệm. Đánh giá các mặt ưu điểm, khuyết điểm của Thẩm phán chủ tọa phiên tòa và thành viên HĐXX. Rút ra các bài học kinh nghiệm nhằm không ngừng nâng cao chất lượng xét xử, giải quyết các vụ án...

P.V: Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!

Trang Trần
(thực hiện)