Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Đà Nẵng Đặng Việt Dũng: Chủ hàng phải nghiêm túc kê khai nguồn gốc sản phẩm
(Cadn.com.vn) - Chiều 23-2, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Đặng Việt Dũng chủ trì cuộc họp rà soát công tác triển khai thực hiện Quyết định số 35/2016/QĐ-UBND của UBND TP về việc ban hành Quy định quản lý ATTP đối với sản phẩm nông – lâm – thủy sản đã qua chế biến không bao gói sẵn và sản phẩm rau, trái cây, thủy sản nhập vào Đà Nẵng tiêu thụ tại TP Đà Nẵng.
Dừng nhập sản phẩm Xoài trong vòng 30 ngày
Ông Nguyễn Đỗ Tám – Phó Giám đốc Sở NN&PTNT TP cho biết, từ đầu năm 2017 đến nay, số lượng chủ hàng/chủ phương tiện (ô-tô và tàu thuyền) nhập vào cảng cá và chợ đầu mối thủy sản Thọ Quang thực hiện kê khai nguồn gốc, xuất xứ là 2.895 lượt, với sản lượng hải sản là 8.145 tấn. Sản phẩm thủy sản được đánh bắt tại các vùng biển tập trung từ vĩ tuyến 15 (biển Đà Nẵng) đến vĩ tuyến 20 (vịnh Bắc Bộ); thủy sản khai thác có nguồn gốc từ Quảng Ngãi, Quảng Bình, Bình Thuận, Vũng Tàu, TT-Huế,... Bên cạnh đó, tổng lượng hàng về chợ đầu mối Hòa Cường trong 41 ngày qua là 14.411 tấn rau, trái cây (6.824 tấn trái cây và 7.587 tấn rau các loại). Nguồn hàng trái cây chủ yếu với 86 nhà cung cấp trong nước từ 9 tỉnh (Bến Tre, Cần Thơ, Đồng Nai, Đồng Tháp, Long An, Ninh Thuận, Tây Ninh, Tiền Giang, Vĩnh Long) và 3 đơn vị nhập khẩu tại Lạng Sơn, Hà Nội; rau nhập vào TP chủ yếu với 31 đơn vị cung cấp từ 5 tỉnh khác nhau (Bắc Ninh, Gia Lai, Hà Nội, Hải Dương và Lâm Đồng).
Theo ông Nguyễn Đỗ Tám, Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản thành phố đã kiểm tra 17 mẫu thủy sản, kết quả không phát hiện tồn dư kháng sinh trong 4 mẫu thủy sản nuôi (kiểm tra CAP và nhóm Tetracyclines) và 13 mẫu thủy sản khai thác (kiểm tra chỉ tiêu kim loại nặng Chì, Cadimi, Thủy ngân) có mức tồn dư kim loại nặng không vượt quá giới hạn tối đa cho phép quy định tại QCVN 8-2:2011/BYT. Ngoài ra, Chi cục đã tiến hành lấy mẫu để phân tích dư lượng thuốc bảo vệ thực vật (90 chỉ tiêu), trong đó trái cây 30 mẫu (có 14 mẫu có nguồn gốc nhập ngoại), 15 mẫu rau (trong đó 14 mẫu có nguồn gốc trong nước). Kết quả phân tích cho thấy có 44/45 mẫu đạt yêu cầu ATTP, 1 mẫu (xoài có nguồn gốc từ Tiền Giang) có tồn dư hoạt chất thuốc bảo vệ thực vật Carbendazim với mức 2043,1 mg/kg so với mức giới hạn cho phép là 2000 mg/kg theo Quyết định số 46/2007/QĐ-BYT. Chi cục đã thông báo kết quả đến chủ hàng, yêu cầu dừng nhập sản phẩm xoài trong vòng 30 ngày, kể từ ngày 2-2-2017, đồng thời Chi cục cũng đã gửi văn bản đến Chi cục Quản lý Chất lượng Nông lâm và Thủy sản Tiền Giang đề nghị có biện pháp cảnh báo, ngăn chặn, không để xảy ra tồn dư thuốc bảo vệ thực vật trong sản phẩm xoài.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Đặng Việt Dũng trao đổi với chủ tàu về công tác kê khai nguồn gốc, xuất xứ thủy sản. |
Tiếp tục tuyên truyền, phổ biến đến chủ các cơ sở
Ông Nguyễn Đỗ Tám cho rằng, một trong những vấn đề khó khăn trong quá trình thực hiện Quyết định số 35/2016/QĐ-UBND là chủ cơ sở, chủ hàng vẫn chưa nhận thức đúng về việc kê khai nguồn gốc, xuất xứ của rau, trái cây và thủy sản nhập từ ngoại tỉnh vào tiêu thụ tại Đà Nẵng. Bên cạnh đó, do hạn chế về trình độ, ngư dân hoặc lái xe thực hiện kê khai rất khó khăn hoặc không thể kê khai. Vì vậy, hiện nay viên chức của Ban Quản lý Âu thuyền và cảng cá Thọ Quang phải kê khai giúp. Đối với chợ đầu mối Hòa Cường, mặt hàng đa dạng, chia ra nhiều đợt (chuyến xe) trong cùng ngày, lấy một mặt hàng từ nhiều nguồn khác nhau và sử dụng tên gọi thường ngày trong giao dịch (không phải tên chính trong CMND hoặc tên đăng ký địa chỉ kinh doanh) nên việc xác định chủ hàng gặp khó khăn, mất thời gian.
Phát biểu tại cuộc họp, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Đặng Việt Dũng đánh giá cao những kết quả mà các lực lượng đã đạt được trong quá trình thực hiện Quyết định số 35/2016/QĐ-UBND. Hiện tại trong quá trình thực hiện Quyết định vẫn còn gặp một số khó khăn nhất định nên Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP đề nghị trong thời gian đến, Sở NN&PTNT tiếp tục phối hợp các đơn vị triển khai thực hiện Quyết định số 35/2016/QĐ-UBND, tập trung vào việc theo dõi kê khai thông tin về nguồn gốc, xuất xứ của sản phẩm đã qua chế biến không bao gói sẵn. Cũng như, phối hợp với các địa phương trên địa bàn thành phố để tiếp tục tuyên truyền, phổ biến đến chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm không bao gói sẵn theo quy định của Quyết định số 35/2016/QĐ-UBND. Tổ chức, thống kê, lập cơ sở dữ liệu các nguồn cung cấp sản phẩm rau, trái cây, thủy sản từ các tỉnh về tiêu thụ tại Đà Nẵng và lấy mẫu kiểm tra các chỉ tiêu về ATTP nhằm kịp thời phối hợp với các địa phương để cảnh báo, ngăn chặn nguồn thực phẩm không đảm bảo an toàn. Bên cạnh đó, các sở ngành liên quan cần bổ sung kinh phí giám sát mẫu rau, trái cây, thủy sản nhập từ các tỉnh vào tiêu thụ tại Đà Nẵng cũng như hỗ trợ kinh phí bồi dưỡng cho lực lượng làm nhiệm vụ ban đêm tại các chợ đầu mối...
Lê Hùng
Kê khai hàng bằng tiếng lóng?! Theo ông Nguyễn Đỗ Tám – Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, tại chợ đầu mối Hòa Cường, mỗi chuyến xe có nhiều chủ hàng, một chủ hàng có nhiều mặt hàng từ nhiều nhà cung cấp khác nhau nên việc kê khai nguồn gốc, xuất xứ chỉ thực hiện thông qua việc photo (Scan) lại toa hàng, cán bộ tiếp nhận của Ban Quản lý xác nhận, sau đó mới kê khai bổ sung. Việc thống kê số lượng từng mặt hàng, xuất xứ của các mặt hàng gặp khó khăn vì toa hàng chỉ sử dụng các thuật ngữ trong buôn bán, kinh doanh, chỉ có người buôn bán với nhau mới có thể hiểu và xác định được. Đặc biệt, các cơ sở kinh doanh rau, trái cây (đối với các mặt hàng mang tính thời vụ) ở các tỉnh, một số tàu, xe cập cảng chưa cập nhật được quy định này của thành phố. Trước vấn đề này, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Đặng Việt Dũng yêu cầu Ban Quản lý chợ đầu mối Hòa Cương cần có các giải pháp để yêu cầu chủ hàng thực hiện nghiêm túc việc kê khai nguồn gốc, xuất xứ của Quyết định số 35 trước khi đưa sản phẩm vào chợ tiêu thụ. |