Phố chuyên doanh thời trang Lê Duẩn sẽ được triển khai vào ngày 15-8

Thứ sáu, 27/06/2014 11:40

(Cadn.com.vn) - Sáng 26-6, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Phùng Tấn Viết làm việc với các đơn vị liên quan về việc triển khai xây dựng phố chuyên doanh thời trang trên tuyến đường Lê Duẩn (đoạn từ đường Trần Phú đến Ông Ích Khiêm, dài 1.200m).

Theo Quyết định 3557, ngày 6-6-2014 của Chủ tịch UBND TP Văn Hữu Chiến về phương án tổ chức phố chuyên doanh đường Lê Duẩn sẽ chuyên kinh doanh các mặt hàng thời trang như quần áo, giày dép, kính đeo mắt, vải, mỹ phẩm các loại...

Các hạng mục công trình của tuyến phố phải được cải tạo lại đồng bộ như: vỉa hè: hạ chiều cao bó vỉa hè (băng bê-tông đúc sẵn) xuống còn 15cm, ngầm hóa hệ thống cấp điện, nước, viễn thông, thay thế toàn bộ cây xanh vỉa hè bằng cây Bàng Đài Loan, cải tạo hố trồng cây có thẩm mỹ cao, lắp đặt trên vỉa hè một số ghế ngồi nghỉ chân, biển chỉ dẫn, thùng rác công cộng; cải tạo lại biển hiệu, màu sắc biển hiệu dọc tuyến phố bằng cách ốp Alumium đồng bộ mặt tiền từ tầng 1 dọc tuyến phố, lưu ý có thể lắp đặt mái che và sơn màu sắc dọc tuyến phố đồng bộ; cải tạo hệ thống biển quảng cáo, lắp đặt đèn trang trí, wifi miễn phí trên tuyến phố; cấm ô-tô tải trên 3,5 tấn lưu thông trên tuyến đường này, các ô-tô có tải trọng dưới 3,5 tấn hoạt động ngoài giờ cao điểm (từ 6 giờ 30 đến 8 giờ 30 và từ 17 giờ đến 21 giờ), bố trí bãi đỗ xe trên đường Chi Lăng, đường Nguyễn Thị Minh Khai; bố trí điểm dừng chân và nhà vệ sinh tại khu vực có nhiều công trình trường học (Đại học Đà Nẵng và Trường Phan Châu Trinh).

Phối cảnh phố chuyên doanh Lê Duẩn được duyệt.

Về cơ chế chính sách hỗ trợ, các hộ không kinh doanh trên tuyến này không được sử dụng vỉa hè để kinh doanh buôn bán, không thu phí sử dụng vỉa hè ngoài mục đích giao thông (để xe) trong vòng 3 năm đối với các cơ sở kinh doanh có nhóm hàng, ngành hàng quy định tại khu phố. Với tổng kinh phí đầu tư khoảng 20 tỷ đồng.

Trong đó, TP đầu tư 40%, Q. Hải Châu 30% và 30% còn lại kêu gọi xã hội hóa chính các hộ dọc tuyến... giao cho Q. Hải Châu làm chủ đầu tư, Sở Công Thương quản lý về mặt Nhà nước đối với dự án nhanh chóng tiến hành họp dân lấy ý kiến để đồng thuận thực hiện dự án...

Theo báo cáo của đầu tư (UBND Q. Hải Châu) hiện tại tuyến đường này có 199 cơ sở, cửa hàng kinh doanh, nhà ở và trường học, trong đó kinh doanh thời trang có 91 điểm, chiếm tỷ lệ 46%, còn lại là kinh doanh các mặt hàng khác, trụ sở cơ quan, ngân hàng, nhà ở và trường học.

Quận đã tổ chức 3 lần họp dân và các cơ sở kinh doanh trên tuyến đường để công khai bản thiết kế, kêu gọi nguồn kinh phí đầu tư đến nay các hộ dân, hộ kinh doanh cơ bản thống nhất chủ trương của TP và sẽ chịu phần ốp Alumium tầng 1. Tuy nhiên, quận cũng đề nghị TP tiếp tục chỉ đạo các đơn vị có liên quan như Sở GTVT, Sở Xây dựng nhanh chóng lập phương án triển khai các hạng mục...

Trên cơ sở đó, Phó Chủ tịch Phùng Tấn Viết yêu cầu Q. Hải châu chủ trì phối hợp với các sở, ngành liên quan nhanh chóng lập phương án ngầm hóa hệ thống điện, nước; làm lại vỉa hè, hệ thống cây xanh, đèn trang trí biển hiệu, vỉa hè đúc bê-tông; ban hành quy chế quản lý và hoạt động của Phố chuyên doanh... xong trước ngày 14-8 và ngày 15-8 đồng loạt triển khai.

Phó Chủ tịch cũng lưu ý các đơn vị tập trung từng khu vực thi công, không dàn trải nhằm hạn chế ảnh hưởng đến tình hình hoạt động kinh doanh, sinh hoạt của các doanh nghiệp, hộ kinh doanh và hộ dân sinh sống trên tuyến đường Lê Duẩn.

Xuân Đương