Phó giám đốc bệnh viện bị tố làm rách niệu đạo của bệnh nhân
Trong quá trình rút ống xông, ông Nguyễn Hồng Cường - Phó giám đốc BVĐK huyện Đức Thọ (Hà Tĩnh) bị tố đã làm rách niệu đạo của bệnh nhân gây hậu quả nghiêm trọng. Cho rằng bác sĩ đã làm rách, biến dạng niệu đạo của mình, nam bệnh nhân ở Hà Tĩnh yêu cầu làm rõ trách nhiệm.
Anh Long được chuyển lên bệnh viện tuyến trên điều trị sau sự cố. |
Anh Nguyễn Quốc Long (42 tuổi, trú xã Đức Giang, huyện Vũ Quang, Hà Tĩnh) cho biết, mình đến BVĐK huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh, để rút ống sonde JJ niệu quản bàng quang sau quá trình tán sỏi thận. Ngày 4-2, anh được bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Hồng Cường, Phó Giám đốc bệnh viện, trực tiếp thăm khám và rút ống. Tuy nhiên, quá trình xử lý đã xảy ra sự cố khiến đường niệu đạo của nam bệnh nhân bị rách, biến dạng. Lúc này, bác sĩ Cường liên hệ gia đình anh để mổ cấp cứu. Anh Long cho biết, sau phẫu thuật, vết mổ nhiều lần chảy máu, mưng mủ, phù nề. Gia đình nhiều lần xin chuyển lên tuyến trên điều trị nhưng bác sĩ không đồng ý. 15 ngày sau (19-2), khi vết thương không có dấu hiệu phục hồi, bác sĩ điều trị mới đồng ý và gọi xe cứu thương cùng nhân viên y tế chuyển nam bệnh nhân lên BVĐK Hà Tĩnh tiếp tục điều trị. Cho rằng bác sĩ Cường, người trực tiếp xử lý vết mổ chưa làm đúng quy trình, "tắc trách" trong quá trình thăm khám và điều trị, gia đình bệnh nhân yêu cầu cơ quan chức năng làm rõ, xử lý trách nhiệm người liên quan.
Trao đổi với P.V, ông Nguyễn Hồng Cường, Phó giám đốc BVĐK huyện Đức Thọ, thừa nhận gặp sự cố trong lúc rút ống sonde JJ niệu quản bàng quang. Quá trình gây mê kỹ thuật do bệnh nhân xin không gây tê tủy sống nên chúng tôi gây tê tại chỗ. Tuy nhiên, do thuốc chưa đủ ngưỡng hoặc một số yếu tố khác nên khi đưa ống soi vào gắp ống JJ bệnh nhân đã gồng mạnh phải rút vội khiến niệu đạo bàng quang rách, biến dạng" - ông Cường lý giải.
Sự việc sau đó cũng được bác sĩ Cường cùng ê-kíp trực báo cáo lên lãnh đạo BVĐK huyện Đức Thọ để có phương án xử lý. Nam bác sĩ cho biết với sự cố này, di chứng để lại là niệu đạo bệnh nhân có thể bị hẹp. Ngoài ra, bệnh nhân phải theo dõi ít nhất 6 tháng mới trở lại bình thường. Đây là sự cố y khoa hy hữu ông từng gặp.
T.H