Phó Thủ tướng Lê Minh Khái: Giữ vốn mà chưa thực hiện được là Chính phủ bị phê bình

Thứ sáu, 20/05/2022 15:14
Ngày 19-5, chủ trì cuộc họp với 8 bộ, cơ quan Trung ương để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, Tổ trưởng Tổ công tác số 2 về kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2022 đã lưu ý các bộ, cơ quan nếu không triển khai được dự án cần mạnh dạn chuyển vốn về trung ương để điều tiết cho các đơn vị khác, không giữ vốn, bởi giữ vốn mà chưa thực hiện được là Chính phủ bị phê bình.
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái phát biểu tại cuộc họp.
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái phát biểu tại cuộc họp.

Báo cáo tổng hợp của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, tổng kế hoạch đầu tư vốn ngân sách Nhà nước năm 2022 Thủ tướng Chính phủ giao theo tổng mức vốn đã được Quốc hội quyết nghị cho 8 bộ, cơ quan trung ương thuộc Tổ công tác số 2 là 3.477 tỷ đồng. Đến nay, các bộ, cơ quan trung ương đã phân bổ, giao chi tiết cho từng nhiệm vụ, dự án là 3.217,721 tỷ đồng, đạt 92,54% so với số vốn Thủ tướng Chính phủ đã giao, còn lại chưa phân bổ chi tiết là 259,279 tỷ đồng, bằng 7,46% so với số vốn Thủ tướng Chính phủ đã giao.

Có 3 đơn vị chưa phân bổ hết vốn: Bộ Kế hoạch và Đầu tư 148,576 tỷ đồng; Thanh tra Chính phủ 41,44 tỷ đồng; Văn phòng Trung ương Đảng 69,263 tỷ đồng. Nguyên nhân chưa phân bổ là do số vốn này dự kiến cho các nhiệm vụ, dự án khởi công mới nhưng chưa có Quyết định đầu tư, Quyết định phê duyệt dự toán nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư, nhiệm vụ quy hoạch nên chưa đủ điều kiện giao kế hoạch đầu tư vốn ngân sách Trung ương năm 2022 theo quy định của Luật Đầu tư công.

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, tổng số vốn ngân sách Nhà nước của 8 bộ, cơ quan trung ương thuộc Tổ công tác số 2 đã giải ngân tính đến 30-4 là 119,539 tỷ đồng, đạt 3,44% kế hoạch năm 2022 được Thủ tướng Chính phủ giao, thấp hơn mức bình quân chung cả nước (16,35%). Ước giải ngân đến hết tháng 5-2022 khoảng 337,329 tỷ đồng, đạt 9,70% kế hoạch, vẫn thấp hơn nhiều mức bình quân chung cả nước (20,27%). Cụ thể, Bộ Tài chính 8,17%; Bộ Kế hoạch và Đầu tư 13,87%; Thanh tra Chính phủ 4,13%; Viện Kiểm sát nhân dân tối cao 16,55%; Văn phòng Trung ương Đảng 2,54%; Thông tấn xã Việt Nam 8,74%; Đài Tiếng nói Việt Nam 4,1%; Đài Truyền hình Việt Nam 6,12%.

Những khó khăn, vướng mắc ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân vốn đầu tư công 5 tháng đầu năm là do giá nguyên vật liệu tăng cao đột biến, vướng trong bồi thường, giải phóng mặt bằng. Các dự án khởi công mới đa số đang trong giai đoạn đấu thầu và thương thảo hợp đồng. Một số dự án được bố trí vốn nhiều để đền bù, giải phóng mặt bằng nhưng đến nay tiến độ thực hiện còn rất chậm nên giải ngân rất thấp. Một số bộ, cơ quan trung ương và địa phương có nhiều dự án khởi công mới cần thời gian hoàn thành thủ tục... do đó, chưa có thanh toán tạm ứng hoặc chưa có nhiều khối lượng thanh toán để giải ngân vốn.

Đánh giá các bộ, cơ quan đã có nhiều cố gắng trong giải ngân vốn đầu tư công, nhưng do tính chất phức tạp, trình tự thủ tục, đặc thù của các ngành nên giải ngân từ đầu năm đến nay vẫn thấp hơn so với bình quân chung cả nước, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái lưu ý các bộ, cơ quan nếu không triển khai được dự án cần mạnh dạn chuyển vốn về trung ương để điều tiết cho các đơn vị khác, không giữ vốn, bởi giữ vốn mà chưa thực hiện được là Chính phủ bị phê bình.

Theo Phó Thủ tướng, tính đến thời điểm hiện nay, số giải ngân vốn đầu tư công của cả nước xấp xỉ bằng cùng kỳ năm trước. Đồng tình với một số nguyên nhân khách quan làm ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân đã được chỉ ra trong báo cáo, song, Phó Thủ tướng cho rằng, lý giải vẫn chưa sát với tình hình. Thời gian tới, phải đánh giá, lường trước các vấn đề đặt ra để có dự báo sát hơn, sâu hơn, dự kiến tiến độ triển khai dự án để bố trí vốn cho hiệu quả. Trong vốn đầu tư công có vốn vay, vốn ODA, đã huy động rồi, phải trả lãi mà không giải ngân được sẽ không phát huy được hiệu quả đồng vốn.

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái yêu cầu từng bộ, ngành phải có kế hoạch giải ngân đối với từng dự án, có kiểm tra, đôn đốc, nhắc nhở, thường xuyên nắm bắt tình hình. Qua rà soát, nếu cam kết giải ngân được 100% vốn giao thì để lại, nếu không được, phải đề nghị điều chuyển sớm, có thể điều chuyển trong nội bộ ngành hoặc điều chuyển cho đơn vị khác. Cùng với đó, quan tâm đến thủ tục thanh toán liên quan đến khối lượng, phối hợp với các bộ, ngành, Kho bạc Nhà nước giải ngân sớm.

CHU THANH VÂN