Phó Thủ tướng Lê Văn Thành phê bình việc "sang xe, đổi tài xế"

Thứ ba, 14/09/2021 15:47

Ngày 13-9, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành chủ trì Hội nghị trực tuyến thúc đẩy lưu thông, tiêu thụ nông sản trong bối cảnh phòng, chống dịch COVID-19.

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành phát biểu tại hội nghị.

Theo báo cáo của Bộ NN&PTNT, nhìn chung, dù bối cảnh dịch, sản xuất nông nghiệp cơ bản chủ động được nhu cầu lương thực, thực phẩm. Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều khó khăn vướng mắc cần tháo gỡ, nhất là trong khâu lưu thông, vận chuyển sản phẩm nông sản và vật tư chuẩn bị cho vụ sản xuất tiếp theo, đảm bảo cung ứng đủ cho tiêu dùng trong nước những tháng cuối năm 2021, đầu năm 2022 và một phần cho xuất khẩu trong bối cảnh dịch COVID-19.

Kim ngạch xuất khẩu nông sản đạt được tốc độ tăng trưởng khá trong 6 tháng đầu năm 2021. Tuy nhiên, bắt đầu từ tháng 7 do dịch COVID-19 bùng phát mạnh ở nhiều địa phương, đặc biệt là các tỉnh trọng điểm về nông nghiệp phía Nam đã ảnh hưởng tiêu cực đến việc sản xuất, thu hoạch, xuất khẩu nhiều nông sản có dấu hiệu sụt giảm. Tháng 8, kim ngạch xuất khẩu ước đạt gần 3,4 tỷ USD, giảm 21,6% so với tháng 8-2020.

Phát biểu thảo luận, các bộ, địa phương, hiệp hội cho rằng, mục tiêu xuất khẩu nông sản cả năm 2021 khoảng 44 tỷ USD như kế hoạch đặt ra là một thách thức rất lớn. Một số ý kiến phản ánh các khó khăn trong xuất khẩu sang các thị trường. Tình trạng thiếu container rỗng, tăng giá cước vận tải đã tác động lớn đến xuất khẩu sang Hoa Kỳ, EU, Đông Bắc Á cũng như nhập khẩu nguyên liệu để phục vụ xuất khẩu. Một số quy định mới về nhập khẩu nông sản của phía Trung Quốc áp dụng từ ngày 1-1-2022 có thể sẽ tác động đến vấn đề sản xuất và tiêu thụ nông sản của Việt Nam.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng khẳng định mục tiêu dập dịch là quan trọng nhất để bảo vệ tính mạng, sức khỏe của nhân dân. Phó Thủ tướng chia sẻ với những khó khăn của doanh nghiệp do ảnh hưởng của dịch bệnh. Đó là khó khăn trong huy động công nhân vào làm việc; lưu thông hàng hóa, cả đầu vào và đầu ra, gặp trở ngại; thu hoạch, tái đàn, tiêu thụ sản xuất giảm hiệu quả…

Phó Thủ tướng nhấn mạnh: "Giãn cách để phòng chống dịch là ưu tiên hàng đầu, nhưng cũng là nhiệm vụ hết sức khó khăn, đòi hỏi các địa phương phải vận dụng linh hoạt, phù hợp để vừa giãn cách vừa duy trì sản xuất ở "chừng mực nhất định". Phó Thủ tướng lưu ý vấn đề an toàn trong sản xuất bởi "nếu trong khi sản xuất, lưu thông hàng hóa mà không kiểm soát tốt để xảy ra ổ dịch lớn, nguy hại hàng vạn lần, không chỉ về sức khỏe, tính mạng của người dân mà gây đình trệ nền kinh tế".

Về vấn đề lưu thông hàng hóa, Phó Thủ tướng cho rằng, việc điều hành của một số địa phương còn thiếu sâu sát, cứng nhắc, chưa kịp thời, dẫn tới ùn tắc, ứ đọng trong sản xuất, lưu thông hàng hóa. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Phó Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều văn bản chỉ đạo, yêu cầu bảo đảm không đứt gãy trong sản xuất, lưu thông. Tuy nhiên, trên thực tế, vẫn có địa phương, có thời điểm, đã vận dụng máy móc, dẫn tới ách tắc.

Đề nghị rút kinh nghiệm sâu sắc về vấn đề này, Phó Thủ tướng lấy ví dụ, có địa phương đặt ra quy định xe chở hàng phải sang tải, "sang xe, đổi tài xế", làm mất thời gian, gây ùn ứ, "xe chở mấy trăm con lợn, hàng ngàn con gà mà sang tải, doanh nghiệp làm sao sống nổi". "Có địa phương cứng nhắc đến mức người ta chở con giống về thả, để tái đàn mà cũng không cho vào".

Nhất trí với các ý kiến cho rằng vai trò của địa phương là quyết định, Phó Thủ tướng yêu cầu các địa phương phải bảo đảm lưu thông hàng hóa thông suốt theo đúng chỉ đạo của Chính phủ, không ban hành thêm các quy trình, thủ tục, giấy phép gây khó khăn, cản trở lưu thông hàng hóa. Không quy định việc sang tải mà kiểm tra chặt chẽ điểm đi, điểm đến và có cách quản lý F0 nếu lái xe dương tính. Tuyệt đối bảo đảm không để dịch bệnh lây lan qua hệ thống lưu thông hàng hóa.

Phó Thủ tướng yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố cần phối hợp với ngành Y tế, Công Thương, các bộ, ngành Trung ương… làm việc cụ thể với doanh nghiệp để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đồng thời yêu cầu doanh nghiệp xây dựng phương án phục hồi sản xuất. "Công nhân, nhà máy ở vùng xanh, xã xanh, huyện xanh, địa phương cần cho kế hoạch tổ chức sản xuất trở lại với các điều kiện cụ thể như: trước khi vào sản xuất, 100% công nhân phải có kết quả xét nghiệm âm tính. Nếu ở vùng xanh, các đồng chí cho công nhân về nhà, cho đi lại bình thường", Phó Thủ tướng nêu giải pháp. "Ưu tiên tiêm vaccine cho lực lượng sản xuất. Định kỳ 1 tuần 2 lần thực hiện test nhanh cho công nhân, để phát hiện kịp thời F0, bảo đảm tuyệt đối an toàn". Các sở, ngành phải kiểm soát chặt chẽ việc thực hiện của doanh nghiệp.

Đối với sản xuất nông nghiệp, Phó Thủ tướng lưu ý các địa phương phối hợp chặt chẽ với người dân, doanh nghiệp trong xây dựng kế hoạch tổng thể về tái sản xuất nông nghiệp, trong đó, lưu ý không để xảy ra nguy cơ thiếu lương thực, thực phẩm vào dịp Tết Nguyên đán.

Đặc biệt, Phó Thủ tướng yêu cầu không ban hành thêm các văn bản quy định gây cản trở lưu thông hàng hóa. Bộ Giao thông Vận tải thường xuyên nắm bắt tình hình, "các khu vực, các cảng mà có vấn đề, Bộ phải trực tiếp xuống làm việc với các tỉnh. Nếu để xảy ra tình trạng ùn tắc hay ban hành thêm các chính sách khác, Bộ Giao thông Vận tải vẫn phải chịu trách nhiệm", Phó Thủ tướng nêu rõ. Trong thời gian tới, cần nghiên cứu mở các chuyến bay phục vụ xuất khẩu hàng hóa.

QUỲNH NHƯ – TTXVN