Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo các giải pháp cấp bách đối phó với hạn hán

Thứ sáu, 25/03/2016 09:32

(Cadn.com.vn) - Ngày 24-3, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cùng các bộ, ngành Trung ương trực tiếp thị sát tình hình hạn hán tại Gia Lai và làm việc với 5 tỉnh Tây Nguyên để bàn, triển khai các biện pháp ứng phó tình hình hạn hán đang diễn ra tại khu vực này. Tham gia buổi làm việc còn có Bộ trưởng Bộ NN & PTNT Cao Đức Phát, Trưởng Ban chỉ đạo T.Ư về phòng, chống thiên tai, Ban Chỉ đạo Tây Nguyên và lãnh đạo Quân khu V.

Theo báo cáo của Bộ NN&PTNT, Tây Nguyên đang đối diện với một mùa khô khắc nghiệt nhất trong nhiều năm qua. Ngoài cường độ mạnh, đợt ảnh hưởng El Nino này được xem là dài nhất trong lịch sử quan trắc ở Việt Nam. Do ảnh hưởng của El Nino, lượng dòng chảy trên các sông chính ở Tây Nguyên liên tục thiếu hụt từ 20-70% so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ. Toàn khu vực Tây Nguyên đã có hơn 7.100ha lúa bị thiếu nước, hơn 40.100ha cà-phê bị hạn và gần 2.300ha hồ tiêu cũng rơi vào tình cảnh thiếu nước trầm trọng. Dự kiến đến cuối tháng 3, nếu không có mưa, diện tích cây trồng chính bị hạn hán, thiếu nước lên tới 167.000ha. Cùng với đó, toàn khu vực Tây Nguyên đã có gần 28.300 hộ gia đình bị thiếu nước sinh hoạt và dự kiến sẽ có khoảng 59.000 hộ bị thiếu nước sinh hoạt nếu nắng nóng tiếp tục tiếp diễn. Nguy cơ cháy rừng còn đe dọa nghiêm trọng đến hàng triệu héc-ta rừng tại khu vực Tây Nguyên.

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và đoàn công tác thị sát tại cánh đồng lúa làng Thơ Gar (xã Chư Don, H. Chư Pưh) mất mùa vì hạn hán.

Chiều 24-3, trong chuyến công tác, làm việc với các tỉnh Tây Nguyên và các bộ, ngành Trung ương tại Gia Lai về tình hình hạn hán, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã tặng hoa, tuyên dương ông Nguyễn Hữu Quế, Giám đốc Sở GTVT tỉnh Gia Lai, là người đã tự bỏ tiền túi thuê ô-tô, tranh thủ ngày nghỉ, đích thân đi điều tra và xử lý xe quá tải, quá khổ. Ngoài ra, ông Quế còn có các biện pháp kiên quyết, phối hợp với các ngành chức năng tham mưu cho UBND tỉnh Gia Lai triển khai nhiều biện pháp nhằm giảm thiểu tình hình TNGT trên địa bàn, đặc biệt là xóa vấn nạn ném đá lên xe khách.

Trước tình hình trên, Bộ TN&MT và Bộ NN&PTNT đã có nhiều giải pháp theo ý kiến chỉ đạo của Chính phủ về công tác phòng, chống hạn hán tại Tây Nguyên, đặc biệt là báo cáo Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành hỗ trợ kịp thời cho các địa phương bị thiệt hại (Đắc Lắc 49 tỷ đồng, Đắc Nông 18,6 tỷ đồng, Gia Lai 17,9 tỷ đồng, Lâm Đồng 14,7 tỷ đồng và Kon Tum 15 tỷ đồng). Bộ cũng kiến nghị xem xét hỗ trợ 2.000 tấn gạo cho nhân khẩu thiếu đói giáp hạt năm 2016 theo đề xuất của các tỉnh Kon Tum, Đắc Lắc, Gia Lai và Đắc Nông; hỗ trợ các địa phương kinh phí phòng chống hạn đợt 2 với tổng kinh phí 115,2 tỷ đồng cho 5 tỉnh Tây Nguyên và đề xuất bổ sung của các địa phương để sửa chữa, nâng cấp 48 công trình thủy lợi nhỏ với tổng kinh phí 300 tỷ đồng; bổ sung kế hoạch vốn trung hạn cho các địa phương 16 công trình thủy lợi cấp bách để phòng chống hạn với tổng kinh phí 4.277 tỷ đồng.

Sau khi nghe các báo cáo, ý kiến về tình hình khô hạn trên địa bàn cũng như các công tác chỉ đạo, giải pháp phòng chống, ứng phó, khắc phục thiệt hại do hạn hán gây ra, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá: tình hình hạn hán đang diễn ra nghiêm trọng ở khu vực Tây Nguyên gây thiệt hại rất lớn, ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân. Nếu không có những giải pháp căn cơ, cụ thể thì thiệt hại rất lớn cho Tây Nguyên.  Cùng với các ý kiến, kiến nghị đề xuất của các địa phương, bộ, ngành liên quan, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhất trí ý kiến của Bộ TN&MT trong việc cần có điều tra, lập quy hoạch tài nguyên nước, trước hết là các nội dung về phân bổ, khai thác, sử dụng, bảo vệ tài nguyên nước, gồm cả nước mặt, nước ngầm; nhất trí với kiến nghị của Bộ NN&PTNT trong việc hỗ trợ 2.000 tấn gạo cho 4 tỉnh thực sự khó khăn và yêu cầu các địa phương phải thực hiện tốt để gạo thực sự đến tay người dân.

Phó Thủ tướng thăm hỏi, động viên người dân làng Thơ Gar bị ảnh hưởng do hạn. 

Tuy nhiên, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng lưu ý các địa phương cần tuyên truyền cho người dân về cách tưới tiết kiệm nước, tránh để lãng phí. Các công trình thủy điện, hồ chứa liên quan đến ngành Thủy điện, chủ tịch UBND tỉnh chủ trì, quyết định phương thức xả nước trên tinh thần đảm bảo nước cho sinh hoạt, sản xuất của người dân. Các hệ thống ngân hàng cùng vào cuộc xem xét hoãn, giảm, cho vay bổ sung các nguồn vốn giúp người dân giảm thiểu thiên tai. Bộ NN&PTNT tiếp tục phối hợp các tổ chức quốc tế, các bộ, ngành liên quan để vận động hỗ trợ người dân vùng thiên tai. Quân khu V, Quân đoàn 3 và Binh đoàn 15 có những biện pháp chiến lược hỗ trợ cho địa phương trong việc khắc phục khó khăn do hạn hán gây ra cho người dân.

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lưu ý: “Tình hình hạn hán nghiêm trọng và sắp đến còn kéo dài. Do đó, trách nhiệm của chúng ta, của Đảng, Nhà nước và các cấp là phải tìm mọi cách giảm thiểu thiệt hại, không để thiệt hại quá lớn xảy ra. Đặc biệt, không để đói, không để bệnh tật, không để tái nghèo, nhất là đảm bảo nước uống cho dân. Trên tinh thần như vậy, tôi đề nghị các đồng chí rà soát lại các công việc liên quan, đi sát thêm cơ sở, sát dân, chủ động kiểm tra, đánh giá, hỗ trợ, khắc phục tốt nhất, hạn chế nhiều nhất thiệt hại ở những vùng hạn hán xảy ra”...

Minh Tân