Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng chống tham nhũng, mang lại niềm tin trong nhân dân
* Phát hiện vi phạm hơn 97,4 nghìn tỷ đồng
(Cadn.com.vn) - Dự và chỉ đạo Hội nghị trực tuyến tổng kết công tác thanh tra năm 2015 và triển khai nhiệm vụ công tác năm 2016, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: Năm 2016 là năm đầu thực hiện Kế hoạch phát triển KT-XH 5 năm (2016-2020) gắn với những sự kiện trọng đại của đất nước. Ngành Thanh tra cần bám sát sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ và lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương để xây dựng và triển khai thực hiện có hiệu quả công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng và xây dựng ngành, góp phần giữ vững ổn định tình hình an ninh - chính trị, trật tự an toàn xã hội và tập trung phát triển KT-XH. Phó Thủ tướng cũng lưu ý ngành Thanh tra cần thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng chống tham nhũng, bởi đây là nhiệm vụ khó khăn, cần phải kiên trì, bền bỉ và quyết liệt để tạo sự chuyển biến tích cực và mang lại niềm tin trong nhân dân; thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp phòng ngừa; nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra, hướng dẫn việc thực hiện các quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng.
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo Hội nghị. |
Báo cáo tại Hội nghị cho biết, năm 2015, toàn ngành đã triển khai 6.527 cuộc thanh tra hành chính và 243.661 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành. Qua thanh tra đã chấn chỉnh quản lý, hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật trên nhiều lĩnh vực; phát hiện vi phạm 97.423 tỷ đồng, 16.457 ha đất; trong đó, kiến nghị thu hồi về ngân sách Nhà nước 82.104 tỷ đồng và 6.714 ha đất (đã thu hồi 16.223 tỷ đồng, 316 ha đất); xuất toán, loại khỏi giá trị quyết toán và đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét xử lý 15.319 tỷ đồng, 9.743 ha đất; kiến nghị xử lý hành chính đối với 1.683 tập thể; ban hành 161.633 quyết định xử phạt vi phạm hành chính tổ chức, cá nhân với số tiền 11.460 tỷ đồng; chuyển cơ quan điều tra xử lý hình sự 67 vụ, 74 đối tượng. Bên cạnh đó, toàn ngành đôn đốc 3.365 kết luận và quyết định xử lý về thanh tra, thu hồi 2.825,5/4.845 tỷ đồng (đạt 58,3%); 7.141/10.038 ha đất (đạt 71%), đôn đốc xử lý 688 tập thể, 1.619 cá nhân, chuyển cơ quan chức năng khởi tố 40 vụ, 133 đối tượng.
Trong công tác tiếp công dân, các cơ quan hành chính nhà nước các cấp đã tiếp 385.526 lượt công dân (giảm 1,5% so với năm 2014) với 188.340 vụ việc; có 5.174 đoàn đông người (tăng 6,2%); tiếp nhận, xử lý 252.108 đơn thư; có 41.782 đơn khiếu nại, tố cáo; giải quyết 26.870/32.050 vụ việc khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền, đạt 84%.
Bên cạnh những kết quả đạt được cũng còn một số tồn tại, hạn chế: Chất lượng một số kết luận thanh tra còn chưa cao; không ít cuộc thanh tra còn kéo dài khi xây dựng báo cáo và kết luận thanh tra; kết quả phát hiện, xử lý vi phạm qua thanh tra trách nhiệm trong thực hiện pháp luật về thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng vẫn còn thấp. Công tác quản lý Nhà nước về khiếu nại, tố cáo còn hạn chế; việc triển khai Luật tiếp công dân ở một số địa phương còn chậm, một số thủ trưởng cơ quan Nhà nước chưa trực tiếp tiếp công dân theo quy định. Việc phát hiện hành vi tham nhũng còn yếu, số vụ việc tham nhũng ngành Thanh tra phát hiện tuy đã tăng nhưng còn ít so với thực tế; tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng chưa cao; việc nắm bắt thông tin về quản lý Nhà nước đối với công tác phòng, chống tham nhũng còn hạn chế nhất định...
Năm 2016, ngành Thanh tra sẽ tiếp tục tăng cường thanh tra trách nhiệm công tác quản lý nhà nước của các cấp, các ngành trên các lĩnh vực quản lý; chú trọng thanh tra đột xuất khi có dấu hiệu vi phạm pháp luật, thanh tra lại theo đúng quy định pháp luật; đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra việc xây dựng và thực hiện kế hoạch thanh tra; nâng cao hiệu quả công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo bảo đảm an ninh, trật tự nhất là trong thời điểm diễn ra Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII và bầu cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2020. Đồng thời, toàn ngành sẽ nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra, hướng dẫn việc thực hiện các quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng; tăng cường phối hợp với các cơ quan kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử trong phát hiện, xử lý hành vi tham nhũng, thu hồi tài sản do tham nhũng, góp phần thực hiện có hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng ở các cấp, các ngành.
P.H