Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh: Tiếp tục đẩy mạnh phong trào xây dựng nông thôn mới
* Còn 5 địa phương “trắng” xã nông thôn mới
(Cadn.com.vn) - Ngày 8-7, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới chủ trì cuộc họp đánh giá kết quả thực hiện phong trào xây dựng nông thôn mới 6 tháng đầu năm và nhiệm vụ những tháng cuối năm 2015.
Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh chủ trì cuộc họp. |
CẦN THÊM 15.000 TỶ ĐỒNG
Theo Bộ NN&PTNT – Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, 6 tháng đầu năm 2015, phong trào xây dựng nông thôn mới tiếp tục được đẩy mạnh trên khắp cả nước.
Các địa phương đã cố gắng chỉ đạo đạt mục tiêu, kế hoạch đề ra (20% số xã đạt chuẩn nông thôn mới); đồng thời chủ động triển khai cơ chế chính sách nhằm đẩy nhanh tiến độ và hiệu quả thực hiện Chương trình. Đến nay, đã có 889 xã và 5 huyện được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, gồm: Xuân Lộc, Xuân Long (Đồng Nai), Đông Triều (Quảng Ninh), Củ Chi (TPHCM), Hải Hậu (Nam Định). Bình quân mỗi xã đạt 11,56 tiêu chí, tăng 6,7 tiêu chí so với năm 2011.
Tuy nhiên, kết quả đạt được về xây dựng nông thôn mới ở một số nơi còn thiếu bền vững do thu nhập, đời sống của người dân ở một số vùng còn khó khăn. Sự chênh lệch giữa các vùng về xây dựng nông thôn mới có chiều hướng gia tăng. Một số địa phương chưa chủ động triển khai thực hiện cơ chế chính sách; kiện toàn tổ chức bộ máy và có biểu hiện chạy theo thành tích. Đặc biệt, vẫn còn 5 tỉnh (Điện Biên, Sơn La, Cao Bằng, Bắc Kạn, Đắc Nông) “trắng” xã nông thôn mới.
Tại cuộc họp, các đại biểu đề nghị cần bổ sung kế hoạch 15.000 tỷ đồng cho năm 2015 để có nguồn lực thúc đẩy Chương trình đạt mục tiêu giai đoạn 2010 – 2015 (20% số xã đạt chuẩn); tăng cường hỗ trợ các xã khó khăn và những xã phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới năm 2015; tổ chức biểu dương, khen thưởng doanh nghiệp có nhiều đóng góp xây dựng nông thôn mới; đẩy mạnh công tác tuyên truyền phong trào xây dựng nông thôn mới trong những tháng cuối năm 2015...
Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh khẳng định, phong trào xây dựng nông thôn mới tiếp tục được duy trì và có một bước phát triển vượt bậc. Phó Thủ tướng chỉ rõ một số tồn tại, hạn chế trong phong trào xây dựng nông thôn mới như: Hiện nay, vẫn còn có tỉnh chưa có xã nào đạt nông thôn mới, để làm mô hình nhân rộng và tạo niềm tin cho người dân. Trong số 11 xã được Trung ương chọn làm điểm về xây dựng nông thôn mới, đến nay vẫn có xã chưa đạt. Một số vùng vẫn đạt tiêu chí nông thôn mới còn thấp, đặc biệt là những vùng khó khăn về điều kiện sản xuất, điều kiện tự nhiên...
DỒN LỰC HOÀN THÀNH MỤC TIÊU
Về nhiệm vụ 6 tháng cuối năm, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh yêu cầu Ban Chỉ đạo tích cực hơn nữa trong việc đôn đốc, kiểm tra, chỉ đạo các địa phương đẩy nhanh tốc độ, dồn lực hoàn thành mục tiêu (cuối năm 2015, có 20% số xã đạt chuẩn nông thôn mới); quan tâm hỗ trợ, hướng dẫn các địa phương còn nhiều khó khăn đang đạt kết quả thấp, nhất là đối với 5 tỉnh còn “trắng” xã nông thôn mới.
Ban Chỉ đạo tiếp tục nghiên cứu, đề xuất cơ chế, chính sách, giải pháp đẩy nhanh tiến độ, chất lượng xây dựng nông thôn mới các vùng khó khăn; giải pháp tạo động lực cho các xã đã đạt chuẩn tiếp tục phấn đấu xây dựng nông thôn mới; hoàn thiện kế hoạch trung hạn 2016 - 2020 trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; sửa đổi bổ sung bộ tiêu chí; chỉ thị về tiếp tục nâng cao chất lượng các tiêu chí đối với các xã sau khi đạt chuẩn. Bên cạnh đó, Ban Chỉ đạo sớm hoàn thành kế hoạch tổng kết phong trào xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011- 2015; phương án khen thưởng các Bộ, ngành, đoàn thể Trung ương và địa phương có thành tích xuất sắc trong xây dựng nông thôn mới nhân dịp sơ kết giai đoạn 2010-2015 trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt...
Đối với kế hoạch trung hạn thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2020, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh yêu cầu phấn đấu có 50% số xã đạt chuẩn; mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có ít nhất 1 huyện đạt chuẩn. Đồng thời, 5 năm tới, sẽ cơ bản hoàn thành các công trình thiết yếu đáp ứng yêu cầu phát triển sản xuất và đời sống của cư dân nông thôn; nâng cao chất lượng cuộc sống của cư dân nông thôn.
Thu Thủy