Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ: Chính phủ tìm mọi biện pháp để hỗ trợ doanh nghiệp

Thứ bảy, 04/06/2016 08:01

(Cadn.com.vn) - Chiều 3-6, tại Hà Nội, Hội Doanh nhân Trẻ Việt Nam phối hợp cùng các đơn vị hữu quan tổ chức Phiên toàn thể lần thứ nhất Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam năm 2016. Ông Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ đến dự, chủ trì phiên họp và phát biểu chỉ đạo.

Với chủ đề “Thách thức, giải pháp và lợi thế cạnh tranh cho doanh nghiệp tư nhân Việt Nam”, Diễn đàn thảo luận 10 chủ đề bao trùm 7 ngành (Kinh tế số, Nông nghiệp, Dạy nghề, Phân phối và Logistics, Thị trường tài chính và Huy động vốn, Công nghiệp phụ trợ, Năng lượng sạch và Tiết kiệm năng lượng) và 3 lĩnh vực (Hội nhập và Toàn cầu hóa, Khởi nghiệp và Sáng tạo, Cụm liên kết ngành).

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ gặp mặt 100 doanh nhân trẻ khởi nghiệp xuất sắc năm 2016.

Tập trung chăm lo lượng doanh nghiệp hiện có

Hoan nghênh sáng kiến tổ chức Diễn đàn kinh tế tư nhân Việt Nam 2016 của Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh Diễn đàn có đóng góp quan trọng để Chính phủ lắng nghe trực tiếp những ý kiến của đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân, từ đó tiếp thu và trình với Quốc hội các chủ trương, chính sách để hỗ trợ phát triển khu vực kinh tế, doanh nghiệp tư nhân, đặc biệt là xây dựng, ban hành Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa. 

Hiện nay có 900.000 doanh nghiệp Việt Nam đăng ký kinh doanh nhưng thực tế chỉ có khoảng 520.000 doanh nghiệp đang hoạt động. Với mục tiêu đạt 1 triệu doanh nghiệp Việt Nam đến năm 2020, Chính phủ sẽ tập trung chăm lo lượng doanh nghiệp hiện có; hỗ trợ, đẩy mạnh phong trào khởi nghiệp quốc gia; hỗ trợ trực tiếp các doanh nghiệp khởi nghiệp; hướng đến xây dựng hệ thống doanh nghiệp tư nhân Việt Nam phát triển nhanh và bền vững bên cạnh những thành phần kinh tế khác.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ chỉ rõ: Nghị quyết Đại hội XII của Đảng đã khẳng định kinh tế tư nhân là động lực quan trọng trong phát triển kinh tế của đất nước. Môi trường kinh doanh cho doanh nghiệp tư nhân đã và đang liên tục được cải thiện với nhiều chính sách khuyến khích, hỗ trợ như Nghị quyết số 19-2016/NQ-CP của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia hai năm 2016 - 2017, định hướng đến năm 2020; Nghị quyết số 35/NQ-CP của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020... Với tinh thần đó, Chính phủ sẽ nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, thông thoáng, đảm bảo sự bình đẳng giữa các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế; đồng thời tăng cường năng lực cạnh tranh quốc gia của Việt Nam trên thị trường quốc tế.

Đại diện Ban Tổ chức, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam Bùi Văn Quân cho biết, tại diễn đàn, hơn 500 doanh nghiệp tư nhân Việt Nam cùng nhau trao đổi để đánh giá khách quan thực trạng và nội lực của khu vực kinh tế tư nhân, qua đó tìm ra tiếng nói chung về những khó khăn, thách thức cũng như cơ hội và lợi thế mà khối doanh nghiệp tư nhân đã và đang phải đối mặt. Trên cơ sở đó, Diễn đàn Kinh tế Tư nhân tập hợp và đề xuất các giải pháp chiến lược cho phát triển kinh tế tư nhân tại Việt Nam, cũng như thiết lập cơ chế đối thoại thường xuyên trên tinh thần hợp tác giữa khu vực kinh tế tư nhân với Chính phủ và các đối tác trong, ngoài nước để hướng tới sự phát triển bền vững của khu vực kinh tế tư nhân Việt Nam trong giai đoạn phát triển mới.

Khuyến nghị cơ quan chức năng, ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Công ty Cổ phần FPT mong muốn Chính phủ tạo điều kiện thuận lợi để phát triển các mô hình doanh nhân, doanh nghiệp khởi nghiệp; Tạo thuận lợi cho các thủ tục doanh nghiệp và tăng cường số hóa quy trình quản lý hành chính điện tử; tiếp tục đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục để tạo nguồn nhân lực sáng tạo cho kinh tế và xã hội, sẵn sàng với cách mạng số là nguồn sáng tạo ra các giá trị cho xã hội; tăng cường xúc tiến, kêu gọi các quỹ đầu tư mạo hiểm cho các doanh nghiệp khởi nghiệp có sự tham gia của Nhà nước, doanh nghiệp và tổ chức quốc tế.

Thủ tướng chỉ đạo kiểm tra đơn kêu cứu khẩn cấp của Viet Foods

Bộ Công Thương chủ trì, cùng Bộ Y tế và UBND TP Hà Nội khẩn trương kiểm tra, xem xét, giải quyết nội dung phản ánh, kiến nghị của Cơ sở kinh doanh và chế biến thực phẩm Việt (Viet Foods). Đây là chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc được Văn phòng Chính phủ truyền đạt tại Công văn 4287/VPCP-KGVX. Trước đó, ngày 19-5, Thủ tướng Chính phủ nhận được đơn kêu cứu khẩn cấp của Viet Foods về việc Đội quản lý thị trường số 14 Hà Nội lạm quyền, tùy tiện kiểm tra, tạm giữ và thông tin cho các cơ quan báo chí sản phẩm mang nhãn hiệu Viet Foods chứa chất cấm, gây ung thư không có căn cứ pháp luật, gây tổn hại đến thương hiệu và thiệt hại cho nhà sản xuất.

TTXVN

Phải đi trên đôi chân của mình

Cùng ngày, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ gặp mặt 100 doanh nhân trẻ khởi nghiệp xuất sắc năm 2016. Nhiều ý kiến, tâm tư nguyện vọng đã được các doanh nhân trẻ gửi gắm tại cuộc gặp mặt của Phó Thủ tướng, đặc biệt là những kiến nghị trong lĩnh vực thuế. Các doanh nghiệp phàn nàn về việc phải đau đầu đối phó với thuế một cách tốt nhất để không xảy ra sai phạm về thuế và mong Chính phủ đưa ra chính sách thuế hỗ trợ doanh nghiệp một cách tốt nhất. Nhiều doanh nhân trẻ đề nghị Chính phủ tạo sân chơi lành mạnh giữa các doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp Nhà nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. 

Cảm ơn các ý kiến đóng góp hết sức thẳng thắn, tâm huyết trên nhiều lĩnh vực, Phó Thủ tướng nhấn mạnh chủ trương của Đảng, Nhà nước là coi mọi thành phần kinh tế đều quan trọng, khuyến khích các thành phần kinh tế cạnh tranh bình đẳng với nhau, tôn trọng quyền tự do kinh doanh của mọi công dân, mọi doanh nghiệp. Chính phủ tìm mọi biện pháp để hỗ trợ doanh nghiệp, khởi sự doanh nghiệp, coi doanh nghiệp tư nhân là một động lực quan trọng để phát triển đất nước. Chính phủ đã chuẩn bị trình Quốc hội Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa. 

Vấn đề khởi nghiệp, Phó Thủ tướng cho rằng để có được 1 triệu doanh nghiệp vào năm 2020 theo Nghị quyết số 35/NQ-CP, phải phát triển cả về số lượng và chất lượng. Doanh nghiệp muốn phát triển được phải có khát vọng, phải đổi mới và sáng tạo. Đánh giá các doanh nhân trẻ xuất sắc năm 2016 về dự buổi gặp mặt là những người sáng tạo nhất, xuất sắc nhất trong số những người sáng tạo, xuất sắc, Phó Thủ tướng mong muốn những tấm gương khởi nghiệp này sẽ được nhân lên thành triệu tấm gương. Chính phủ sẽ có thể chế chính sách để hỗ trợ quá trình khởi nghiệp bằng cách phát triển công cụ chính sách như quỹ khởi nghiệp, quỹ đầu tư mạo hiểm... Chính phủ sẽ làm hết sức mình, sẽ xây dựng bộ tiêu chí đánh giá xếp hạng các địa phương trong việc hỗ trợ phát triển doanh nghiệp tư nhân –  Phó Thủ tướng cho biết. 

Nhắn nhủ doanh nghiệp nhỏ muốn thành doanh nghiệp lớn phải có chí lớn hơn, phải đổi mới sáng tạo hơn, Chính phủ sẽ đồng hành với doanh nghiệp, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng các nguyên tắc hỗ trợ doanh nghiệp phát triển đều theo nguyên tắc không phân biệt đối xử, nguyên tắc thị trường và chỉ cho người chiến thắng. Tham gia thị trường, doanh nghiệp phải đi bằng đôi chân của chính mình trên cơ sở một doanh nghiệp chân chính, phải nỗ lực, đổi mới và sáng tạo, phải liên kết với nhau, giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp, giữa các hiệp hội, ngành hàng. Phó Thủ tướng cũng yêu cầu các doanh nhân trẻ chăm lo đến đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động, coi người lao động là tài sản của doanh nghiệp, xây dựng quan hệ hài hòa, ổn định, tiến bộ trong doanh nghiệp.

Thu Thủy