Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ: “Giải ngân vốn đầu tư công đã là áp lực nội tại của Chính phủ rồi”
Ngày 19-8, tại cuộc họp với một số bộ, ngành và lãnh đạo hai thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh để đốc thúc tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ phê bình Bộ Kế hoạch và Đầu tư chậm trễ trong tổng hợp, tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ giao vốn đầu tư công, đồng thời không báo cáo cụ thể các nguyên nhân chậm giao vốn và giải pháp khắc phục.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết, tình hình giải ngân vốn đầu tư công “cấp bách nóng bỏng”, là lực nội tại của Chính phủ. |
Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Văn Hiếu, trong 7 tháng qua, cả nước giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công ước đạt 134.494 tỷ đồng, đạt 31,32% so với kế hoạch Quốc hội giao, thấp nhất trong cùng kỳ những năm gần đây. Trong đó, tỷ lệ giải ngân vốn trong nước cũng thấp, chỉ đạt 35% kế hoạch Quốc hội giao. Đặc biệt, tỷ lệ giải ngân vốn vay từ nước ngoài rất thấp, chỉ đạt 8,6% kế hoạch của năm. Nguyên nhân chủ yếu là do một số bộ, ngành, địa phương chưa chủ động, tích cực trong chỉ đạo triển khai và một phần do các dự án, gói thầu mới cần được thực hiện theo trình tự, thủ tục quy định của pháp luật về đấu thầu, xây dựng, đất đai...
Không chỉ giải ngân vốn chậm, hiện nay vẫn còn hơn 35.000 tỷ đồng chưa được Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp nhu cầu của các bộ, ngành, địa phương để trình Thủ tướng Chính phủ giao vốn, trong khi theo kế hoạch, việc này phải hoàn thành trong tháng 5-2019 (vốn ngân sách trung ương là gần 16.500 tỷ đồng, vốn trái phiếu Chính phủ là hơn 4.200 tỷ đồng và vốn nước ngoài là hơn 14.300 tỷ đồng). Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Vũ Đại Thắng, trong số vốn chưa giao này, có 9.900 tỷ đồng chưa giao cho Tập đoàn Dầu khí và Vietel do các dự án của các đơn vị này chưa hoàn thiện thủ tục theo quy định của Luật Đầu tư công; 2.400 tỷ đồng chưa giao cho các dự án thuộc Chương trình mục tiêu phát triển kinh tế xã hội của các vùng do tháng 9-2018 Kiểm toán nhà nước kiến nghị không giao vốn vì không đúng với Quyết định số 1256/QĐ-TTg về phê duyệt Chương trình này...
Thẳng thắn phê bình Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nói: “Tình hình cấp bách nóng bỏng. Giải ngân vốn đầu tư công đã là áp lực nội tại của Chính phủ rồi. Chính phủ đã ban hành 2 Nghị quyết, Thủ tướng Chính phủ đã ra Chỉ thị và nhiều thông báo kết luận cuộc họp chuyên đề của Phó Thủ tướng về vấn đề này nhưng giải ngân còn chậm hơn cả cùng kỳ các năm trước. Các đồng chí có thấy vô cảm không?”, Phó Thủ tướng gay gắt.
Nhấn mạnh các yếu kém trong quản lý đầu tư của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, yếu kém của các bộ, ngành địa phương trong thực hiện các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ là vấn đề nghiêm trọng phải được xóa bỏ, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Thủ tướng Chính phủ phân bổ hết 35.000 tỷ đồng vốn chưa giao trong tháng 8 này; trước 30-9-2019 trình Thủ tướng Chính phủ việc hủy kế hoạch giao vốn với các bộ, ngành, địa phương, chủ đầu tư dự án “không chịu” giải ngân; trước 10-10-2019 báo cáo Thủ tướng việc điều chỉnh kế hoạch giải ngân vốn từ dự án chậm tiến độ sang dự án đang cần vốn và có tiến độ giải ngân cao, từ các bộ, ngành và địa phương có tỷ lệ giải ngân thấp sang các bộ, ngành có nhu cầu bổ sung vốn và tỷ lệ giải ngân cao; rà soát, tính toán kế hoạch đầu tư công năm 2020 sát thực tế từng bộ, ngành địa phương.
Bộ Tài chính công khai tình hình giải ngân của từng bộ, ngành, địa phương, chủ đầu tư dự án; chủ động kiểm soát, thống kê số liệu giao vốn tại Kho bạc nhà nước, tháo gỡ khó khăn về đàm phán vốn vay nước ngoài và phối hợp giao vốn, điều chỉnh vốn vay của các bộ, ngành, địa phương.
Phó Thủ tướng giao Văn phòng Chính phủ chủ trì soạn thảo Công điện của Thủ tướng Chính phủ về đốc thúc đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công và cho biết ngày 15-9 tới, Chính phủ sẽ họp trực tuyến toàn quốc về vấn đề này.
THANH VÂN
Hoàn thành việc sắp xếp và đổi mới 161 công ty nông, lâm nghiệp Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT), cả nước đã hoàn thành việc sắp xếp, đổi mới 69/120 Cty nông nghiệp, đạt tỷ lệ 57,5%. Đối với các Cty lâm nghiệp đã hoàn thành sắp xếp, đổi mới 92/135 Cty, đạt tỷ lệ 68,15%. Kết quả trên cho thấy việc sắp xếp, đổi mới các Cty nông, lâm nghiệp (cổ phần hóa, thành lập Cty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên, giải thể...) còn kéo dài, chậm tiến độ. Theo Bộ NN&PTNT, những công ty nông, lâm nghiệp sau khi sắp xếp lại, bước đầu sản xuất kinh doanh đã dần ổn định hơn. Đặc biệt với mô hình cổ phần hóa các chỉ tiêu doanh thu, lợi nhuận đều tăng và hiệu quả sản xuất kinh doanh hơn trước khi chuyển đổi. Điển hình như Cty cổ phần Chè Phong Hải, Cty cổ phần Chè Thanh Bình thuộc tỉnh Lào Cai, Cty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Nông công nghiệp Sông Hiếu thuộc tỉnh Nghệ An... Các doanh nghiệp sau khi sắp xếp một số đơn vị đã xử lý được tồn tại về tài chính, tranh chấp, lấn chiếm đất đai. Định hướng, chiến lược sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp đã cụ thể và sát thực với tình hình thực tế hơn, hoạt động ổn định, bảo toàn được vốn chủ sở hữu, quản lý bảo vệ rừng tốt lên. P.V |