"Phố ung thư" giữa lòng Đà Nẵng (Kỳ 1: Cận cảnh "phố ung thư"!)

Thứ năm, 23/08/2018 17:00

5 năm qua, khu dân cư Trung Bình A và Trung Bình B (P. Thạc Gián, Q. Thanh Khê, Đà Nẵng) được nhiều người đặt tên là "phố ung thư" hay "xóm góa phụ" bởi có gần 40 người mắc bệnh ung thư, đến nay rất nhiều người trong số đó đã chết. Điều đáng nói, trong khi người dân đang rất hoang mang, lo lắng "cầu cứu" thì ngành chức năng thành phố vẫn chưa có động thái quyết liệt để tìm nguyên nhân, trả lời cho câu hỏi vì sao nơi đây lại có nhiều người mắc ung thư đến vậy!

Tại KDC Trung Bình A và Trung Bình B hiện vẫn còn rất nhiều giếng nước, "chứng tích" một thời gian dài người dân sử dụng nguồn nước này.

Hai KDC này còn nằm sát cạnh hồ công viên 29-3, từng là bãi rác của thành phố!

Một ngày giữa tháng 8-2018, theo phản ánh của người dân, chúng tôi tìm đến "phố ung thư" Trung Bình A và Trung Bình B. Phía bên ngoài đường Phan Thanh-"mặt tiền" của hai khu dân cư này vốn tấp nập người qua lại, hàng quán buôn bán sầm uất cũng không che khuất vẻ đìu hiu, cô tịch, cảm giác như có gì đó u ám đang bao phủ. Hẻm 74 dẫn vào trung tâm hai khu dân cư sâu hun hút. Nếu không có sự dẫn đường của chị Phạm Hồng Bích, Phó Chủ tịch Hội LHPN P. Thạc Gián, chúng tôi sẽ rất khó tìm được nhà của ông N.V.H. (1965), trú tổ 22 - người đang hằng ngày phải chứng kiến vợ mình chống chọi với căn bệnh ung thư vú. Khi được hỏi về bệnh tình của vợ, phần vì không muốn khơi lại nỗi buồn, phần vì ốm đau bệnh tật (ông H. mất sức lao động đã 10 năm nay) nên ông rất kiệm lời. Cũng may có chị Bích, người hiểu rất rõ về hoàn cảnh gia đình ông H. nên chúng tôi mới nắm được chút ít thông tin.

Vợ chồng ông H. có một con gái vừa thi đỗ Trường ĐH Kinh tế Đà Nẵng. Niềm vui ấy cũng đi đôi với nỗi lo âu của cả gia đình bởi không biết xoay xở vào đâu để lo cho con gái đi học. Ngay cả ngôi nhà đang ở cũng nhờ vào sự hỗ trợ từ MTTQVN phường mới được sửa chữa vào cuối năm 2017 vừa qua...Dù đang mang trọng bệnh nhưng hàng ngày, bà B. vẫn phải thức dậy từ 3 giờ sáng để nấu bún, mờ sáng đạp xe chở đến bán tại một con hẻm ở khu Vĩnh Trung. "Cả gia đình chỉ trông chờ vào gánh bún của bà, may mắn lắm ngày kiếm được 100 ngàn tiền lãi, còn không thì phải ăn bún thay cơm", chị Bích tâm sự. Nếu không mắc bệnh hiểm nghèo, cuộc sống của gia đình bà B. chưa hẳn sung túc nhưng không đến nỗi túng quẫn như bây giờ... 3 năm trước, khi thấy trong người không được khỏe, bà B. đến bệnh viện kiểm tra thì phát hiện mình bị mắc ung thư vú. Cũng may phát hiện sớm nên cơ hội can thiệp bằng phẫu thuật vẫn còn, dù vậy, bà B vẫn suy sụp tinh thần. Sau thời gian được gia đình, người thân động viên, bà B. gắng gượng vượt qua. Động lực lớn hơn giúp bà tin vào một phép mầu là đứa con gái học giỏi, chăm ngoan, năm nay lại bước chân vào giảng đường đại học...

Ông H. lo lắng về bệnh tình của vợ mình.

Cách nhà ông H. chỉ vài bước chân là nhà của bà V.T.H (48 tuổi), trú tổ 23 (khu Trung Bình B). Hằng ngày bà H. đi bán bánh rán dạo nhưng hôm ấy bà H. ở nhà nên chúng tôi được gặp, nghe bà thổ lộ hoàn cảnh bi đát của mình. Con gái bà H. là N.T.T.T (20 tuổi)  đang mắc bệnh ung thư. "Tôi sẵn sàng nhận lấy bệnh tật, ốm đau về mình để con được khỏe mạnh, bình thường nhưng điều ấy là không thể", bà H. lau vội giọt nước mắt, nghẹn ngào nói. "Mong muốn lớn nhất của không chỉ gia đình tôi lúc này là các cơ quan chức năng cần nhanh chóng vào cuộc tìm hiểu nguyên nhân vì sao tại khu dân cư này có nhiều người mắc ung thư đến vậy. Bởi người dân nơi đây đang rất hoang mang khi mỗi năm lại phải chứng kiến thêm nhiều người mắc bệnh mới, không ít người phải... ra đi. Chúng tôi đã nhiều lần phản ánh lên các cấp chính quyền nhưng đến nay vẫn chưa có câu trả lời thỏa đáng!", bà H. lo lắng nói.

Không chỉ xác tín, thừa nhận thông tin trên là đúng sự thật, ông Nguyễn Hữu Kim Sơn, Chủ tịch UBND P. Thạc Gián còn "cập nhật" một danh sách chi tiết của 38 trường hợp mắc bệnh ung thư, cả tên tuổi, thời gian phát hiện và còn sống hay đã mất. Điều làm chúng tôi bàng hoàng hơn khi ông Sơn chỉ rõ, trong số 38 trường hợp mắc ung thư có nhiều trường hợp trong cùng một gia đình. Như gia đình ông V.T có vợ mắc ung thư vú (mất cách đây 5 năm), còn ông T. mắc bệnh ung thư vòm họng (mất năm 2018); hay như trường hợp hai anh em ruột là ông T.V.N và T.V.C, nhà ở sát cạnh nhau đều cùng mắc bệnh ung thư vòm họng, mất năm 2014; thậm chí có gia đình có đến 4-5 người là anh em, cậu cháu mắc bệnh ung thư, chủ yếu là ung thư vú, ung thư vòm họng và ung thư phổi... "Kể ra thì buồn khi nhiều người ví khu dân cư Trung Bình A và Trung Bình B là xóm góa phụ, nhưng sự thật thì không thể khác khi có khoảng 20 người phụ nữ mất chồng vì ung thư", ông Sơn buồn bã nói.

Theo ông Sơn, khu dân cư Trung Bình A và Trung Bình B định cư ổn định trên địa bàn phường từ trước giải phóng. Khoảng những năm 94-95 về trước, người dân trong khu dân cư chủ yếu sử dụng chung nước giếng. Và điều đáng lưu tâm là nước giếng tại hai KDC này nằm sát cạnh hồ công viên 29-3, nguyên thủy là bãi rác lớn nhất thành phố! Trước tình trạng trên, ông Sơn một lần nữa đề nghị các ngành chức năng thành phố cần vào cuộc quyết liệt để tìm nguyên nhân, có câu trả lời thỏa đáng vì sao có nhiều người dân tại hai khu dân cư này mắc bệnh ung thư. "Hiện chính quyền và người dân đang rất hoang mang", ông Sơn nói.

(còn nữa)

DOÃN HÙNG