Phối hợp xử lý nghiêm minh các loại tội phạm

Thứ hai, 14/04/2014 11:18

(Cadn.com.vn) - Hiện nay, mối quan hệ giữa Cơ quan CSĐT, Viện KSND, TAND được thực hiện trên những văn bản là Bộ luật Tố tụng hình sự, một số thông tư liên ngành và văn bản hướng dẫn của T.Ư. Tuy nhiên, những văn bản này chưa quy định rõ trách nhiệm phối hợp của các bên hoặc có quy định trách nhiệm nhưng không có sự ràng buộc trách nhiệm pháp lý nào nên rất khó cụ thể hóa tại địa phương. Vấn đề này đã được 3 ngành thuộc địa bàn Q.Thanh Khê thể hiện qua Quy chế phối hợp liên ngành về tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố và điều tra, truy tố, xét xử vụ án hình sự. Dưới đây là ý kiến của những người trong cuộc.

Ông Trần Quốc Cường, Phó Chánh án TAND Q.Thanh Khê:

Thực hiện Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị về một số nhiệm vụ trọng tâm công tác tư pháp nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác phối hợp giữa các cơ quan tiến hành tố tụng trên địa bàn Q.Thanh Khê trong quá trình điều tra, xét xử các vụ án hình sự, đẩy mạnh công tác đấu tranh PCTP, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp, các cơ quan tư pháp Q. Thanh Khê đã có sự phối hợp chặt chẽ trên mọi mặt để kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm minh các loại tội phạm, góp phần giữ vững ANCT, TTATXH trên địa bàn.

Đối với những vụ án có tính chất phức tạp, đã có sự phối hợp chặt chẽ, trao đổi trước khi khởi tố nên đều được khởi tố, điều tra, truy tố và xét xử đúng pháp luật, không có vụ nào oan, sai, bỏ lọt tội phạm. Trong giai đoạn chuẩn bị xét xử đã có sự phối kết hợp chặt chẽ giữa Thẩm phán và Kiểm sát viên. Qua nghiên cứu hồ sơ nếu có quan điểm khác nhau về điều luật, tội danh trong Cáo trạng thì Thẩm phán chủ động trao đổi với Kiểm sát viên để thống nhất giải quyết.

Giữa Viện Kiểm sát và Tòa án đã tổ chức được nhiều phiên tòa xét xử theo tinh thần cải cách tư pháp, qua đó rút kinh nghiệm nhằm nâng cao chất lượng tranh tụng tại phiên tòa. Quá trình xét xử sơ thẩm, có những vụ phát sinh tình tiết mới tại phiên tòa chứng minh bị cáo ngoài tội danh Viện Kiểm sát đã truy tố hoặc còn phạm tội khác, có đồng phạm... đều có sự phối hợp tốt giữa Kiểm sát viên và Thẩm phán nên không xảy ra tình trạng VKS truy tố, TAND tuyên bị cáo không phạm tội.

 

Kiểm sát viên Trần Văn Hòa (Viện KSND Q.Thanh Khê):

Từ đầu năm 2013 đến nay, giữa Cơ quan điều tra (CQĐT) và VKS đã có sự phối hợp chặt chẽ giữa ĐTV và KSV thông qua việc thống nhất quan điểm bằng biên bản trước khi CQĐT khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam, tạm giam. Các yêu cầu bổ sung tài liệu chứng cứ của VKS đều được CQĐT chấp nhận thực hiện đúng theo quy định của Thông tư 05, đã hạn chế tối đa VKS ra quyết định từ chối hoặc hủy bỏ các quyết định tố tụng của CQĐT. Các vụ án có sự trao đổi trước khi khởi tố đều được khởi tố, điều tra, truy tố và xét xử đúng pháp luật, không có vụ nào oan, sai.

Sự phối hợp giữa VKS và CQĐT được lãnh đạo 2 ngành tăng cường chỉ đạo và quán triệt thực hiện đúng tinh thần của Thông tư liên tịch số 01/2010/TTLT-VKSNDTC-BCA-TANDTC. Qua đó, tất cả các vụ án hình sự trước khi kết thúc điều tra vụ án ít nhất 10 ngày, ĐTV và KSV đều có sự phối hợp để đánh giá chứng cứ, tài liệu thu thập bằng văn bản. Nếu KSV phát hiện còn thiếu chứng cứ, vi phạm thủ tục tố tụng hoặc còn bỏ lọt tội phạm thì kịp thời yêu cầu ĐTV bổ sung, khắc phục trong giai đoạn điều tra; đảm bảo khi hồ sơ chuyển truy tố không phải trả lại yêu cầu điều tra bổ sung vì thiếu chứng cứ.

Sự tăng cường phối hợp giữa 3 ngành còn được thể hiện tích cực hơn thông qua việc thường xuyên tổ chức các cuộc họp liên ngành hoặc tiến hành mời 3 ngành cấp trên tham dự họp bàn thống nhất giải quyết vướng mắc trong việc đánh giá chứng cứ, định tội danh, thẩm quyền giải quyết đảm bảo giải quyết vụ án kịp thời, đúng các quy định của pháp luật. Qua đó, các tồn tại, thiếu sót của các cơ quan tố tụng được chỉ rõ và rút ra nhiều bài học kinh nghiệm trong công tác xử lý các vụ án khác. Việc phối hợp này trong thời gian qua đã phát huy hiệu quả thiết thực trong quá trình giải quyết các vụ án hình sự, đảm bảo các vụ án được giải quyết khách quan, toàn diện, không để xảy ra oan sai, bỏ lọt tội phạm; không có trường hợp Tòa án tuyên bị cáo không phạm tội.

 

Thiếu tá Phan Duy Thạch, ĐTV Cơ quan CSĐT CAQ Thanh Khê:

Trong thời gian vừa qua, công tác phối hợp giữa các cơ quan tiến hành tố tụng Q.Thanh Khê được tiến hành thường xuyên, chặt chẽ và đã phát huy tác dụng thiết thực trong quá trình giải quyết vụ án hình sự từ công tác khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi, điều tra thu thập chứng cứ giữa Cơ quan CSĐT và Viện Kiểm sát. Tất cả các trường hợp khám nghiệm theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự phải có sự tham gia của KSV đều được ĐTV kịp thời thông báo, đảm bảo sự tham gia giám sát hoạt động khám nghiệm của KSV. Trong quá trình khởi tố vụ án, đối với những vụ án có khó khăn trong việc đánh giá chứng cứ, định tội danh; những vụ án mà đối tượng thực hiện với thủ đoạn mới...

Cơ quan điều tra đều trao đổi trước với KSV hoặc tổ chức họp 3 ngành để thống nhất quan điểm trước khi khởi tố. Cơ quan điều tra và Viện Kiểm sát cũng đã tăng cường trao đổi để thống nhất trong việc ban hành các quyết định tố tụng nhất là các lệnh bắt khẩn cấp, bắt bị can để tạm giam... KSV cũng đã thường xuyên phối hợp với ĐTV làm rõ những vấn đề cần chứng minh trong từng vụ án và đã kiểm sát chặt chẽ việc lập hồ sơ của Cơ quan điều tra đảm bảo việc điều tra vụ án khách quan, toàn diện, đúng pháp luật, hạn chế đến mức thấp nhất việc trả hồ sơ để điều tra bổ sung vì thiếu chứng cứ...

 

Phương Kiếm