Phòng chống bạo lực đối với người khuyết tật

Thứ tư, 25/04/2018 12:30

Thời gian qua đã có nhiều vụ bạo lực trẻ em được phơi bày, kẻ xấu bị pháp luật trừng phạt, đặc biệt xã hội vô cùng phẫn nộ với những vụ bạo hành đối với trẻ khuyết tật. Tuy nhiên, các vụ việc bạo lực với các em không giảm, mà còn diễn biến dưới nhiều hình thức tinh vi, phức tạp hơn. Vì vậy, gia đình, nhà trường, cộng đồng, các tổ chức xã hội cần phải đồng hành bảo vệ phụ nữ và trẻ em gái khuyết tật trước các hành vi bạo lực.

CLB Phụ nữ khuyết tật Đà Nẵng tuyên truyền phòng chống bạo lực đối với người khuyết tật.

Thông thường, người khuyết tật (NKT) rất dễ bị bạo lực và họ thường cam chịu vì không đủ khả năng chống trả và không dám tố cáo thủ phạm. Phụ nữ và trẻ em gái khuyết tật càng có nguy cơ trở thành nạn nhân của mọi hình thức bạo lực, gồm: bạo lực tinh thần, bạo lực thể chất, bạo lực kinh tế và bạo lực tình dục. NKT cần được quan tâm nhiều hơn do họ vốn có sẵn sự mặc cảm, dễ bị kỳ thị nên khả năng hòa nhập xã hội thường thấp, khi bị xâm hại và bạo hành, NKT sẽ ngày càng sống khép kín. Đa phần các nạn nhân của các vụ bạo hành không dám lên tiếng, không phản kháng bởi họ phần lớn sống phụ thuộc vào người khác. Bên cạnh đó, thái độ của cộng đồng, sự thiếu hụt các dịch vụ hỗ trợ cần thiết… đã tạo nên “sự im lặng” của rất nhiều nạn nhân. Và như vậy, nạn bạo hành vẫn cứ âm ỉ diễn ra…

Có rất nhiều nguyên nhân khiến trẻ em khuyết tật có nguy cơ bị bạo lực cao hơn những đứa trẻ bình thường khác, như sự phân biệt đối xử, sự thiếu hiểu biết của xã hội về tàn tật, thiếu sự hỗ trợ xã hội cho người chăm sóc, thiếu khả năng kinh tế và các chính sách chăm sóc trẻ em khuyết tật, chưa kể đến nhiều đứa trẻ khuyết tật bị lạm dụng để đi ăn xin ở khắp các hang cùng ngõ hẻm… Theo kết quả khảo sát năm 2013 của Hội trợ giúp NKT Việt Nam (VNAH), 29% NKT ở Đà Nẵng tham gia nghiên cứu đã bị bạo lực bởi người lạ, 36% bị bạo lực bởi người quen và 25% bị bạo lực bởi các thành viên trong gia đình. Hiện nay, chưa có số liệu thống kê và nghiên cứu chính thức về mức độ bạo lực tình dục và bạo lực trong cộng đồng NKT và trong mỗi nhóm khuyết tật. Bà Elisa Fernandez Trưởng Văn phòng Cơ quan Liên Hợp Quốc về Bình đẳng giới và Trao quyền cho phụ nữ (UN Women) tại Việt Nam cho rằng, sự kỳ thị về giới và tình trạng khuyết tật khiến phụ nữ và trẻ em gái khuyết tật có nguy cơ cao bị bạo lực. “Theo nghiên cứu, trên thế giới, trung bình phụ nữ và trẻ em gái khuyết tật bị bạo lực gia đình nhiều gấp hai lần phụ nữ khác và họ cũng chịu các hình thức bạo lực đặc biệt vì tình trạng khuyết tật của họ, bao gồm bị cô lập, bạo lực mang tính hệ thống và ngăn cản sử dụng thuốc, đi lại, các thiết bị trợ thính và hỗ trợ người khiếm thị. Đặc biệt, phụ nữ và trẻ em gái khuyết tật có nguy cơ bị cưỡng chế điều trị và chăm sóc sức khỏe sinh sản mà không có sự đồng ý của họ… Để  đạt được các mục tiêu phát triển bền vững ở Việt Nam đòi hỏi phải có cam kết mang tính hệ thống nhằm đảm bảo “không ai bị bỏ lại sau”, đặc biệt, cần xây dựng các chính sách toàn diện và nhạy cảm, xem xét nghiêm túc đầy đủ các nhu cầu của NKT trong đó bao gồm phụ nữ và trẻ em gái khuyết tật”, bà Elisa Fernandez nhấn mạnh.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) từng công bố kết quả một cuộc nghiên cứu về tình trạng trẻ em khuyết tật bị bạo hành trên thế giới (bao gồm trẻ bị dị tật bẩm sinh, tự kỷ, bị dị tật do tai nạn, xung đột, chiến tranh, do hành vi bạo hành của người lớn...). Kết quả cho thấy trẻ em khuyết tật có nguy cơ bị tấn công bạo lực cao gần gấp 4 lần so với trẻ em bình thường. NKT dễ trở thành nạn nhân của bạo hành hoặc xâm hại hơn cả. Ở Việt Nam, những năm qua, cộng đồng xã hội đã phát hiện không ít các trường hợp trẻ khuyết tật bị xâm hại và bạo hành. Vụ bé gái khuyết tật trí tuệ 14 tuổi ở Quảng Bình bị hàng xóm cưỡng hiếp (2014). Một bé trai 14 tuổi ở Nghệ An bị tật bẩm sinh dẫn đến câm, bất thường về thần kinh bị người hàng xóm đưa ra khỏi nhà nhiều ngày và xâm hại, bạo hành dã man rồi bỏ mặc (2014). Và rất nhiều các vụ bạo hành tình dục trẻ khuyết tật dẫn đến có thai mà gia đình các em không dám tố giác do nạn nhân sợ hãi hay bị kẻ xâm hại đe dọa nên không dám lên tiếng, có gia đình lên tiếng nhưng sau đó lại rút đơn, có gia đình sợ xấu hổ hoặc bị chê cười... Mặc dù là đối tượng dễ bị bạo hành và xâm hại, trẻ khuyết tật lại ít có khả năng được can thiệp, bảo vệ pháp lý hoặc chăm sóc phòng ngừa. Anh Trương Công Nghiêm, Chủ tịch Hội NKT Đà Nẵng cho biết: Tại TP Đà Nẵng có nhiều chương trình và chính sách tốt giúp ngăn chặn bạo lực gia đình, bạo lực tình dục. Tuy nhiên, từ trước tới nay, chưa có nhiều chương trình dành cho NKT dẫu họ có nguy cơ bạo lực cao hơn các nhóm khác. Đặc biệt, nhóm khiếm thính, khuyết tật trí tuệ thường gặp phải quấy rối tình dục, xâm hại tình dục ở khắp mọi nơi do hạn chế về khả năng giao tiếp. Anh Nghiêm mong muốn sẽ có nhiều cơ hội để chia sẻ về bạo lực giới với NKT ở cấp cơ sở. Vậy làm thế nào để thúc đẩy bình đẳng giới và phòng chống bạo lực giới đối với NKT? Đây là câu hỏi đặt ra cho toàn xã hội, cộng đồng cần hành động để chấm dứt bạo lực đối với NKT.

THANH HOA