Phòng chống bạo lực gia đình ở xã biển Quỳnh Lưu

Thứ sáu, 18/09/2015 11:16

(Cadn.com.vn) - Sơn Hải là một xã vùng biển của H. Quỳnh Lưu, Nghệ An, người dân chủ yếu sống bằng nghề khai thác, đánh bắt thủy hải sản trên biển nhưng thu nhập không ổn định, trình độ dân trí không đồng đều, lao động thiếu việc làm thường xuyên, trong đó, đa số là phụ nữ - gần 1.000 người. Việc hiểu biết pháp luật và ý thức chấp hành pháp luật của một bộ phận nhân dân còn hạn chế dẫn đến công tác bình đẳng giới còn nhiều bất cập. Vì vậy, năm 2013, xã Sơn Hải được tỉnh Nghệ An chọn làm xã điểm xây dựng mô hình “Ngăn ngừa và giảm thiểu tác hại của bạo lực trên cơ sở giới”.

Ban chỉ đạo mô hình của xã nhanh chóng được thành lập, đồng thời xây dựng quy chế, kế hoạch triển khai thực hiện. Ban chỉ đạo xã đã chọn 2 thôn làm điểm trong năm 2013 bằng việc tham mưu cho UBND xã ban hành quyết định thành lập ở mỗi thôn 1 Câu lạc bộ “Ngăn ngừa và giảm thiểu tác hại của bạo lực trên cơ sở giới” và 1 tổ “Phòng chống bạo lực giới”.

Sau hai năm hoạt động, xã Sơn Hải đã thành lập được 13 Câu lạc bộ “Ngăn ngừa và giảm thiểu tác hại của bạo lực trên cơ sở giới” và 13 tổ “Phòng chống bạo lực giới” ở 13 thôn với số lượng 140 thành viên, hoạt động có hiệu quả.

Anh Nguyễn Văn Chung ở thôn 3, trước đây thường xuyên có hành vi đánh vợ và em dâu, phá hoại tài sản gia đình. Sau khi được người nhà và chi ủy thôn đến khuyên can, đồng thời chính quyền xã dùng biện pháp cứng rắn là bàn giao cho Ban công an lập biên bản giao nhiệm vụ, đến nay, anh không còn tái phạm nữa. Ở thôn 13, hôn nhân của vợ chồng anh Lê Thành Trung và chị Trần Bích Đào đang đứng trước nguy cơ tan vỡ vì những xích mích trong gia đình. Mặc dù đã có 3 mặt con, anh làm nghề đi biển, còn chị ở nhà buôn bán, do nghi ngờ, ghen tuông, anh Trung thường xuyên đánh đập và chửi bới chị. Ban hòa giải xóm đã đến gặp riêng anh Trung và gặp riêng chị Đào để tìm hiểu tâm tư của từng người, rồi đưa ra những lời khuyên hợp lý. “Sau khi tổ chức hòa giải, vợ chồng chúng tôi đã hiểu ra vấn đề và cùng nhau ra tòa rút đơn ly hôn, đến nay cuộc sống gia đình đã êm ấm, hạnh phúc, cùng nhau nuôi dạy con cái, chăm lo phát triển kinh tế”, anh Trung bày tỏ.

“Từ hoạt động thông tin tuyên truyền, tập huấn, tư vấn đã tác động đến nhận thức và cách đối xử giữa vợ và chồng, giữa cha mẹ với con cái, giữa mẹ chồng và con dâu, giữa anh chị em trong gia đình với nhau. Các cặp vợ chồng trẻ trong độ tuổi sinh đẻ đã tuân thủ chính sách dân số, không có hành vi lựa chọn thai nhi, cưỡng ép kết hôn, tảo hôn, hạn chế tối đa các loại bạo lực tình dục, tinh thần, thể chất và kinh tế”, bà Phạm Thị Hoan – Bí thư chi bộ thôn 13 cho biết.

Sự tham gia hoạt động của thành viên các Câu lạc bộ và Tổ phòng chống bạo lực giới ở các thôn đã mang lại nhiều kiến thức và kỹ năng cho các thành viên trong cuộc sống, qua đó góp phần tuyên truyền các kỹ năng, hiểu biết về bình đẳng giới đến với các hội viên, thành viên khác. Thành viên các Câu lạc bộ và các tổ thật sự là cầu nối quan trọng giữa đối tượng bị bạo lực với pháp luật có liên quan để làm giảm thiểu nguy cơ bị bạo lực, đồng thời là những nhân tố tiêu biểu, tích cực trong công tác hòa giải, tư vấn, can thiệp, trợ giúp và ngăn ngừa các hành vi bạo lực giới.

Bích Huệ