Phòng chống tham nhũng, phải đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết
Ngày 15-1, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng đã họp phiên thứ 17 dưới sự chủ trì của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo để kiểm tra, đánh giá kết quả hoạt động năm 2019; thảo luận, cho ý kiến về phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm công tác năm 2020.
Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại Hội nghị. |
Tham nhũng có chiều hướng thuyên giảm
Nhìn lại năm 2019 và từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng đến nay, Ban Chỉ đạo thống nhất đánh giá, công tác phòng, chống tham nhũng đã có bước tiến mạnh mẽ, với nhiều chủ trương, giải pháp đột phá, đi vào chiều sâu, đạt nhiều kết quả rất quan trọng, toàn diện, đồng bộ, rõ rệt hơn, được cán bộ, đảng viên và nhân dân đồng tình, hưởng ứng, đánh giá cao. Tham nhũng được kiềm chế, từng bước ngăn chặn và có chiều hướng thuyên giảm, góp phần quan trọng giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao uy tín và vị thế của nước ta trên trường quốc tế.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng chỉ rõ: "Mặc dù còn hạn chế, tồn tại, nhưng cơ bản công tác phòng chống tham nhũng tiếp tục đà của năm 2018, đồng thời có một số kết quả nổi bật hơn. Tâm trạng một bộ phận lo rằng công tác phòng chống tham nhũng bị dừng, nghỉ, không tiếp tục làm… nhưng đã không xảy ra trong 2019, có những mặt làm tốt hơn, nhuần nhuyễn hơn, như việc điều tra, xét xử tội hối lộ, thu hồi tài sản tham nhũng triệt để hơn, công tác xét xử tại các phiên tòa công khai, minh bạch… khiến các bị cáo tâm phục khẩu phục, dư luận đồng tình".
Từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XII đến nay, Ban Chỉ đạo đã chỉ đạo xử lý 107 vụ án, 90 vụ việc, đã xét xử sơ thẩm 53 vụ/550 bị cáo; xét xử phúc thẩm 43 vụ/412 bị cáo, với các mức án nghiêm khắc, nhưng cũng rất nhân văn.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Trưởng ban Chỉ đạo lưu ý, năm 2020 có nhiều sự kiện lớn của đất nước, đặc biệt Đại hội Đảng bộ các cấp, Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Tuy nhiên, không phải vì đại hội mà chùng lại không đấu tranh phòng chống tham nhũng, mà ngược lại càng phải làm, thậm chí làm tốt cái này để phục vụ đại hội. Đương nhiên làm phải có phương pháp, việc nào ra việc nấy, hỗ trợ lẫn nhau. Chống tham nhũng tốt, công tác nhân sự tốt, đại hội sẽ thành công tốt đẹp.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nhấn mạnh: Công tác phòng chống tham nhũng tiếp tục đà của năm 2019, không dừng, không nghỉ, với quyết tâm cao hơn, chặt chẽ, hiệu quả hơn, với quan điểm lịch sử, biện chứng, khoa học, đòi hỏi chúng ta phải tỉnh táo, không vin vào hoàn cảnh, không phiến diện, mà phải đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết…
Xử lý dứt điểm các vụ án nghiêm trọng
Ban Chỉ đạo tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ, xử lý dứt điểm các vụ án, vụ việc tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm; chú trọng xác minh, điều tra làm rõ hành vi tham nhũng, chiếm đoạt. Trong năm 2020, tập trung chỉ đạo kết thúc điều tra 21 vụ án, kết thúc xác minh, xử lý 21 vụ việc; truy tố 23 vụ án; xét xử sơ thẩm 29 vụ án, xét xử phúc thẩm 7 vụ án theo kế hoạch của Ban Chỉ đạo. Nhất là tập trung đưa ra xét xử sơ thẩm 10 vụ án nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm, cụ thể là: Vụ án “Vi phạm các quy định về quản lý đất đai” xảy ra tại Tổng Công ty Bia rượu nước giải khát (Sabeco), Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh; Vụ án “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát lãng phí” liên quan đến dự án 8-12 Lê Duẩn, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh; Vụ án "Vi phạm các quy định về quản lý đất đai; Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" xảy ra tại Công ty Hải Thành, Quân chủng Hải Quân liên quan đến đất số 7-9 Tôn Đức Thắng, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh; Vụ án “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng” xảy ra tại Hội sở chính BIDV và Chi nhánh Hà Thành, Chi Nhánh Hà Tĩnh và Công ty Trách nhiệm hữu hạn thương mại và dịch vụ du lịch Trung Dũng; Vụ án “Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Công ty Cổ phần hóa dầu và nhiên liệu sinh học dầu khí (PVB) trong Dự án xây dựng nhà máy Ethanol Phú Thọ; Vụ án “Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng; Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí” xảy ra tại Công ty cổ phần Tập đoàn Yên Khánh và các đơn vị có liên quan; Vụ án “Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng; Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí” xảy ra tại Dự án cải tạo và mở rộng sản xuất giai đoạn 2 - Công ty Gang thép Thái Nguyên; Vụ án “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí; Tham ô tài sản” xảy ra tại Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn; Vụ án “Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng xảy ra tại Ngân hàng Phương Nam (Sacombank)”; Vụ án “Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Dự án cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi.
Bên cạnh đó, Ban Chỉ đạo tập trung chỉ đạo xử lý dứt điểm những khâu còn yếu, những việc làm dở; những địa bàn, lĩnh vực trọng điểm, tạo chuyển biến mạnh mẽ, đồng bộ hơn nữa công tác phòng chống tham nhũng ở địa phương, cơ sở; ngăn chặn, xử lý có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc “tham nhũng vặt”.
TTXVN