Phòng tránh ẩn họa cháy nổ khi học online

Thứ bảy, 23/10/2021 11:28

Học online kéo dài nhiều giờ liền trên điện thoại, máy tính thiết bị không đảm bảo an toàn hoặc vừa dùng vừa cắm sạc dễ dẫn đến tai nạn cháy nổ, điện giật... Đó chính là những nguy hiểm mà học sinh, sinh viên đã và đang phải đối diện nhưng không phải ai cũng lưu tâm về vấn đề này. 

Việc học online tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ rất cao nếu không có các biện pháp phòng tránh.

Lo lắng khi học online

Hết giờ làm việc tại cơ quan, chị Nguyễn Thị Việt M (trú P. Hòa Cường Bắc, Q. Hải Châu, Đà Nẵng) lại tất tả về nhà để cùng con học online. Tuy nhiên mục đích chính là để con không ở một mình khi học online. Trước đó, chị M. nghe thông tin học sinh tại Nghệ An tử vong khi học online bằng điện thoại khiến chị lúc nào cũng phập phồng lo lắng vì con lúc nào cũng phải học online trên điện thoại. Còn đối với vợ chồng chị Nguyễn Thụy Q (trú P. Hòa Minh, Q. Liên Chiểu, Đà Nẵng) mỗi người có một chiếc điện thoại nhưng từ khi các con phải học trực tuyến, anh chị nhường cho hai con. Hai vợ chồng đều là lao động tự do nên việc bỏ tiền ra mua máy tính cho một đứa cũng là quá sức. Tính sắm laptop cũ hoặc máy bàn đã qua sử dụng nhưng cũng sợ cháy nổ. Anh chị chỉ biết nhắc nhở các con không vừa học vừa sạc và dặn dò không sờ ổ cắm, dây điện và biết cách ngắt cầu dao trong trường hợp khẩn cấp.

Nguy cơ cháy nổ từ các thiết bị không rõ nguồn gốc

Hiện nay, lượng kiến thức và môn học của các em học sinh, sinh viên rất lớn, đòi hỏi thời lượng học với máy tính rất nhiều. Vì vậy, việc cắm sạc để sử dụng điện thoại di động, máy tính là rất khó tránh. Bên cạnh đó, để phục vụ cho nhu cầu mua máy tính, điện thoại học online, các chủ cơ sở kinh doanh đã nhập nhiều thiết bị điện tử như máy tính, dây sạc pin… với giá rẻ để bán kiếm lời. Mới đây nhất, Đội Cảnh sát Kinh tế CAQ Thanh Khê phát hiện một cơ sở kinh doanh trên địa bàn thu giữ gần 700 sản phẩm máy tính và linh kiện không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Các sản phẩm đa số được sản xuất từ Trung Quốc với giá thành rẻ được chủ cơ sở mua về để bán phục vụ nhu cầu học online. 

CAQ Thanh Khê thu giữ nhiều thiết bị điện tử không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Theo Thiếu tá Trần Thanh Hải - Phó đội trưởng Đội Hướng dẫn chỉ đạo về phòng cháy, Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH Công an TP Đà Nẵng, nguy hiểm cháy nổ khi học online chủ yếu đến từ các thiết bị không rõ nguồn gốc xuất xứ bao gồm điện thoại, laptop… bởi bên trong các thiết bị này đa số là các linh kiện cũ hao mòn. Vì vậy, đối với laptop đời cũ, điện thoại đời cũ không nên vừa cắm sạc vừa sử dụng. Nếu máy đã được thay pin mới không rõ nguồn gốc thì nguy cơ cháy nổ càng cao. Hiện, chỉ một số máy model mới được trang bị nhiều mạch bảo vệ trước các trường hợp quá áp, quá tải, quá nhiệt; hoặc một số dòng laptop có cơ chế bảo vệ thông minh, chẳng hạn pin hư sẽ không mở được nguồn khi cắm sạc. Do đó, phụ huynh cần giám sát việc học online của học sinh, nhất là đối với cấp tiểu học và trung học cơ sở. Để tránh những tai nạn xảy ra, phụ huynh cần đặc biệt lưu tâm trước khi bàn giao thiết bị cho con cái mình sử dụng, có thể nâng cấp thiết bị điện tử trẻ đang dùng học trực tuyến để đảm bảo an toàn, tránh rơi vào tình huống vì đồ điện kém chất lượng tạo ra hở điện, cháy nổ khi sử dụng. Với các em học sinh có tính hiếu kỳ thường tò mò kiểm tra máy móc, nguồn điện do đó cần thường xuyên nhắc nhở trẻ về tai nạn điện giật, giám sát, theo dõi quá trình học của con để tránh xảy ra tai nạn đáng tiếc. Để đảm bảo an toàn khi sử dụng điện thoại thì cần hạn chế bật mạng di động (3G/4G) hoặc wifi liên tục để tránh gây bức xạ lớn khi dùng. Không cắm sạc khi điện thoại đang bị ướt vì có thể gây chập, cháy hay rò rỉ điện, không chơi game, chạy các chương trình nặng khi đang sạc. Đối với việc sử dụng laptop và khắc phục hiện tượng laptop bị giật điện, nhất là các laptop có vỏ bằng kim loại thì có thể sử dụng Adapter ba chấu nhằm loại bỏ dòng điện rò rỉ gây sốc cho laptop, rút phích cắm laptop trước khi kết nối các phụ kiện, thay pin mới... Phụ huynh nên nhắc nhở, lưu ý về nguy cơ điện giật, cảnh báo trẻ không tiếp xúc với những nguồn điện như ổ cắm điện, dây kết nối các nguồn điện… Trước khi bắt đầu buổi học trực tuyến, phụ huynh nên kiểm tra thiết bị điện, điện tử đã đóng cắt điện đúng cách chưa, yêu cầu trẻ giữ khoảng cách với nguồn điện. Khi xảy ra sự cố về điện phải liên hệ trực tiếp với bố mẹ tuyệt đối không được tự ý sửa chữa.

Trước tình hình dịch bệnh COVID- 19 vẫn còn diễn biến phức tạp, việc học online sẽ là cách tốt nhất để các em có thể tiếp cận được với kiến thức. Tuy nhiên, để việc học online trở nên an toàn, phụ huynh cần trang bị cho các em các thiết bị điện tử rõ ràng về nguồn gốc, xuất xứ, hạn chế mua laptop cũ, điện thoại cũ. Bên cạnh đó, trước mỗi buổi học nhà trường có thể phối hợp tuyên truyền về đảm bảo an toàn điện khi học online từ đó giúp các em nâng cao ý thức hơn trong việc tự bảo vệ mình tránh những tai nạn đáng tiếc xảy ra. 

VIỆT THÀNH