Phong trào mang tính nhân văn
(Cadn.com.vn) - Phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" (TDĐKXDĐSVH) trên địa bàn H. Hòa Vang (TP Đà Nẵng) giai đoạn 2000-2015 là một trong những phong trào lớn có sức lan tỏa trong cộng đồng dân cư, góp phần quan trọng vào việc thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ, mục tiêu phát triển KT-XH, xây dựng nông thôn mới (XDNTM)... Theo ông Trà Văn Sinh-nguyên Trưởng ban công tác Mặt trận thôn La Châu (xã Hòa Khương), phong trào TDĐKXDĐSVH đã thấm sâu vào cuộc sống và đem lại hiệu quả thiết thực cho mỗi gia đình, cộng đồng; phát huy được nội lực của các tầng lớp nhân dân trong việc thực hiện kinh tế, cải thiện đời sống, vật chất và tinh thần; giúp nhau phát triển sản xuất, xóa đói giảm nghèo. Phong trào đã khơi dậy tình cảm, đạo đức của mỗi con người nên được mọi người, mọi nhà tích cực hưởng ứng. "Trong đó, gia đình là tế bào xã hội, gia đình tốt thì xã hội mới tốt; làm người phải sống có đạo lý và chấp hành tốt pháp luật, góp phần vào sự phát triển giàu mạnh của quê hương, gìn giữ giá trị văn hóa cộng đồng", ông Sinh chia sẻ.
Các tộc họ thôn Cẩm Nê (xã Hòa Tiến) dâng lễ vật thờ cúng đình làng. |
Bên cạnh đó, hưởng ứng cuộc vận động XDNTM, các Hội đồng gia tộc (HĐGT) trên địa bàn huyện đều có những phương thức hoạt động tích cực tùy theo đặc điểm của tộc họ mình, tạo ra sự chuyển biến từ ngay trong tộc họ và góp phần xây dựng hiệu quả cuộc vận động. Tộc Đỗ thôn Thái Lai (xã Hòa Nhơn) duy trì biện pháp giáo dục con cháu theo hương ước của tộc có từ năm 1902, như con cháu sai trái trước hết HĐGT tự giải quyết, sau mới đến đoàn thể, nếu quá 2 lần sẽ báo chính quyền địa phương xử lý; tộc Lâm thôn Cẩm Toại (xã Hòa Phong) vận động con cháu đóng góp Quỹ khuyến học-khuyến tài, không để con cháu trong độ tuổi đến lớp bỏ học hoặc đề ra quy ước về việc xóa đói giảm nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng bằng cách chuyển đổi ngành nghề phù hợp với quá trình đô thị hóa.
Ông Trần Viết Quốc-Bí thư chi bộ thôn Trà Kiểm cho biết: "Văn hóa truyền thống trong sinh hoạt tộc họ có xu hướng phục hồi, nhiều giá trị cũ đang sống lại. Những giá trị tốt đẹp của văn hóa dòng tộc cần được bảo tồn và phát huy trong công cuộc XDNTM. Một khi hoạt động của tộc họ văn hóa đi vào nề nếp sẽ góp phần loại bỏ dần các TNXH trong cộng đồng dân cư".
Người cao tuổi làng Quá Giáng (xã Hòa Phước) cam kết xây dựng tộc văn hóa. |
Có thể thấy, phong trào TDĐKXDĐSVH ở H. Hòa Vang đã được phát triển sâu rộng, dần hình thành đời sống văn hóa lành mạnh từ cơ sở. Việc xây dựng gương "Người tốt, việc tốt" và các điển hình tiên tiến trong phong trào đã góp phần tích cực tạo nên những tấm gương sáng, có sức thuyết phục lan tỏa, cổ vũ mọi người tham gia thực hiện, góp phần ngăn chặn, đẩy lùi nhiều hiện tượng tiêu cực trong xã hội. Trong đó, phong trào xây dựng gia đình văn hóa (GĐVH) là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, đã đem lại nhiều hiệu quả thiết thực về mọi mặt kinh tế, đời sống văn hóa tinh thần cho mỗi gia đình và xã hội. GĐVH vừa tạo cho kinh tế phát triển, vừa có tác dụng giáo dục thế hệ trẻ, giáo dục con cháu về mọi mặt, vừa là hạt nhân xây dựng dòng họ văn hóa, làng văn hóa, xây dựng một xã hội văn hóa.
Những tấm gương sáng trong phong trào "Ông bà mẫu mực, con cháu thảo hiền", "Gia đình hiếu học", "Gia đình làm kinh tế giỏi" ở từng địa phương đã tác dụng thiết thực trong việc cổ vũ, nhân rộng phong trào và góp phần tích cực trong việc tạo nền tảng tốt đẹp cho sự phát triển bền vững của các gia đình. Theo BCĐ Phong trào TDĐKXDĐSVH H. Hòa Vang, năm 2000 chỉ có 9.542/33.191 hộ được công nhận GĐVH (số liệu khi chưa chia tách Q. Cẩm Lệ) thì đến nay, toàn huyện đã có 27.270/31.333 hộ được công nhận. Phong trào xây dựng thôn văn hóa được phát triển mạnh mẽ và thường xuyên, từ 18/124 thôn văn hóa được công nhận năm 2000, đến nay đã có 113/119 thôn văn hóa được công nhận; 75/81 cơ quan, đơn vị, trường học đạt danh hiệu "Cơ quan đạt chuẩn văn hóa".
Công tác đền ơn đáp nghĩa được thực hiện có hiệu quả: 11/11 xã làm tốt công tác thương binh, liệt sĩ; gần 100% gia đình chính sách có mức sống trung bình trở lên so với dân cư cùng địa bàn; 40 Mẹ VNAH còn sống được chăm sóc, phụng dưỡng chu đáo. Quỹ "Đền ơn đáp nghĩa" các cấp cùng với nhiều nguồn hỗ trợ khác, Hòa Vang đã xây mới và sửa chữa 3.354 nhà ở cho đối tượng chính sách với số tiền hơn 36 tỷ đồng, giúp đỡ, hỗ trợ các hoàn cảnh khó khăn hơn 7 tỷ đồng, cải thiện đời sống cho người dân miền núi, đồng bào dân tộc thiểu số...
Người dân thôn Gò Hà (xã Hòa Khương) trồng cây xanh tạo cảnh quan đường làng. |
Phong trào TDĐKXDĐSVH trên địa bàn Hòa Vang 15 năm qua đã mang lại nhiều hiệu quả thiết thực. Phong trào được triển khai rộng khắp, các tầng lớp nhân dân đồng tình ủng hộ, xã hội đồng thuận. Theo đó, nhiều loại hình văn hóa, mô hình văn hóa đặc trưng của các thôn, làng được nhân rộng và từng bước củng cố, hoàn thiện đã góp phần vào việc phát triển KT-XH, đảm bảo ANTT tại địa phương, tạo ra một diện mạo nông thôn mới đầy tính nhân văn, sâu sắc.
An Dương