Phụ huynh có thể yên tâm với chương trình sữa học đường Đà Nẵng
Đề án Chương trình sữa học đường tại TP Đà Nẵng giai đoạn 2018-2020 chính thức triển khai thực hiện. Bên cạnh phần lớn phụ huynh đồng tình hưởng ứng vẫn còn có nhiều người lo lắng. P.V Báo Công an TP Đà Nẵng đã ghi nhận những luồng ý kiến này.
Sữa học đường là đề án lớn, có tính nhân văn cao (ảnh minh họa). |
Đề án Chương trình Sữa học đường (Đề án CT SHĐ) giai đoạn 2018-2020 đặt định mức trẻ được uống sữa 9 tháng trong 1 năm học, mỗi trẻ được uống sữa 5 lần/ tuần, mỗi lần 1 hộp sữa tươi 180ml. Đề án này ngoài việc cải thiện tình trạng dinh dưỡng còn nhằm mục tiêu nâng cao tầm vóc, thể lực của trẻ, góp phần phát triển nguồn nhân lực trong tương lai. Đây thực sự là một chương trình mang ý nghĩa lớn, tuy nhiên xung quanh vấn đề này còn nhiều luồng thông tin trái chiều. Chị Nguyễn Thị Ánh (trú Q. Hải Châu, TP Đà Nẵng) cho hay: "Tôi thấy chương trình này quá tốt, mang ý nghĩa nhân văn. Nó giúp cho tất cả cháu đều được uống sữa. Có nhiều cháu ở nhà rất lười uống sữa nhưng khi đến lớp có bạn cùng uống nên rất hào hứng, kiểu uống cho "bằng bạn bằng bè", lâu dần thành thói quen. Tôi hoàn toàn hoan nghênh chương trình này khi được áp dụng trên địa bàn TP Đà Nẵng".
Dẫu biết rằng đưa sữa vào học đường nhằm mục đích nhân văn, song nhiều phụ huynh vẫn tỏ ra băn khoăn và lo lắng. Trong đó, họ đặt ra câu hỏi là sữa của thương hiệu nào? Con em họ có được chọn sữa có đường hoặc không đường để uống không? Thậm chí, nếu họ từ chối sử dụng có được phép hay không? Không chỉ vậy, một số trường ở phía Nam, sau khi học sinh uống sữa học đường đã có tình trạng ngộ độc càng khiến cho nhiều phụ huynh âu lo. Một phụ huynh (xin giấu tên) có con đang học tại trường mầm non thuộc Q. Thanh Khê, cho rằng: "Tâm lý lo lắng, hoài nghi của những bậc làm cha làm mẹ khi chưa có thông tin rõ ràng về sản phẩm mà con em mình dùng là điều dễ hiểu. Thực tế thì không thể kiểm chứng được chất lượng sữa nên không biết sữa này có đạt chuẩn hay không, nên cần phải cân nhắc".
Nhiều ý kiến cho rằng trên địa bàn TP Đà Nẵng những năm trước đây, trong chương trình sữa học đường có tình trạng khi sữa đến tay học sinh thì cận kề ngày hết hạn sử dụng. Câu hỏi mà phần lớn phụ huynh đặt ra ở đây là liệu có phải "sữa học đường" là số sữa ế ẩm được đẩy vào trường để tiêu thụ nhằm mục đích "vẹn cả đôi đường"? Không chỉ vậy, một số nơi còn xảy ra tình trạng "bắt buộc" học sinh phải uống tại lớp, không được mang sữa về nhà càng "gieo" vào phụ huynh một khẳng định "chắc chắn có vấn đề". Chính vì lẽ này, các bậc phụ huynh mong muốn đối với CT SHĐ hiện nay, nhà trường cần cho phụ huynh những thông tin liên quan, cần thiết nhất.
Trước những băn khoăn của phụ huynh, bà Đặng Thị Cẩm Tú- Trưởng phòng GD Mầm non- Sở GD-ĐT TP Đà Nẵng, cho biết: Đến thời điểm hiện nay, Đề án Sữa học đường giai đoạn 2018-2020 trên địa bàn TP đã triển khai đến 200 trường mầm non công lập, tư thục, dân lập và 338 nhóm, lớp độc lập tư thục; 3 cơ sở bảo trợ xã hội thuộc Sở LĐ-TB&XH; trung tâm chăm sóc và giáo dục mầm non OneSky; 2 trường chuyên biệt và 1 Trung tâm Hỗ trợ người điếc Miền Trung với tổng số 47.014 trẻ mẫu giáo tham gia. Do đề án thực hiện từ nguồn ngân sách thành phố nên việc chọn lựa nhà thầu phải tuân thủ theo Luật Đấu thầu. Cty sữa nào trúng thầu cũng phải đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn về mặt kỹ thuật quy định tại Quyết định số 5450/QĐ-BYT của Bộ Y tế đưa ra trong việc cung cấp sữa học đường. Qua hơn 4 tháng thực hiện quy trình chọn lựa nhà thầu thì Cty CP Sữa Việt Nam là đơn vị trúng thầu. Sữa của đơn vị trúng thầu là sữa tươi tiệt trùng có đường Vinamilk loại 180 ml, đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn về mặt kỹ thuật quy định tại Quyết định số 5450/QĐ-BYT của Bộ Y tế.
Bà Tú cho biết thêm, tại các cơ sở giáo dục, sau khi tổ chức cho trẻ uống sữa thường các đơn vị tái sử dụng lại vỏ hộp sữa làm vệ sinh sạch sẽ và hướng dẫn trẻ làm đồ chơi phục vụ các hoạt động trải nghiệm; hoặc có một số cơ sở hướng dẫn trẻ gấp vỏ hộp sữa sau khi đã uống, cô giáo thu hồi hủy vỏ sữa tại thùng rác của nhà trường. Nếu trường hợp trẻ uống xong vào lúc 9 giờ mà phụ huynh yêu cầu thu hồi vỏ lại và cho trẻ bỏ vào túi xách mang về sau 17 giờ thì rất bất tiện và mất vệ sinh.
Riêng với thông tin "khi sữa đến tay học sinh thì cận kề đến ngày hết hạn sử dụng", bà Tú khẳng định: Sữa học đường cung cấp cho các đơn vị trường học là sữa có hạn sử dụng 6 tháng tính từ ngày sản xuất. Cty CP Sữa Việt Nam có nhà máy sản xuất tại Đà Nẵng nên sữa cung cấp cho các trường luôn còn hạn sử dụng gần 6 tháng, không có chuyện chỉ còn vài ngày như phản ánh. Không chỉ vậy, sữa đưa vào nhà trường đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn về mặt kỹ thuật theo quy định của Bộ Y tế, tuân thủ Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia đối với các sản phẩm sữa dạng lỏng nên không có tình trạng chất lượng kém, gần "hết đát" mới đưa vào trường...
Để không tồn tại tình trạng sữa gần hết hạn sử dụng đến với các em học sinh, TP Đà Nẵng quán triệt, tập huấn kỹ cho các cấp từ lãnh đạo Phòng GD-ĐT đến các hiệu trưởng, chủ nhóm những nội dung như: Thông tin về Đề án, quy trình sản xuất, bảo quản sữa, cách phát hiện sữa có vấn đề, đường dây nóng để trao đổi, phản ánh… để các cơ sở không nhận sữa không đảm bảo chất lượng, không đúng với tiêu chuẩn kỹ thuật theo như hồ sơ dự thầu của đơn vị trúng thầu và khi có sự cố lập tức báo lên cấp trên và Cty cung cấp. Ngoài ra, các trường quan tâm đến khâu vận chuyển và kho lưu trữ, trong trường hợp hộp sữa có biểu hiện bị bóp méo trong quá trình vận chuyển thì không cho học sinh sử dụng.
Có thể thấy rằng, sữa học đường là đề án lớn, có tính nhân văn cao, với mục tiêu duy nhất là bổ sung dưỡng chất cần thiết trong giai đoạn phát triển thể lực cho trẻ em của TP nên đề nghị các nhà trường cần tổ chức tuyên truyền đến phụ huynh. Bởi chắc chắn khẳng định một điều rằng, chỉ khi có đầy đủ thông tin thì phụ huynh sẽ thấy việc tham gia là cần thiết, đồng thời họ sẽ hiểu được ý nghĩa thực sự của chương trình này.
TRANG TRẦN