Phú quốc- ký ức thời hoa đỏ... (4)

Thứ ba, 02/12/2008 00:00

Xem lại kỳ trước: Phú Quốc- ký ức thời hoa đỏ...(3)

Kỳ cuối: Lịch sử và huyền thoại...

Trong những ngày có mặt tại huyện đảo Phú Quốc, tôi tìm đến nhà ông Trần Văn Nhu - Bảy Nhu, cai ngục khét tiếng một thời tại khu B2 Trại giam Cây Dừa. Mặc dù đã bước vào tuổi 82, nhưng trông ông vẫn còn minh mẫn. Khi tôi nhắc lại thời kỳ ác nghiệt và tàn khốc của Trại giam Cây Dừa, ông có vẻ dè dặt không muốn nói đến. Với ông, nó đã trở thành nỗi ám ảnh, day dứt không nguôi. Ông cho biết, chính vì sự ân hận đó mà dù được 4 lần đề nghị qua Mỹ theo diện H0, nhưng ông không đi. Ông tâm sự: “Tôi muốn ở Việt Nam để chuộc lại lỗi lầm của mình. Trong đợt quy tập HCLS đợt 1, tôi đã chỉ cho các ảnh địa điểm chôn giấu các tù binh tại khu vực Nắm Đấm. Còn sống ngày nào, tôi sẽ cố gắng làm hết mình với mong muốn chuộc lại lỗi lầm...”.

(Cadn.com.vn) - Đi, đến và được sống những ngày thanh bình tại Phú Quốc, tôi mới hiểu, khâm phục và cả kinh ngạc trước những câu chuyện được nghe từ nhân chứng lịch sử kể lại! Những câu chuyện có thật đã diễn ra ngay trong lòng trại giam như chuyện dùng muỗng xúc cơm để đào hầm, tổ chức đấu tranh ngay trong trại giam... bây giờ không chỉ là một phần của lịch sử mà nó còn là những huyền thoại.

Rưng rưng nhớ lại ký ức một thời ác liệt, chú Ba Toản bồi hồi kể: “Hồi bị đưa ra đảo, chú nào biết gì về Phú Quốc. Rừng núi âm u, hoang hóa. Mới ở tù 2 tháng nhưng chú cũng như nhiều anh em khác tại khu B2 nếm đủ ngón đòn tra tấn của chúng. Ý nghĩ vượt ngục luôn nung nấu trong lòng, nhưng tâm lý thì vẫn phân vân, đắn đo: Vượt với ai? Ngoài kia có ai không? Có CM không hay chỉ là bọn địch, rừng núi và biển cả mênh mông? Cho đến một ngày, một sự kiện lịch sử có ý nghĩa quyết định đến tâm lý và dũng khí chiến đấu của tù binh trong trại, đó là sự xuất hiện của đầu đạn mồ côi. Kế đến là những tiếng tạc đạn, tiếng M79 nổ. Anh em ngồi trong tù mà như có kiến đốt trong người. “Chúng lại tàn sát anh em mình rồi”.

Chưa kịp nói ra suy nghĩ ấy với anh em, chú nghe có tiếng súng ngay ngoài hàng rào. Tiếng súng vừa quen vừa lạ. Quen vì đó chỉ có thể là tiếng AK của ta  (địch không dùng loại này). Lạ là vì tại sao  nó lại xuất hiện ở nơi được địch bố ráp một hàng phòng thủ dày đặc như vậy? Với chú, tiếng súng nổ ấy sao ấm áp, gần gũi đến lạ. Chợt một tiếng nổ AK khác xẹt ngang trên mái tôn của nhà giam và có tiếng reo to của đồng đội: “Đúng đầu đạn của mình rồi, các đồng chí ơi! Nó mất đà xuyên qua kẽ mái, rớt trúng đùi tôi...”. Tất cả anh em trong nhà giam xúm lại rồi lặng người đi vì xúc động. Sau cái ngày “viên đạn mồ côi” lạc vào nhà giam, phong trào vượt ngục dấy lên mạnh mẽ...”.

Kể đến đây, chú Ba Toản rạng rỡ hẳn: “Là lính đặc công, với chú, hàng nghìn lớp kẽm gai quanh nhà lao không là gì. Điều quan trọng nhất là làm sao qua được sự giám sát của bọn gác canh cẩn mật dưới ánh đèn pha cực lớn rọi sáng như ban ngày. Quan trọng hơn là trốn ngục với ai? Thời kỳ ấy, khốc liệt lắm! Bởi ngay chính trong mỗi nhà giam đều có lực lượng của chúng trà trộn vào. Cuối cùng, chú cũng liên lạc được 5 người gồm có chú, chú Thú (miền Bắc), chú Tiến (Phú Yên), chú Hoạch (Bình Định), chú Minh, chú Hai (người Nam Bộ). Sau khi quan sát cách bố trí các vòng canh, chú quyết định chọn cách đi ngay dưới chân chòi canh của chúng, “nơi nguy hiểm nhất là nơi địch ít chú ý nhất”. Chú chỉ cho đồng đội cởi quần áo bọc quanh cà-mèn lụi vào bùn, sau đó, từng người một lăn vào bùn để ngụy trang.

 Dụng cụ để đào hầm tại Trại giam Phú Quốc.

Đêm 22-6-1968, men theo nhà bếp trại giam, đội quân vượt ngục của chú đã ra được ngoài chòi canh. Sau này, khi đã vượt ngục thành công, chú được biết cũng trong đêm hôm đó, có một đoàn vượt ngục 5 người do đồng chí Sa (người Quảng Trị) làm nhóm trưởng, nhưng đã không qua khỏi hàng rào dây kẽm gai”. Giọng chú Ba chợt ngậm ngùi. Có một chi tiết... thót tim của cuộc vượt ngục là, sau khi vượt được các chòi canh ra ngoài con lộ 46, đoàn của chú gặp ngay lực lượng quân cảnh và khoảng cách chỉ còn chừng 5-10m. Chú ra hiệu cho cả đoàn dừng lại, đứng phỗng như cột hàng rào. May sao, cả nhóm quân cảnh không phát hiện ra... Sau đó là cả một hành trình gian nan, nguy hiểm để vượt ra khỏi khu vực bố ráp tìm về với lực lượng CM địa phương huyện, trong đó phải kể đến giai thoại vượt qua mưng Ba Gà (qua mưng này rất nguy hiểm vì có nhiều gai cũng như cá sấu...), hay như chuyện đi mấy ngày đường rồi lại vòng về gần trại giam...

Ngoài cuộc vượt ngục của chú Ba Toản, tôi còn được biết có nhiều cuộc vượt ngục khác cũng đầy kỳ tích như cuộc vượt ngục do ông Lê Xuân Cát tổ chức vào ngày 20-1-1969. Bằng những cái muỗng ăn cơm, 5 tháng trời ròng rã, ông Cát và 20 đồng đội đã bí mật đào đường hầm dài 120m. Đào đến đâu, giấu cát vào ống quần, đến sáng hôm sau đi tắm xả nước cho chảy ra ngoài. Và 21 người đã trốn thoát khỏi trại giam. Hiện ông Cát còn sống ở TT Gia Ray, Xuân Lộc, Đồng Nai. Khó mà kể hết sự quật cường, bất khuất của các chiến sĩ CM ở nhà tù Phú Quốc. Ngay ở giữa trùng khơi mịt mù sóng biển, các bác, các chú đã dựng lên một tượng đài lịch sử bất hủ về tinh thần đấu tranh không chịu khuất phục trước kẻ thù. Chú Ba Toản tâm sự: “Nếu nói đến Trại giam Cây Dừa mà không nói đến tinh thần quật khởi, mưu trí của những chiến sĩ CM sau khi vượt ra khỏi nhà tù tìm cách liên lạc với Huyện ủy, Huyện đội và quân dân du kích địa phương đảo tìm cách đánh trả bọn Mỹ - ngụy tại đây là một thiếu sót lớn. Tiếc rằng, cả một pho tư liệu về sử học đã bị... lãng quên trong một thời gian khá dài. Cho đến hôm nay, nhiều nhân chứng đã không còn có mặt tại đây, hoặc tản đi về quê hay đã qua đời, nên việc ghi chép lại các tài liệu có liên quan đến nó chắc hẳn là rất khó và cần có nhiều thời gian...”.

Học sinh ở đảo đi học trên con đường ngày xưa toàn đồn bốt, dây kẽm gai. 

Qua tìm hiểu, được biết, sau khi đất nước thống nhất, Trại giam Cây Dừa bị san thành bình địa, một kho tàng lịch sử về tội ác chiến tranh gần như bị xóa sạch. Mãi đến năm 1996, sau khi được công nhận là Di tích lịch sử, chính quyền tỉnh Kiên Giang mới bắt tay vào trùng tu, phục chế. Tuy nhiên, theo chú Ba Toản, việc khôi phục lại một phần Di tích lịch sử Nhà tù Phú Quốc hiện vẫn chưa đúng hoàn toàn với nguyên bản của nó... Một điều nữa, mặc dù hằng năm có khoảng 40.000 lượt khách đến tham quan khu di tích này (trong đó có rất nhiều khách nước ngoài), nhưng tại đây vẫn chưa có phiên dịch, hướng dẫn viên du lịch thực sự hiểu về lịch sử của Trại giam Cây Dừa...

Những ngày ngắn ngủi với Phú Quốc, được viếng nghĩa trang liệt sĩ, Tượng đài Nắm Đấm, được thăm Trại giam Cây Dừa - nơi tạo nên những huyền thoại của thế hệ cha anh trong cuộc kháng chiến trường kỳ, được nhìn những đổi thay nơi xứ đảo hôm nay... tôi chợt thấy yêu quý biết bao sự thanh bình mà mình đang được hưởng...

P. Thủy