Phú Túc ngày ấy, bây giờ
Già làng Lê Văn Rời (trú Phú Túc, xã Hòa Phú, H. Hòa Vang, Đà Nẵng) đã bước sang tuổi 85 nhưng vẫn chưa thể nào quên được cái nghèo, cái khó cứ bám dai dẳng bà con quê ông trong những năm chiến tranh ác liệt và cả những năm đầu sau ngày quê hương giải phóng. Già Rời cho biết, mỗi tấc đất nơi đây vẫn còn in đậm chiến tích của người dân Cơ Tu trong cuộc kháng chiến chống Mỹ. Đó là những trang sử nuôi giấu, bảo vệ cán bộ lên núi xây dựng cơ sở cách mạng của dân làng... Còn theo già Nguyễn Văn Cần, lúc bấy giờ, với nhiều chiêu bài mị dân, bọn Mỹ - ngụy lừa đồng bào thực hiện các chính sách "tố cộng". Tuy nhiên, mặc dù nhận thức chưa cao nhưng với bản chất thật thà, đồng bào Cơ Tu vẫn nhận ra bộ mặt phi nhân nghĩa, xấu xa của kẻ thù, cho nên mọi người đồng lòng theo Đảng làm cách mạng. Ngày ấy, đi đến đâu trong làng cũng bắt gặp cảnh người già vót chông, cài bẫy sập, bẫy thò, phụ nữ mang gùi tải đạn, lương thực, cánh thanh niên trẻ như ông đều tham gia du kích...
Dân làng Phú Túc tham gia lễ hội truyền thống người Cơ Tu. |
Kết thúc chiến tranh, một bộ phận người Cơ Tu chuyển về vùng thấp định cư, nhà nào cũng nghèo, thiếu đói triền miên, nhiều người bỏ làng di cư tìm miền đất mới. Người ở lại do nhu cầu cuộc sống nên phải lên rừng đốt rẫy làm nương. Năm 1986, địa giới hành chính làng Phú Túc thuộc xã Ba (H. Hiên, Quảng Nam-Đà Nẵng cũ) được chuyển giao cho xã Hòa Phú quản lý, cuộc sống người dân từng bước được cải thiện, địa phương cấp đất trồng rừng, phát triển kinh tế gia đình nên người dân không còn du canh, du cư nữa. Cùng với chương trình xây dựng nông thôn mới, đường làng được rộng mở, giúp bà con đi lại thuận lợi, giao lưu trao đổi hàng hóa. Chính sách đầu tư giáo dục có hiệu quả, chính quyền các cấp đã tạo nhiều điều kiện thuận lợi cho học sinh người Cơ Tu tiếp cận với kiến thức văn hóa ở trình độ ngày càng cao và tự tin hơn khi hòa nhập với cộng đồng. Văn hóa truyền thống của đồng bào Cơ Tu với những nét đẹp tinh túy, hội tụ nhiều yếu tố độc đáo của đồng bào vùng cao cũng được các ngành chức năng duy trì và phục dựng" - Bí thư chi bộ, Trưởng thôn Phú Túc Lê Văn Nghĩa xác nhận.
Sinh ra và lớn lên ở địa phương, anh Lê Văn Hoàng đã chứng kiến sự chuyển mình rõ rệt của buôn làng và đời sống bà con. Trước đây, cũng như bao hộ dân khác, cha mẹ anh sống dựa hoàn toàn vào cây lúa 1 vụ với điều kiện canh tác lạc hậu, năng suất bấp bênh, lúc "mưa thuận, gió hòa" thì cả gia đình có cái ăn, cái mặc, nhưng nếu mất mùa thì lâm vào cảnh thiếu ăn. Bây giờ, đời sống của người dân Phú Túc đã thay đổi rất nhiều, thu nhập bình quân đầu người hơn 30 triệu đồng/năm, không còn hộ ở nhà tạm. Bên cạnh những khu du lịch sinh thái tại địa phương đã góp phần giải quyết việc làm cho hàng chục lao động; Phú Túc còn có Tổ hợp tác sản xuất Rượu cần với sản lượng hơn 1.500 ché/năm đã được các ngành chức năng TP cấp Giấy chứng nhận hợp quy đảm bảo chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm và được nhiều khu du lịch cam kết tiêu thụ sản phẩm. "Hiện 154 hộ dân nơi đây không còn sợ nghèo đói nữa. Ai cũng lo tăng gia sản xuất, thu nhập ngày càng tăng và có điều kiện để lo cho con cái ăn học và được khám chữa bệnh miễn phí" - anh Hoàng chia sẻ.
Quảng bá sản phẩm Rượu cần Phú Túc đến với người tiêu dùng. |
Ngược lên vùng cao Phú Túc bây giờ mới thấy, nghèo đói chỉ còn trong dĩ vãng. Đường giao thông đã thuận lợi hơn rất nhiều, ô-tô vào tận làng. 100% gia đình có công trình vệ sinh và sử dụng nước sạch, có điện sinh hoạt, có nhà Gươl kiên cố để sinh hoạt cộng đồng. Mạng lưới điện thoại, phát thanh, truyền hình đã đến từng nhà, giúp cho bà con tiếp cận với những phương tiện truyền thông hiện đại. Theo Chủ tịch UBND xã Hòa Phú Nguyễn Tân, với sự quan tâm đầu tư và những chính sách đúng đắn trong phát triển kinh tế - xã hội của Đảng và Nhà nước, những năm qua, đời sống của đồng bào Cơ Tu Phú Túc không ngừng được cải thiện. Các hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan đang dần xóa bỏ... Và để làm được những điều kỳ diệu này, là cả một quá trình nỗ lực bền bỉ của các ngành, các cấp, không chỉ đơn giản là những chính sách hỗ trợ hợp lý mà còn tập trung vào việc thay đổi tập quán sinh hoạt, sản xuất trên cơ sở giữ nguyên bản sắc văn hóa truyền thống của người dân miền núi.
VY HẬU