Phục dựng mô hình Bia chủ quyền trong Nhà trưng bày Hoàng Sa
(Cadn.com.vn) - Ngày 21-10, UBND H. Hoàng Sa, TP Đà Nẵng, tổ chức lấy ý kiến về phương án trưng bày của Nhà trưng bày Hoàng Sa. Ông Võ Công Chánh, Chủ tịch UBND H. Hoàng Sa cho biết, dự án Nhà trưng bày Hoàng Sa đã được Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng phê duyệt, tuy nhiên, phương án trưng bày cần tiếp tục lấy ý kiến của các nhà khoa học và cơ quan chức năng.
Tại buổi lấy ý kiến, đơn vị tư vấn (Cty CP Đầu tư Xây dựng và Mỹ thuật Hà Nội) đưa ra phương án thiết kế nội thất, bố trí các khu chức năng và trưng bày cho toàn bộ không gian Nhà trưng bày Hoàng Sa. Trong đó, đáng chú ý, đơn vị tư vấn đưa ra phương án dựng mô hình Bia chủ quyền trong Nhà trưng bày Hoàng Sa. Bia đặt ở vị trí trung tâm tòa nhà, trong không gian thông tầng, trên một hồ nước nhân tạo rộng 40m2. Đây cũng chính là điểm nhấn quan trọng nhất của Nhà trưng bày. Bia chủ quyền được dựng ở Hoàng Sa vào thập kỷ 30 thế kỷ XX dưới thời nhà Nguyễn, là một trong những bằng chứng quan trọng khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa.
Một trong những nội dung quan trọng khác được đề cập là các tư liệu, hiện vật dự kiến trưng bày chủ yếu thể hiện trên chất liệu giấy gồm, các bản đồ, sách, tranh, ảnh.. Điều này gây khó khăn đáng kể cho công tác trưng bày, khó tạo ra điểm nhấn, sức hút đối với khách tham quan. Một số nhà khoa học cho rằng, để khắc phục hạn chế này, cơ quan chuyên môn có thể tiến hành thu thập, bổ sung thêm các tài liệu, hiện vật khác để trưng bày, đặc biệt là những hiện vật liên quan đến nhân chứng ở Hoàng Sa trước năm 1974 (thời điểm Trung Quốc dùng sức mạnh quân sự cưỡng chiếm Hoàng Sa dưới quyền quản lý của chính quyền VNCH).
Bia chủ quyền tại quần đảo Hoàng Sa. Ảnh: TL |
Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Đình An, các triều đại phong kiến Việt Nam đã có nhiều hoạt động xác lập chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa, như lập các đội thu gom, khai thác sản vật, cắm cột mốc chủ quyền. Dựa trên các tư liệu lịch sử, có thể nghiên cứu sâu, từ đó phục dựng các hiện vật để trưng bày. Bên cạnh đó, cần bố trí thêm kho tư liệu, phòng nghiên cứu để cất giữ, lưu trữ các tài liệu, hiện vật về Hoàng Sa nhằm phục vụ công tác nghiên cứu mang tính chuyên sâu.
PGS-TS Ngô Văn Minh (Học viện chính trị Hồ Chí Minh khu vực III) gợi ý, ngoài các tài liệu, hiện vật nhân tạo, có thể nghiên cứu bổ sung thêm các hiện vật tự nhiên ở Hoàng Sa, để khách tham quan nhà trưng bày có thể hiểu rõ hơn về điều kiện tự nhiên, sản vật của quần đảo này. Đặc biệt, PGS-TS Ngô Văn Minh đề xuất ý tưởng huy động tài năng, trí tuệ của các học giả, tác giả nhằm sáng tác một bài viết xứng tầm, đáng được gọi là “thiên cổ hùng văn” để đặt ở nhà trưng bày, cho các thế hệ hôm nay và mai sau cảm nhận được tình cảm, ý chí của người Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa.
Đại diện BTC cho biết, sau cuộc lấy ý kiến, đơn vị tư vấn, cơ quan chức năng và UBND H. Hoàng Sa tiếp tục bổ sung, hoàn thiện phương án trưng bày, bảo đảm các yêu cầu và tiến độ đặt ra. Trước đó, UBND TP Đà Nẵng đã phê duyệt dự án Nhà trưng bày Hoàng Sa tại giao lộ Hoàng Sa - Phan Bá Phiến, với diện tích 1.249m2, tổng mức đầu tư 40 tỷ đồng.
Nguyễn Lê