Phương án thi tốt nghiệp THPT 5 năm sau sẽ như thế nào?

Thứ năm, 01/10/2020 12:17

Chiều 30-9, Bộ GD-ĐT tổ chức họp báo quý III, trong đó giải đáp nhiều vấn đề "nóng" như sách giáo khoa, phương án thi, tuyển sinh giai đoạn 2021-2025.

Chánh Văn phòng Bộ GD-ĐT Trần Quang Nam cho biết, Bộ  đang xây dựng phương án thi và tuyển sinh giai đoạn 2021-2025 để sớm công bố.

Trong cuộc họp báo, ông Trần Quang Nam, Chánh Văn phòng Bộ GD-ĐT, cho biết từ kết quả của giai đoạn 2015-2020, định hướng kỳ thi tốt nghiệp THPT giai đoạn 2021-2025 được xác định cơ bản sẽ giữ ổn định như năm 2020, chỉ tập trung nghiên cứu áp dụng công nghệ và chú trọng xây dựng, phát triển ngân hàng câu hỏi thi cho phù hợp với lộ trình đổi mới giáo dục phổ thông.

Theo lãnh đạo Bộ GD-ĐT, sau 6 năm đổi mới kỳ thi THPT, đã khắc phục rõ rệt tình trạng học tủ, học lệch diễn ra trong nhiều năm, thực hiện đúng phương châm "học gì thi nấy", yêu cầu học sinh phải học toàn diện. Hiện nay, Bộ đang xây dựng để sớm công bố phương án thi và tuyển sinh giai đoạn 2021-2025, trên quan điểm phân định rõ trách nhiệm quản lý Nhà nước của Bộ GD-ĐT và trách nhiệm triển khai cụ thể của địa phương, cơ sở giáo dục đối với các kỳ thi và tuyển sinh. Trước mắt, Bộ sẽ họp và đánh giá lại toàn bộ quá trình 6 năm đổi mới về thi THPT quốc gia (2015- 2020) cũng như kỳ thi vừa qua. Cụ thể, kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa qua, theo thống kê, tỷ lệ tốt nghiệp chung của cả nước là 98,3%, (trong đó, tỷ lệ đối với THPT là 98,9%, đối với giáo dục thường xuyên là 92,5%); tỷ lệ có sự khác biệt giữa các địa phương, vùng miền.

Năm 2020 ghi nhận nỗ lực tự chủ tuyển sinh của các trường ĐH, CĐ, với nhiều phương thức xét tuyển ngoài phương thức xét tuyển theo kết quả thi tốt nghiệp THPT như xét học bạ, tuyển thẳng theo đề án của trường; sự chủ động, linh hoạt thay đổi phương án tuyển sinh để phù hợp với tình hình dịch Covid-19. Sau khi có kết quả thi tốt nghiệp THPT đợt 2, Bộ đã xác định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào đối với một số ngành đào tạo đặc thù.

Tại cuộc họp báo, trước một số ý kiến phụ huynh cho rằng, chương trình Tiếng Việt lớp 1 hơi nặng, TS Thái Văn Tài, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học, Bộ GD-ĐT, cho rằng, nhận định này chưa có cơ sở khoa học.

Theo ông Tài, thông tin chương trình giáo dục phổ thông mới đang được triển khai, có chuẩn đầu ra, khung thời lượng năm học. Chương trình lớp 1 có 9 môn học. Tiếng Việt 1 có 5 bộ sách, được thiết kế theo những cách khác nhau. Theo lý giải từ lãnh đạo Vụ GD Tiểu học, có thể việc tăng thời lượng học Tiếng Việt (dù kiến thức không cao hơn chương trình hiện hành) tạo nên cảm giác này. Bộ GD-ĐT đã đi kiểm tra, dự giờ các đơn vị và có tiếp xúc với giáo viên, phụ huynh, học sinh, đều nhận được ý kiến phản hồi, khẳng định, dựa trên tính linh hoạt và tự chủ chuyên môn của giáo viên, nhà trường có hành lang pháp lý đầy đủ để giáo viên triển khai việc này.

 Vì vậy, theo ông, những nhận định chương trình nặng chưa có căn cứ xác đáng, chưa đúng thời điểm này khi chương trình lớp 1 nặng sau gần một tháng học. Ông Tài khẳng định, Bộ GD-ĐT tiếp tục lắng nghe các ý kiến để điều chỉnh, nếu có đầy đủ căn cứ khoa học, đánh giá nhiều mặt về việc này. "Nếu có bất cập, Bộ sẽ điều chỉnh", ông Tài nhấn mạnh.

P.V