Phượng hè thắp lửa ngày xanh

Thứ sáu, 29/04/2022 17:41
Ru người thực chất là ru mình. Bởi vậy, chả trách cứ đến hè phượng lại rưng rức đỏ và ai kia cũng đỏ mắt vì chia xa.
Phượng vĩ nở báo hiệu mùa hè về.
Phượng vĩ nở báo hiệu mùa hè về.

Chẳng rõ nguyên cớ nó là làm sao, tôi vừa đặt chân vào quán cà phê, cô chủ quán đã mở smartphone cho vang lên giai điệu: “Những chiếc giỏ xe chở đầy hoa phượng/ Em chở mùa hè của tôi đi đâu?”. Đưa ánh mắt nhìn những tia nắng hắt xéo qua đọt lá non, cô chủ quán cà phê khẽ mở lời chào: “Hè rồi đấy! Anh nhỉ!”.

Ừ, hạ nắng về với sắc đỏ phượng vĩ thắp lửa ngày xanh. Qua câu chuyện, tôi biết sắc hạ bồi hồi ngoài kia đang cháy lên trong cô những kỷ niệm không tên của tuổi học trò khờ dại long lanh nơi sân trường im nắng. “Gọi nắng trên vai em gầy đường xa áo bay”.

Phượng nở, chỉ dấu đầu tiên báo hiệu mùa hè đang về, cũng là thời điểm sắp kết thúc năm học, tất cả học sinh rồi sẽ nghỉ hè, trả lại sân trường vắng lặng cho tiếng ve kêu ngân ran. Phượng nở, với nhiều cô cậu học trò, hẳn là một niềm vui xen lẫn sự háo hức, vì những dự định đi đó đi đây chơi thỏa thích mà không lo bị mẹ cha la rầy do không chịu học bài mỗi tối. Nhưng màu hoa ấy, trong mắt những học sinh năm cuối cấp 3, còn là một gợi nhắc bâng khuâng, một chút nhớ nhung man mác, dự cảm về ngày chia tay tuổi học trò đang cận kề. Bấy giờ, màu đỏ rực của hoa phượng trở thành màu biểu trưng cho mùa chia ly, chia xa cái tuổi hồn nhiên, vô tư, trong sáng, thánh thiện. Mùa hè càng oi nắng, phượng vĩ càng cháy đỏ, tiếng ve càng vang động, những dự cảm của mùa biệt ly càng thêm nức nở, xốn xang.

Bao lớp học trò đã lớn khôn qua từng mùa phượng nở. Rồi thời khắc chia tay tuổi học trò cuối cùng cũng đến, phượng lại nở, lại rơi rực rỡ khắp sân trường. Màu hoa phượng cứ cháy mãi màu lửa nhiệt huyết của tuổi trẻ, tấy đỏ cả một khoảng trời kỷ niệm, nhớ thương.

Ấy là tôi đang nói về sắc màu phượng vĩ nơi quê nhà dấu yêu. Sau này, sống và đi khắp xứ Lâm Đồng, tôi biết thêm ngoài phượng vĩ hoa đỏ mùa hè, nơi đây còn có phượng tím, phượng trắng và cả phượng vàng. Phượng vàng, tên gọi khác là Phật y, áo của Phật, được người Pháp di thực về xứ BLao (TP Bảo Lộc ngày nay) từ cuối thập niên 20 thế kỷ XX. Theo những cựu dân BLao, với mục đích xây dựng Bảo Lộc thành một vùng chuyên canh về các loại cây công nghiệp, người Pháp đã đưa rất nhiều giống cây từ các nơi khác về đây, trong đó có cây phượng vàng. Phượng vàng được người Pháp trồng trước sở Con Trâu, tức Trung tâm Thực nghiệm, thuộc P. Lộc Sơn, TP Bảo Lộc. Tiếc rằng, tháng 4-2007, một cơn mưa bão lớn đã quật đổ cây phượng vàng có thân to cỡ vòng tay hai người ôm duy nhất còn sót lại trên đất BLao. Rất may, trước đó, năm 1999, ông Bùi Văn Tho- nguyên giảng viên Trường Nông Mục Súc BLao, nay là Trường Cao đẳng Kinh tế và Công nghệ Bảo Lộc, đã nhân giống thành công khoảng 20 cây con, rồi mang tặng một số nơi trên địa bàn Bảo Lộc. Mùa xuân năm 2008, tại chùa Phước Huệ và Trường Tiểu học Thăng Long, một trong những cây giống mà ông Bùi Văn Tho tặng nhà chùa và trường học đã trổ những bông hoa đầu tiên. Nhờ đó, cây phượng vàng trồng trước sở Con Trâu từ thời Pháp không bị mất đi trong câu chuyện của những cựu dân xứ BLao.

Cây phượng trắng trổ bông duy nhất tại Việt Nam nằm trong khuôn viên căn biệt thự số 9 đường Phù Đổng Thiên Vương (TP Đà Lạt), do tiến sĩ sinh học Hà Ngọc Mai đưa từ Sydney (Australia) về Đà Lạt trồng vào năm 1998. Năm 2002, cây hoa này bắt đầu trổ bông. Từ đó đến nay, cứ tháng 3 hàng năm, cây phượng trắng lại nở những chùm hoa tinh khôi, rất đẹp.

Cư dân Đà Lạt vẫn thường gọi cây phượng tím đầu tiên trồng tại Đà Lạt trên đường Nguyễn Thị Minh Khai (gần chợ Đà Lạt) của cố kỹ sư canh nông Lương Văn Sáu, tốt nghiệp Trường Nông nghiệp Versailles (Pháp), là... cây di sản. Bởi những ký ức về Đà Lạt mà cây hoa này chuyên chở, bên cạnh tính đại diện cho một mùa hoa Đà Lạt của nó. Cây phượng tím có mặt đầu tiên ở Đà Lạt như một chứng tích gắn liền với tên tuổi của một trong những kỹ sư canh nông thế hệ đầu tiên của Việt Nam được đào tạo chính quy về hoa - kỹ sư Lương Văn Sáu. Nó cũng là cây mẹ, ươm nên những cây con, tạo thêm cho Đà Lạt một mùa hoa phượng tím.

Phượng trắng, phượng tím, phượng vàng, phượng vĩ cứ thay nhau phủ sắc lên nền trời xanh Đà Lạt - Lâm Đồng bằng những mùa hoa rất riêng.

Tôi tần ngần nhìn khoảng trời xanh, bất chợt nhớ đến Vũ Hoàng và Đỗ Trung Quân: “Cánh phượng hồng ngẩn ngơ/ Mùa hè đến trường khắc nỗi nhớ lên cây/ Và mùa sau biết có còn gặp lại?”. Một khi đã nói đến “mùa sau”, cũng có nghĩa là nói đến “mùa xưa”, mùa của vụt đi không trở lại. Biết thế mà vẫn cứ hỏi, phải hỏi, hỏi cho đỡ nhớ, hỏi cho đỡ đau và hỏi để thêm hy vọng, dẫu rằng sự thể thì cách đây cả mấy ngàn năm triết gia Heraclitus (người Hy Lạp) đã đúc kết thành chân lý với câu nói bất hủ: “Không ai có thể tắm hai lần trên cùng một dòng sông”. Tuy thế, đấy vẫn là cách tự ru vỗ lòng mình chân thật nhất, sự ru rín đáng yêu nhất. Sự ru vỗ, ru rín xây trên nền tảng bệ đỡ quá khứ, một quá khứ được chưng cất kỹ, nên bao giờ cũng đẹp huyền ảo. Mà ru người thực chất là tự ru mình. Bởi vậy, chả trách cứ đến hè phượng lại rưng rức đỏ và ai kia cũng đỏ mắt vì chia xa.

Trịnh Chu