Phương Tây liên tiếp “tấn công trực diện”, Bắc Kinh “phản đòn”

Thứ tư, 24/03/2021 11:42

Ngày 22-3, Trung Quốc đã liệt vào danh sách đen trừng phạt 10 cá nhân và 4 thực thể Liên minh Châu Âu (EU) để đáp trả các biện pháp trừng phạt nhằm vào các quan chức nước này với cáo buộc lạm dụng nhân quyền tại vùng Tân Cương.

Căng thẳng EU-Trung Quốc gia tăng khi Bắc Kinh tuyên bố đáp trả các biện pháp trừng phạt.

Trừng phạt lẫn nhau

Trong tuyên bố chung, ngoại trưởng các nước Anh, Mỹ và Canada cho biết, các nước này quan ngại sâu sắc trước những hành vi của Trung Quốc tại Tân Cương, đồng thời kêu gọi Trung Quốc chấm dứt ngay những hành vi như vậy. Ngoại trưởng Anh, Mỹ và Canada cũng kêu gọi Trung Quốc cho phép cộng đồng quốc tế, bao gồm các nhà điều tra độc lập từ LHQ, các nhà báo và nhà ngoại giao nước ngoài, được tiếp cận không bị cản trở với Tân Cương. Anh, Mỹ và Canada cũng cho biết, sẽ tiếp tục phối hợp cùng nhau để làm sáng tỏ những vi phạm của Trung Quốc.

Trước đó, Mỹ, Anh cùng với EU đã đưa ra các biện pháp trừng phạt đối với một số quan chức và tổ chức của Trung Quốc liên quan các vi phạm ở Tân Cương. Mới đây nhất, Bộ các vấn đề toàn cầu (GAC) của Canada cũng đã ra tuyên bố cho biết, chính phủ nước này quyết định áp đặt các biện pháp trừng phạt mới đối với 4 quan chức và 1 thực thể Trung Quốc theo Quy định về các biện pháp kinh tế đặc biệt về các vi phạm ở Tân Cương. Cùng ngày, Ngoại trưởng hai nước Australia và New Zealand chia sẻ những mối quan ngại trên, đồng thời hoan nghênh các biện pháp trừng phạt được các nước phương Tây khác áp đặt đối với các quan chức Trung Quốc.

Phản ứng trước các động thái này, Bắc Kinh đã đáp trả bằng lệnh cấm nhập cảnh đối với 10 người châu Âu - bao gồm 5 thành viên của Nghị viện châu Âu (EP) - cũng như hai cơ quan của EU và hai tổ chức tư vấn. Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố, các thành viên thuộc Nghị viện Châu Âu, gồm Reinhard Butikofer, Michael Gahler, Raphael Glucksmann, Ilhan Kyuchyuk và Miriam Lexmann, nằm trong số những người "xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền và các lợi ích của Trung Quốc, cũng như tuyên truyền những lời dối trá và đưa ra tin giả một cách ác ý". Các cá nhân khác cũng bị Trung Quốc trừng phạt gồm chính trị gia người Hà Lan Sjoerd Wiemer Sjoerdsma, nghị sĩ Bỉ Samuel Cogolati, nghị sĩ Litva Dovile Sakaliene và 2 học giả Adrian Zenz (người Đức) và Bjorn Jerden (Thụy Điển). Bộ Ngoại giao Trung Quốc nêu rõ: "Các cá nhân liên quan và gia đình của họ bị cấm tới Trung Quốc đại lục, Hong Kong và Macau. Họ và các công ty cũng như các tổ chức liên quan tới họ đều bị hạn chế giao thương với Trung Quốc".

Các thực thể bị Trung Quốc trừng phạt bao gồm Ủy ban Chính trị và An ninh thuộc Hội đồng châu Âu; Tiểu ban Nhân quyền thuộc Nghị viện châu Âu; Viện Nghiên cứu Trung Quốc Mercator tại Đức và Liên minh Các nền dân chủ tại Đan Mạch.

Cảnh báo của Châu Âu

Trước động thái này của Bắc Kinh, nhiều nước và tổ chức tại Châu Âu đã lên tiếng phản ứng. Phát biểu trước báo giới chiều ngày 22-3 tại Brussels, Cao ủy phụ trách chính sách đối ngoại và an ninh của Liên minh Châu Âu, ông Josep Borrell tuyên bố, phía Châu Âu không chấp nhận các biện pháp trả đũa này. “Thay vì thay đổi các chính sách của mình và lưu tâm đến các quan ngại chính đáng của chúng tôi, Trung Quốc đã ngoảnh mặt làm ngơ. Những biện pháp trả đũa này là đáng tiếc và không thể chấp nhận được”, ông Josep Borrell nói. 

Chung phản ứng với ông Josep Borrell, chiều ngày 22-3, chính phủ Hà Lan đã triệu tập Đại sứ Trung Quốc tại nước này đến để phản đối. Ngoại trưởng các nước Đức, Bỉ, Hà Lan cũng lên tiếng chỉ trích việc Trung Quốc trả đũa. Bộ Ngoại giao Pháp chiều 22-3 cũng đã triệu Đại sứ Trung Quốc tại Pháp, Lu Shaye lên để phản đối những lời chỉ trích của ông này với một số học giả và nghị sĩ Pháp tuần trước. Trong khi đó, Chủ tịch Nghị viện Châu Âu David Sassoli cảnh báo, các hành động của Trung Quốc sẽ gây hậu quả đáng tiếc.
Theo giới quan sát, mặc dù các lệnh trừng phạt mà EU đưa ra nhằm vào các quan chức và tổ chức Trung Quốc chủ yếu mang tính biểu tượng nhưng đây là cột mốc đánh dấu sự thay đổi quan trọng trong chính sách cứng rắn hơn của khối này với Trung Quốc, bởi đây là lệnh trừng phạt đầu tiên mà EU đưa ra với Trung Quốc từ năm 1989. Tuy nhiên, giới phân tích cũng cho rằng giới chức Châu Âu đã bị bất ngờ trước mức độ trả đũa mạnh mẽ của Trung Quốc.

Tuần trước, Đại sứ Trung Quốc tại EU cũng đã lên tiếng cảnh báo việc Châu Âu trừng phạt Trung Quốc đồng nghĩa với “đối đầu” và Bắc Kinh không bao giờ chấp nhận các lời cáo buộc dối trá và vô căn cứ nhằm vào nước này. Trong thông báo đưa ra cùng các biện pháp trả đũa, Bộ Ngoại giao Trung Quốc bày tỏ sự tức giận: "Các biện pháp trừng phạt của EU đối với Trung Quốc, dựa trên những lời nói dối và thông tin sai lệch liên quan đến Tân Cương, không phù hợp với sự thật, không có cơ sở pháp lý và vô lý". "Trung Quốc kêu gọi phía Châu Âu nhận ra mức độ nghiêm trọng của sai lầm của mình, sửa sai và ngừng đối đầu để tránh gây ra thiệt hại lớn hơn cho quan hệ Trung Quốc-EU", Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố.

AN BÌNH