Phường "vùng xanh" gặp khó

Thứ tư, 22/09/2021 14:40

Là một trong những địa phương được công nhận “vùng xanh” sớm nhất của thành phố, tuy nhiên cuộc sống của người dân phường Hòa Quý, quận Ngũ Hành Sơn lại đang đối mặt với muôn vàn khó khăn. Ngoài những bất cập trong việc đi lại do còn phong tỏa những cây cầu qua sông, câu chuyện không được đi chợ; bị “đại đội” trâu bò càn quét, tàn phá cũng khiến bà con nơi đây gặp muôn vàn khó khăn...

Cầu Khuê Đông khóa chặt, cán bộ, người lao động bắt buộc phải đi đường vòng qua Mai Đăng Chơn, Lê Văn Hiến tới cầu Tuyên Sơn để sang các quận khác.

Mỏi mắt chờ cầu mở, phiếu đi chợ

Đã hơn một tuần kể từ khi UBND TP có quyết định điều chỉnh, bổ sung một số biện pháp để phòng chống dịch COVID-19, trong đó mỗi hộ được 1 người lựa chọn đi siêu thị, chợ tần suất 3 ngày/lần bằng phiếu mua hàng có mã QR Code, nhưng hàng ngàn hộ dân phường Hòa Quý vẫn chưa nhận được sự quan tâm này. Theo phản ánh của người dân các tổ, khi hỏi xin cấp giấy đi chợ, họ đều nhận được câu trả lời: Chưa có, hoặc không có chợ nào hoạt động. Bà N., tổ 64 cho hay, đã là vùng xanh, được phép đi chợ lâu rồi, trong khi nhu cầu đi chợ của bà con ai cũng cần do thực phẩm, rau xanh dự trữ không còn, nhưng phiếu đi chợ vẫn… ở nơi đâu xa lắm! Chia sẻ khó khăn, nhiều khu vực bà con gần như nương tựa vào nhau bằng cách chia sẻ rau, thực phẩm trong thời gian mỏi mắt chờ phiếu đi chợ.

Chung nỗi niềm, chị L. – Block B2.35 khu đô thị sinh thái ven sông Hòa Quý – Đồng Nò bức xúc: Phường xanh Hòa Quý cũng có một vài chợ như Bình Kỳ, Khái Tây nhưng chẳng hiểu sao không cho người dân đi chợ. Khi được hỏi phiếu thì tổ trưởng chỉ nói chưa có chợ nào hoạt động. Trong khi đó, phường cũng gần Metro, nhưng người dân không thể đi mua sắm do không có phiếu. “Bình thường 1-2 ngày không đi chợ đã là khó khăn, vậy mà chịu đựng suốt một thời gian dài giãn cách, nay đã được nới lỏng gần chục ngày, người dân vẫn không thể đi chợ mua sắm, ai cũng ấm ức vô cùng”, chị L. trao đổi. 

Không thể đi chợ, việc được trở lại làm việc của cán bộ, nhân dân ở Hòa Quý cũng khốn đốn với cung đường di chuyển quá xa do những cây cầu qua sông gồm cầu Trung Lương và Khuê Đông đang khóa chặt. Thay vì di chuyển đường rất ngắn, có chỗ chỉ 2-5 cây số, thì nhiều ngày qua người dân phải đi vòng qua đường Mai Đăng Chơn, Lê Văn Hiến tới cầu Tuyên Sơn để qua quận Hải Châu, Thanh Khê, Liên Chiểu, dài thêm cả chục cây số. Nhiều người dân đặt câu hỏi: Tại sao khi mọi người có giấy đi đường theo quy định, có nhu cầu qua lại giữa các quận để công tác, làm ăn nhưng lại phải đi bằng tuyến đường khác khi 2 cây cầu này bị khóa chặt. Ngược lại, người các quận khác qua Hòa Quý cũng vậy. Trong khi vẫn có lực lượng cắm chốt ở các cầu này, tại sao không kiểm soát giấy đi đường như trước đây tạo điều kiện cho người dân di chuyển mà lại khóa chặt cầu?  

Trao đổi với phóng viên, ông Huỳnh Kim, Chủ tịch UBND phường Hòa Quý cho biết: Việc khóa chặt 2 cây cầu là chủ trương của quận và thành phố chứ không phải thẩm quyền của phường. Còn phiếu đi chợ, ông Kim cho biết, phường có 2 chợ, nhưng quận chưa quyết định cho mở lại nên người dân không thể đi. Để chủ động phục vụ bà con, phường cũng đã in 7.000 phiếu, nhưng chợ chưa mở, bà con vẫn chưa thể phát phiếu đi chợ được. 

Khốn đốn với trâu, bò

Một bức xúc khác mà người dân phường Hòa Quý phải chịu đựng trong thời gian qua là đàn bò hàng trăm con ngày đêm càn quét, quấy phá cuộc sống. Vốn là khu đô thị, nhưng vấn nạn bò thả rông khiến người dân ăn ngủ không yên. Kiến nghị suốt nhiều năm rồi, nhưng thực trạng vẫn vẹn nguyên. Không chỉ phóng uế bừa bãi khắp các tuyến đường, đàn bò còn phá hư hỏng hệ thống tường rào, cây xanh, những điểm để thùng rác của ngành Môi trường đô thị. Đêm đến, những khu đất trống sát bên nhà dân, bò ngủ la liệt gây ồn ào, bốc mùi hôi thối nồng nặc. Vô số công trình nhà đang xây dựng cũng bị bò xông vào ngủ qua đêm, phóng uế. Anh Tr., tổ 64 bức xúc: Tiếng là sống ở khu đô thị, nhưng đâu đâu cũng nhìn thấy bò. Không chỉ phá rau màu, phóng uế bừa bãi, tình trạng bò thả rông còn gây mất ATGT, nguy hiểm cho người già, trẻ nhỏ. “Có vài khóm rau, củ, quả trồng để ăn mùa dịch cũng bị bò phá rào gặm sạch”, một người dân bức xúc.

Ông Huỳnh Kim, Chủ tịch UBND phường cho biết, vấn nạn trâu bò, phường cũng rất bức xúc và có văn bản đề xuất rất nhiều rồi, nhưng các ngành chức năng quận chưa có giải pháp hữu hiệu để xử lý. Một mặt, phường hiện nay cũng không nắm rõ chủ trâu bò ở đâu do không phải ai cũng là người địa phương. “Tình trạng trâu bò trên địa bàn như thú hoang, tuông phá nên cũng khó bắt. Mà khi bắt nhốt để chết phải đền hàng chục triệu đồng. Vì vậy, phường chỉ có cách đề xuất quận dùng xe, sau khi bắt xong đưa thẳng lên núi chứ cam kết, nhắc nhở và phạt mỗi con bò vài chục ngàn đồng mãi cũng không xong. Nhưng giải pháp này chưa thực hiện được”, ông Kim nói.

Theo ông Nguyễn Hòa, Chủ tịch UBND quận Ngũ Hành Sơn, những kiến nghị của người dân quận cũng đang có những phương án để xử lý. Liên quan việc khóa cứng 2 cây cầu, ông Hòa cho hay do muốn giữ vùng xanh nên mong bà con thông cảm, chịu khó chung tay cùng với quận. Vài ngày tới, khi quận Cẩm Lệ là “vùng xanh”, quận sẽ tiến hành mở cầu. Về phiếu đi chợ, ông Hòa cho hay hiện tại chợ đầu mối, cảng cá chưa mở nên phần lớn nhờ hàng hóa tiếp ứng từ Quảng Nam nhưng cũng rất khó khăn. Còn các chợ ở phường do hàng hóa chưa nhiều nên chưa hoạt động. “Một hai ngày nữa thôi sẽ mở chợ Bình Kỳ, quận phát phiếu cho bà con để đi chợ 3 lần một tuần. Kể cả phiếu để bà con đi Metro mua sắm, ổn định cuộc sống” – ông Hòa nói. Về vấn nạn trâu bò quậy phá khu đô thị, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân, ông Hòa khẳng định: “Thời gian qua quận cũng quyết liệt, có phạt nhưng chưa dứt điểm do đang dịch bệnh kéo dài. Ngay sau khi dịch tạm ổn, sẽ chỉ đạo các ngành làm mạnh tay, bắt nhốt hết đưa lên Hòa Khương, Đồng Xanh Đồng Nghệ. Khi thực hiện chiến dịch này, dù trâu bò có chết người chăn nuôi cũng phải ráng chịu, chứ không thể để ảnh hưởng đến cuộc sống của nhân dân. Quan điểm nhất quán của quận là sẽ xử lý nghiêm khắc” – ông Hòa nói.

CÔNG HẠNH